Năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố toàn bộ đề thi minh hoạ các môn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong đó có môn Ngữ văn. Căn cứ cấu trúc đề, phạm vi, kiến thức, kỹ năng được thể hiện trong đề minh hoạ, TS. Trịnh Thu Tuyết cho biết, cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT không thay đổi từ năm 2017 đến nay.
Về cấu trúc, đề thi gồm 2 phần: Đọc hiểu (3,0 điểm), làm văn (7 điểm), trong đó câu nghị luận xã hội 2 điểm và nghị luận văn học 5 điểm. Ở phần đọc hiểu, đề minh họa đưa ra ngữ liệu đoạn thơ, nằm ngoài chương trình sách giáo khoa phổ thông, thí sinh cần tham khảo, lưu ý. Phần này có 4 câu hỏi phân loại theo các cấp độ nhận biết-thông hiểu-vận dụng-vận dụng cao. Phần làm văn, câu nghị luận xã hội giúp thí sinh dễ dàng ghi điểm khi nêu quan điểm, góc nhìn cá nhân hợp lý. Câu nghị luận văn học chiếm quỹ điểm cao nhất với 5 điểm, cũng là dạng bài mang tính truyền thống, được thầy trò cấp THPT đầu tư rất nhiều tâm huyết, thời gian.
Phần đọc hiểu: Với một ngữ liệu có thể là thơ hay văn xuôi thì các em đặc biệt quan tâm nhận diện các mức độ nhận thức được phân loại ở 4 câu hỏi theo các cấp độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Sự nhận diện này giúp các em có phương án trả lời một cách phù hợp nhất.
Phần thứ 2 là làm văn. Về câu viết đoạn nghị luận xã hội, TS. Trịnh Thu Tuyết nêu vài điều về kỹ năng như sau: Khi nhận đề, các em cần xác định được vấn đề, khía cạnh cần nghị luận. Đoạn văn nghị luận xã hội khoảng 200 chữ. Đây là viết một đoạn văn nghị luận xã hội nên chỉ yêu cầu luận và các em cũng chỉ được phép luận về một bình diện, khía cạnh nào đó của vấn đề lớn. Ví dụ như: Biểu hiện, ý nghĩa, hậu quả, nguyên nhân, giải pháp hay bài học…
"Chúng ta tuyệt đối không biến đoạn văn nghị luận xã hội thành một bài văn thu nhỏ với tất cả các mục triển khai. Viết như thế sẽ vừa thừa, vừa thiếu. Thiếu phần cơ bản nhất theo yêu cầu câu lệnh trong đề nhưng lại thừa những yếu tố không cần thiết và sẽ ảnh hưởng đến quỹ điểm các em có được", TS. Trịnh Thu Tuyết nhấn mạnh.
Với câu hỏi thứ 2 - nghị luận văn học, thí sinh trong những ngày cuối cùng trước khi kỳ thi diễn ra, hãy dành thời gian hệ thống lại kiến thức đã học. Các em có thể lập sơ đồ tư duy, hệ thống lại các tác phẩm, tác giả, nội dung…
Phần kỹ năng, các em cần quan tâm đến kỹ năng phân tích, cảm nhận hoặc thơ, văn xuôi trữ tình hoặc văn xuôi tự sự.