Năm học mới 2013 - 2014, tại gần 2.000 trường tiểu học trong cả nước sẽ thực hiện dạy và học theo mô hình trường học kiểu mới (VNEN). Việc làm này xem như dấu hiệu khởi đầu cho một bước đổi mới tận gốc mục tiêu giáo dục, nội dung, chương trình, cách thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển (ảnh) về chủ trương mới này.
Thưa Thứ trưởng, sau cuộc giám sát của Quốc hội vừa qua về sách giáo khoa và chương trình giáo dục phổ thông, có ý kiến cho rằng, bất cập lớn nhất của giáo dục hiện nay là chất lượng không đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước, ông có đồng ý với quan điểm này?
Đúng là như vậy. Chất lượng giáo dục và đào tạo (GDĐT) của nước ta hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Có nhiều nguyên nhân của hiện tượng này. Nhưng xét riêng về chương trình giáo dục phổ thông chúng tôi đã rà soát thấy rằng những yếu tố chính của chương trình như mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học đều liên quan đến nhau và là nguyên nhân của hiện tượng này.
Học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Thảo trong ngày tựu trường. Ảnh: Phương Vy - TTXVN |
Thứ nhất nói về mục tiêu giáo dục, chúng ta quan tâm đến mục tiêu chung cho tất cả mọi người mà chưa chú ý phát huy tiềm năng riêng của từng em. Chúng ta coi nặng việc truyền thụ kiến thức hơn là dạy học sinh những kỹ năng, khả năng tự học. Do thiết kế nội dung dạy học giống như các môn khoa học nên nhiều kiến thức hàn lâm yêu cầu phải chặt chẽ cũng được đưa vào chương trình sách giáo khoa (SGK) thành ra nội dung chương trình giáo dục phổ thông hiện bị nặng, thiếu tính thực tiễn.
Do mục tiêu quan tâm làm sao dạy được nhiều kiến thức dẫn tới phương pháp (ta hay phê phán) là dạy học theo kiểu đọc chép, không bồi dưỡng khả năng tự học, khả năng chủ động của học sinh. Phương pháp kiểm tra đánh giá cũng nặng về đánh giá học sinh học được gì mà chưa coi trọng đánh giá năng lực thực hiện nhiệm vụ trong học tập, trong cuộc sống cũng như là năng lực tự học của học sinh.
Thưa Thứ trưởng, gần đây Bộ Giáo dục Đào tạo có áp dụng mô hình trường học mới (VNEN), ông có thể cho biết mô hình này góp phần giải quyết những bất cập nêu trên?
Chính mô hình trường học mới được áp dụng ở Việt Nam đã mở ra một con đường, một cơ chế để chúng ta giải quyết được những bất cập nói trên. Về mục tiêu dạy học, mô hình trường học mới đảm bảo cho học sinh được rèn luyện một cách toàn diện, không phải chỉ có học kiến thức mà được rèn luyện nhiều hơn về kỹ năng sống, trang bị năng lực tự quản bản thân, tự quản tập thể cho học sinh… Nội dung dạy học được thiết kế theo quy trình đảm bảo cho học sinh có khả năng tự học, chuyển quá trình dạy học thành quá trình hướng dẫn học sinh tự học, tự vận dụng kiến thức.
Mô hình này cũng coi trọng việc kiểm tra đánh giá trong suốt quá trình học đi đôi với việc kiểm tra kết quả học tập. Mô hình trường học mới sẽ không chỉ đánh giá học sinh học được cái gì mà quan trọng sẽ đánh giá học sinh làm được cái gì qua học. Bộ GDĐT đã hướng dẫn việc đánh giá học sinh ngay trong quá trình học để kịp thời động viên các em, phát hiện các em gặp khó khăn về vấn đề gì để giúp đỡ một cách kịp thời. Với cách làm này giáo viên sẽ giúp đỡ riêng được từng em, phát huy được năng lực riêng của từng em khác nhau, không phải ứng xử một cách đồng loạt - Đấy chính là tính nhân văn của mô hình trường học mới.
Háo hức đón chào năm học mới. Ảnh: Lê Phú |
Thứ trưởng có thể nói cụ thể hơn về sự thay đổi ở một lớp học, trong một trường học từ mô hình truyền thống sang mô hình kiểu mới?
Tôi xin bắt đầu từ thiết kế nội dung dạy học. Mỗi một bài học đều được thiết kế cho một vấn đề học tập, trong đó chia làm ba bước. Bước đầu là học sinh tự học để nắm được kiến thức, bước thứ hai để học sinh vận dụng kiến thức đó, giải quyết những nhiệm vụ trực tiếp, bước thứ 3 là ứng dụng những kiến thức đó vào điều kiện thực tế của nhà trường, của cộng đồng, của gia đình…
Nội dung dạy học được thiết kế như vậy đã đảm bảo được kiến thức có tính thực tiễn và đảm bảo học sinh được tự học chứ không phải chỉ ngồi nghe giáo viên giảng bài… Giáo viên quan sát từng học sinh và các nhóm học sinh để phát hiện những em nào có vấn đề trong học tập thì giúp đỡ kịp thời và đánh giá các em hoàn thành công việc theo từng bước một. Mỗi bước thì có động viên, khích lệ các em để chuyển sang bước tiếp theo được tốt hơn. Chính thiết kế nội dung và quy trình dạy học như vậy đã đảm bảo kiến thức vừa thực tiễn, vừa tránh hàn lâm vừa đảm bảo tính tự giác học tập của các em.
