Lồng ghép giới và giáo dục tài chính trong chương trình học phổ thông

Giáo dục bình đẳng giới trong các môn học phổ thông, nhằm xóa bỏ những định kiến về giới, giáo dục giới tính, giúp học sinh biết cách phòng chống xâm hại. Còn giáo dục tài chính nhằm giúp các em sớm biết cách sử dụng đồng tiền hợp lý...

Việc lồng ghép các nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông hướng đến việc hỗ trợ phát triển toàn diện cho trẻ em.  

Nhằm cập nhật thông tin về quá trình xây dựng chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể và bộ môn; chia sẻ về việc lồng ghép giới trong các Dự thảo Chương trình và giới thiệu chương trình thí điểm cụ thể hóa việc lồng ghép giới và giáo dục tài chính trong các môn học phù hợp như Toán, Giáo dục công dân, trải nghiệm... Ngày 26/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Lồng ghép giới và giáo dục tài chính trong môn học phổ thông”. 

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã có ý kiến trao đổi, đưa ra những giải pháp về bình đẳng giới, lồng ghép giới trong Chương trình giáo dục phổ thông và chương trình các môn học; trao đổi về khả năng, cách thức đưa giáo dục tài chính vào chương trình giáo dục phổ thông và thông qua một số môn học nhằm hỗ trợ phát triển toàn diện cho trẻ em. 


Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, chủ biên chương trình môn Ngữ văn, không chỉ ở Việt Nam mà còn cả một số nước khác, nhu cầu tích hợp môn học là xu thế cần thiết, những người biên soạn sách cũng đặt ra yêu cầu lớn. Môn Ngữ văn nội dung môn học là giới và bình đẳng giới, những tác phẩm hay trong văn học cũng đều liên quan đến giới. Bên cạnh đó, những vấn đề đặt ra trong cuộc sống cũng liên quan đến giới và bình đẳng giới nên cần khai thác như nào cho hiệu quả nhất, đặc biệt là những chú ý trong việc minh họa, trình bày cũng cần được tính toán và cân đối. 

Hội thảo "Lồng ghép giới và giáo dục tài chính trong chương trình môn học phổ thông".

Theo TS Bùi Phương Nga – Chủ biên chương trình môn Tự nhiên xã hội và môn khoa học mới, nội dung chương trình sách giáo khoa mới cần loại bỏ những hình ảnh về định kiến giới. Mục tiêu của lồng ghép giới trong chương trình môn Tự nhiên và xã hội, là nhằm góp phần xóa bỏ những định kiến giới, giáo dục bình đẳng giới và giáo dục giới tính, giúp học sinh biết cách phòng chống xâm hại. 


GS.TS Đỗ Đức Thái – Chủ biên môn Toán cho rằng, lĩnh vực giáo dục Toán học cần phát triển năng lực cho học sinh ở những vấn đề cốt lõi, là phải hiểu được tiền và giá trị đạo đức liên quan đến tiền, lập kế hoạch tài chính cá nhân, hiểu về sử dụng công cụ tài chính, hiểu về quản lý tiền tệ và đầu tư rủi ro trong tài chínhTheo GS.TS Đỗ Đức Thái, ngay từ những bài tập lớp 2, học sinh đã được học về tiền và giá trị đạo đức của tiền và tích hợp các môn học như Giáo dục công dân, đạo đức, lớp 4 đã được học thực hành chuyển đổi tiền Việt Nam, lớp 5 được học về tỉ số phần trăm nên học sinh sẽ được học về lỗ, lãi… 


PGS.TS Đào Đức Doãn - Chủ biên chương trình môn Giáo dục công dân cho rằng, cần chú trọng vào việc xây dựng các chủ đề. Theo đó, các chủ đề về giới và tài chính cùng với các chủ đề khác được lồng ghép vào trong môn học một cách kỹ lưỡng, thận trọng nhưng phải hợp lý, để hình thành năng lực của người công dân. Ví dụ, ở chương trình tiểu học, học sinh lớp 4 sẽ được dạy về chủ đề "Tiền và giá trị của tiền", để các em biết được mệnh giá các loại tiền Việt Nam, giá trị các loại tiền và quý trọng, tiết kiệm tiền. Học sinh lớp 5 sẽ được học chủ đề “Sử dụng tiền hợp lý", giáo dục về sự cần thiết phải sử dụng tiền hợp lý và cách sử dụng tiền hợp lý. Lớp 6, học sinh học về chủ đề “Tiết kiệm” để giáo dục về tiết kiệm và hình thức tiết kiệm, rèn luyện ý thức về tiết kiệm… 


Phát biểu tại Hội thảo, bà Trần Thị Hương – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam bày tỏ, hội thảo được tổ chức với mong muốn được nghe ý kiến của các thầy cô – những người đầu tư nhiều công sức, trí tuệ, tâm huyết vào việc biên soạn các chương trình môn học – về những nội dung có liên quan đến giới, bình đẳng giới trong chương trình môn học cũng như những nội dung còn băn khoăn trăn trở trong quá trình xây dựng dự thảo và việc đưa chương trình vào thực tế trong thời gian tới; trao đổi, chia sẻ về sự cần thiết của giáo dục tài chính sớm có lồng ghép giới vào chương trình giáo dục phổ thông như môn Toán, giáo dục công dân hay trải nghiệm… 


Thông qua Hội thảo này, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam mong muốn được nắm bắt thông tin, kiến thức về giáo dục tài chính, làm cơ sở để Hội đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo và phối hợp với các đối tác thí điểm đưa giáo dục tài chính và lồng ghép giới vào chương trình học tại một số trường, với mong muốn phát huy vai trò của tổ chức Hội trong việc hỗ trợ, cung cấp cho trẻ kiến thức, kỹ năng về tài chính để hình thành ý thức, thói quen về tiết kiệm, chi tiêu và tạo thu nhập, góp phần thúc đẩy sự phát triển tốt nhất cho trẻ em Việt Nam.


Phương Hà/Báo Tin Tức
Lồng ghép tuyên truyền chủ quyền biển, đảo trong nhà trường
Lồng ghép tuyên truyền chủ quyền biển, đảo trong nhà trường

Năm học 2013 - 2014, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Lữ đoàn 147 Hải quân thực hiện các buổi ngoại khóa và dạy lồng ghép tuyên truyền về chủ quyền biển đảo cho học sinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN