Đó là lớp học vô cùng đặc biệt mà cô giáo Đinh Thị Kim Phấn đã lập ra gần 10 năm nay tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh. Lớp học dành riêng cho những thiên thần “đầu trọc” - những bệnh nhi không may mắn bị bệnh ung thư.
"Niềm vui" trong căn phòng 25m2
"Cái trống trường em/ Mùa hè cũng nghỉ/ Suốt 3 tháng liền/ Trống nằm ngẫm nghĩ/ Buồn không hả trống?...". Những câu thơ được bé Đinh Tú Uyên (7 tuổi), bệnh nhi mắc bệnh bướu cổ đang điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh nắn nót viết trong buổi học đầu tiên tại lớp học của cô giáo Đinh Thị Kim Phấn – một lớp học đặc biệt trong khuôn viên Bệnh viện Ung bướu.
Đặc biệt, bởi đây là lớp học không bảng đen, không phấn trắng, giáo viên là những tình nguyện viên không đòi trả lương, còn học sinh là những bệnh nhi ung thư với chiếc đầu trọc đặc trưng. Các em đến với lớp học khi trên tay còn nguyên cây kim tiêm truyền, thậm chí có em còn mang nguyên cả bình truyền dịch. Nhưng không hề gì, tất cả đều được cô Phấn đón nhận bởi mỗi bé khi đến đây đều mang theo một khát khao cháy bỏng về một tương lai tươi sáng hơn ở phía trước.
Say sưa vẽ những bông hoa hướng dương, bé Tống Mỹ Anh – một bệnh nhi ung thư có “thâm niên” gần 8 năm điều trị tại Bệnh viện Ung bướu cho biết, em chỉ mong đến ngày cuối tuần để được đi học, bởi ở phòng bệnh quá ngột ngạt và buồn chán. Ở góc khác, cô giáo Đinh Thị Kim Phấn và các tình nguyện viên cần mẫn cầm tay hướng dẫn những nét chữ đầu tiên cho các bệnh nhi lứa tuổi lên 6. Tất cả đều say mê với các con chữ, bài toán mặc cho đớn đau, bệnh tật hành hạ, bất chấp ngày mai đây một trong các bé có thể sẽ không bao giờ trở lại.
Nói về lý do thành lập lớp học đặc biệt này, cô giáo Đinh Thị Kim Phấn kể, hơn 10 năm trước, sau nhiều lần làm tình nguyện viên ở Bệnh viện Ung bướu, thương các bệnh nhi phải bầu bạn với 4 bức tường nhỏ hẹp của phòng bệnh, thương các con phải dở dang con chữ vì bệnh tật, bà đã vào tận giường dạy chữ cho các em. Sau khi số lượng bệnh nhi theo học ngày một nhiều thêm, Ban Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh quyết định dành một phòng 25m2 trong quỹ đất ít ỏi, chật hẹp của khoa Nhi để bà thành lập lớp học. Năm 2009, lớp học của cô giáo Phấn đã ra đời với sự hỗ trợ từ chương trình “Ước mơ của Thúy” và từ đó đã trở thành điểm tựa tinh thần cho các bệnh nhi ung thư vào chiều thứ 6 và sáng thứ 7 mỗi tuần.
Những trang vở dở dang
Sau gần 10 năm, cô giáo Đinh Thị Kim Phấn không đếm được biết bao học trò đến với lớp học của mình nhưng mỗi khi lần giở những cuốn vở của các con, bà có thể đọc vanh vách đặc điểm của từng đứa. “Cuốn vở này của bạn nhỏ Khương Đằng – cậu bé ham học không bỏ sót buổi học nào, cuốn này của bạn Lộc – một cậu bé rất cá tính và kia là cuốn vở viết của bé Mỹ Duyên – cô bé xinh xắn đáng yêu có hai lúm đồng tiền trên má”, cô Phấn “điểm danh” từng học trò của mình. Trên kệ sách của lớp học, những chồng vở được cô Phấn và các tình nguyện viên xếp ngay ngắn theo lứa tuổi. Cứ mỗi khi vào giờ học, những cuốn vở này được đưa đến tận tay để các em tiếp tục bài học dở từ tuần trước.
Đặc biệt, ở góc tủ trên cùng là chồng tập vở của những đứa trẻ không trở lại với “lớp học ung bướu”. Hơn 300 cuốn vở là hơn 300 học trò không quay lại lớp học. Giở từng cuốn vở, cô Đinh Thị Kim Phấn lặng người trước những dòng chữ nắn nót của các con. Cuốn vở của bé Đăng Khôi ghi rõ buổi học cuối cùng vào ngày 26/1/2018. Tập vở của bé Gia An, buổi học cuối cùng của con là ngày 9/3/2017...