Bài học được thiết kế theo ba bước như vậy, mỗi em có hoàn cảnh, có năng lực khác nhau có thể hoàn thành bài học trước hoặc sau so với bạn mình. Em nào hoàn thành trước thì có thể chuyển sang các bài học mới trước hoặc là sẽ được giáo viên đặt ra các yêu cầu cao hơn để các em phát huy được năng lực riêng của mình. Cách dạy học này cũng góp phần rèn luyện tính năng động, sáng tạo, góp phần hình thành nên nhân cách của con người mới.
Điều tiếp theo tôi muốn đề cập là việc tổ chức lớp học. Lớp học được thiết kế cho học sinh ngồi theo từng nhóm, các em hoạt động cá nhân, khi cần thiết thì có trao đổi trong nhóm. Như vậy vừa phát huy được từng cá nhân vừa phát huy được sự hỗ trợ, cộng tác, tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau trong nhóm. Đối với việc tổ chức sinh hoạt của lớp, mô hình này coi trọng tính tự quản của học sinh. Các em tự bình bầu Hội đồng tự quản. Trong lớp cũng có những ban như ban tuyên truyền, ban học tập, ban lễ tân... Tại mỗi ban này, các em phải có đề án ứng cử, rồi trong lớp bình chọn và phân công nhiệm vụ theo nhiệm kỳ. Chính những điều này làm các em tự quản lấy lớp học. Trong lớp học cũng có hòm thư góp ý nhưng được gọi một cách nhẹ nhàng là “Điều em muốn nói”. Học sinh có thể góp ý với bạn, kể cả khen bạn thông qua hòm thư này. Từ những lá thư nhỏ này các em xây dựng được các mối quan hệ tốt với nhau và chính học sinh giáo dục lẫn nhau.
Trong lớp học cũng có bản đồ chung cho biết nhà bạn nào ở chỗ nào, đường đi lối lại ra sao… làm cho các em sinh hoạt với nhau và với cộng đồng một cách gần gũi. Phụ huynh cũng có thể đến tham quan các em học như thế nào, có điều kiện thì giúp đỡ các em.
Lớp học còn có những góc khác nhau như góc tìm hiểu về tự nhiên, về xã hội, về thực hành… Chính những góc này tạo điều kiện cho các em học sinh chủ động tìm tòi tư liệu thông tin và được trình bày, biểu diễn những kết quả học tập của mình. Như vậy việc học tập không còn đơn giản là đọc chép mà là có học, có nghiên cứu, có trình bày, có báo cáo nên rèn luyện học sinh được rất nhiều.
Thưa Thứ trưởng, chúng ta đang ở giai đoạn chuyển đổi từ một nền giáo dục truyền thống sang nền giáo dục đổi mới căn bản, toàn diện sau năm 2015. Vậy mô hình trường học kiểu mới này có ý nghĩa như thế nào?
Mô hình trường học mới tạo cơ hội cho chúng ta áp dụng những mong muốn, những ý tưởng đặt ra trước đây mà không có điều kiện thực hiện. Khi triển khai mô hình này, mọi người thấy ngay là nó tạo cơ hội cho giáo viên, cho học sinh và phụ huynh thực hiện những ý đồ mong muốn mà lâu nay khó làm, giờ sẽ dễ làm. Chính vì vậy, sau khi triển khai ở 1.447 trường trong năm học 2012-2013, năm học 2013-2014 đã có thêm nhiều trường tự động đăng ký áp dụng và cũng có khoảng hơn 200 trường nữa sẽ được triển khai.
Bộ GDĐT cũng khuyến khích các trường nếu không có điều kiện triển khai toàn bộ mô hình trường học mới thì có thể triển khai từng phần một. Ví dụ phần dạy học chưa thay đổi được thì có thể triển khai chuyển đổi phần tự quản cho học sinh. Những góc học tập chưa xây dựng được thì vẫn có thể cho học sinh tự học từng phần bằng sách của mô hình trường học mới. Như vậy việc nghiên cứu đổi mới mô hình trường học này thể nghiệm ngay sự thành công bước đầu. Khi chúng ta thực hiện qua nhiều năm sẽ rút kinh nghiệm hoàn thiện dần. Mô hình trường học mới là những thể nghiệm bước đầu cho việc triển khai đổi mới chương trình và SGK phổ thông sau năm 2015. Điều này có hai cái lợi: Một là chúng ta có điều kiện để thử nghiệm hoàn thiện, hai là chúng ta cũng làm cho mọi người được quen dần khi chuyển sang mô hình mới sẽ thuận tiện hơn.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Hoàng Hoa (thực hiện)