Lâu lâu, cô Phấn lại kiểm tra tập vở một lần, và những chồng vở trên nóc tủ kia theo thời gian cứ cao thêm mỗi ngày. “Các con không trở lại lớp học có nghĩa là đã khỏi bệnh hoặc đã ra đi. Thêm một lần có một em không quay lại lớp học là một lần vui buồn lẫn lộn bởi mình không biết các em có qua khỏi hay không”, cô Phấn bồi hồi. Nhìn trang vở viết dở của cậu bé Khương Đằng – một trong những cậu học trò mà cô giáo Phấn ấn tượng nhất, cô không khỏi nghẹn ngào: “Bệnh nhi này mắc bệnh ung thư sợi thần kinh, phải lần lượt cắt hết chân, tay nhưng em vẫn cố gắng đến lớp đều đặn và học rất giỏi. Thế nhưng em đã mất rồi, không thể trở lại lớp học được nữa”.
Gieo niềm hy vọng
Cặm cụi với từng bài toán, bệnh nhi H’Mỹ Hạnh Êban (13 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk) cho hay, hai năm trước em phát hiện mình mắc bệnh ung thư cơ gân. Từ đó, đều đặn mỗi tháng em phải đến bệnh viện 1 tuần để điều trị. Những bài học vì thế cũng dở dang. Đáng lẽ năm nay Êban lên lớp 7 nhưng em phải ở lại lớp 6 vì nghỉ học quá nhiều. Để không phải tiếp tục ở lại lớp, em đang cố gắng bù lại những kiến thức bị hổng hy vọng có thể theo kịp các bạn sau mỗi đợt điều trị.
Còn bé Nguyễn Đặng Ngọc Ánh (6 tuổi, ngụ TP Hồ Chí Minh) dù bị cưa mất một chân nhưng cuối tuần nào cũng đòi mẹ ẵm đến lớp học. Cần mẫn, nhẫn nại với từng âm vần, từng nét chữ, Ánh ước mơ mình đọc thông viết thạo để có thể tự tay viết thư cho chị gái ở nhà.
Từng là một giáo viên Tiểu học, cô giáo Đinh Thị Kim Phấn cho biết, bệnh nhi ung thư chăm học và khao khát được đi học hơn những đứa trẻ bình thường. Có nhiều em chỉ ngồi đếm đến ngày cuối tuần để được đến lớp, hay có em hôm trước đã năn nỉ bác sỹ tiêm truyền vào chân, đừng gắn kim vào tay để mai còn đến lớp. Đặc biệt từng có một bệnh nhi dù được bác sỹ cho về nhà vào ngày thứ 5 nhưng vẫn năn nỉ mẹ ở lại thêm một ngày để được tham gia lớp học vào chiều thứ 6. Đó cũng chính là động lực để cô giáo Đinh Thị Kim Phấn, đã bước qua tuổi 62 vẫn đều đặn đến lớp học vào những ngày cuối tuần.
Sau 9 năm gắn bó với bệnh nhi ung thư, cô giáo Đinh Thị Kim Phấn trải lòng: Dạy học cho bệnh nhi ung thư cũng không đơn giản như học trò bình thường bởi các con thường xuyên phải chịu đựng những cơn đau hoặc đang trải qua những cú sốc tinh thần. Do vậy, tâm tính của các con cũng rất khác biệt, mình phải vừa mềm mỏng nhưng cũng đủ cứng rắn để các con đi vào khuôn khổ.
Và không ít bệnh nhi nhờ đến với lớp học đã vượt qua được tự ti, mặc cảm bệnh tật để vui vẻ, yêu đời hơn. Mẹ bệnh nhi Tống Mỹ Anh cho hay, từ khi biết đến lớp học, Mỹ Anh đã không còn lầm lì, ủ rũ, bé cười nhiều hơn, cởi mở hơn với các bé cùng cảnh ngộ khác. Thậm chí bé còn quyết tâm học giỏi để mai này sẽ trở thành cô giáo.
Sau 2 giờ say sưa với các con chữ, bài toán, sách vở được gấp lại, lớp học lại biến thành sân khấu vui nhộn. Khi điệu nhạc vang lên cũng là lúc các bệnh nhi đồng loạt nhún nhảy như chưa từng trải qua những cơn đau. Bé nào sức khỏe yếu quá cũng gắng đứng dựa vào kệ sách lắc lư thân mình theo nhạc. Không đơn thuần là nơi dạy chữ, lớp học đặc biệt tại Bệnh viện Ung bướu còn là nơi khởi phát niềm vui, gieo mơ ước cho những bệnh nhi ung thư – những đứa trẻ đang vật lộn giữa lằn ranh của sự sống và cái chết.