Lịch sử là môn tự chọn: Nhiều - ít không quan trọng bằng phương pháp dạy

Từ năm học 2022-2023, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ chính thức triển khai đối với cấp Trung học Phổ thông. Trong đó, việc môn Lịch sử trở thành môn học tự chọn đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội. Tuy nhiên, từ thực trạng dạy và học Lịch sử trong những năm qua, nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc phải thay đổi quan điểm về cách tiếp cận lịch sử, không quan trọng học nhiều hay ít, mà cần tập trung hơn vào các hoạt động truyền cảm hứng để học sinh tự tìm đến với lịch sử một cách tự nhiên, không gượng ép.

Không xem nhẹ môn Lịch sử

Chú thích ảnh
Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa, Thành phố Hồ Chí Minh và các học sinh trong giờ học môn Lịch sử. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

Tiến sỹ Hoàng Ngọc Vinh (nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ: Với môn Lịch sử, cách tiếp cận thiết kế chương trình, dạy học nếu chỉ chú trọng đến giáo dục lòng yêu nước, thì mới đạt được một phần mục đích thực sự của môn học này. Lịch sử còn dạy học sinh về tương lai, dạy cách hình thành thói quen của tư duy về quá khứ để xử lý những vấn đề hiện tại và những định hướng tương lai - như các nhà khoa học lịch sử ở Mỹ từng nói.

Theo Tiến sỹ Hoàng Ngọc Vinh, môn Lịch sử sẽ giúp tăng giá trị bản thân người học và trở thành hành trang trong suốt cuộc đời họ, do từng bước đi trong cuộc sống, trong nghề nghiệp là sự liên tục của những trải nghiệm từ quá khứ đến hiện tại. Cho dù là ai, ở vị trí nào cũng đều rất cần hình thành thói quen tư duy của lịch sử. Sự thất bại hay thành công trong quá khứ của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trong xây dựng phát triển đất nước... đều là những bài học quý giá cho bất kỳ ai, bất kỳ đất nước nào. Vì thế, đừng bao giờ xem nhẹ môn Lịch sử.

Đề cao vai trò của môn Lịch sử trong hoạt động giáo dục, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, thành viên tổ tư vấn Ủy ban đổi mới giáo dục của Chính phủ cho rằng: Không phải môn nào cần cho thi cử thì mới học, mà cần hướng đến thay đổi cách tổ chức hoạt động giáo dục để phát triển toàn diện năng lực, nhân cách của học sinh, trong đó phải có các hoạt động giáo dục lịch sử. 

"Môn Lịch sử có thể không nằm trong danh sách những môn học sinh bắt buộc phải học ở cấp Trung học Phổ thông, nhưng cần có giải pháp thay đổi về cách kiểm tra đánh giá, tổ chức dạy học. Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các nhà trường cần tính đến việc làm sao để gắn Lịch sử với các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Khi hướng nghiệp, các em không chỉ học về nghề nghiệp đó, còn được học về truyền thống của ngành nghề đó, tinh thần yêu nước, vượt khó vươn lên, sẵn sàng hy sinh trong công việc các em theo đuổi…" - Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Đề cập đến việc thiết kế môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, Giáo sư, Tiến sỹ Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam bày tỏ: Một chương trình cố định với quá nhiều các môn học bắt buộc đã không còn phù hợp và thậm chí là quá tải với đa số học sinh trong một trường trung học. Thay vào đó, các hoạt động giáo dục trong nhà trường phải trở nên đa dạng và linh hoạt nhất có thể để đáp ứng nhu cầu học tập của đông đảo học sinh.

Rất nhiều nước trên thế giới, ví dụ các nước sử dụng Chứng chỉ giáo dục phổ thông bậc cao GCE A-level, học sinh được chọn học ít nhất 3 đến 4 môn trong năm đầu tiên sau Trung học Cơ sở và 3 môn để tiếp tục lên năm thứ hai, trước khi tốt nghiệp bậc phổ thông.

Ở Mỹ, chương trình giáo dục Trung học phổ thông cũng bao gồm các môn cốt lõi như: Ngôn ngữ, Toán, Khoa học, Nghiên cứu Xã hội, và các môn tự chọn như Nghệ thuật, Dạy nghề, Công nghệ, Ngoại ngữ, Giáo dục Kinh doanh... Hình thức lựa chọn môn học, có thể theo nhóm môn hoặc ngành học sẽ theo đuổi ở đại học cũng phổ biến ở nhiều nước như Nga, Israel, hay các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản.

Bày tỏ quan điểm về môn Lịch sử, Giáo sư, Tiến sỹ Lê Anh Vinh cho rằng: Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đối với môn Lịch sử, có thể thấy hầu hết các kiến thức thông sử (những kiến thức cơ bản về môn lịch sử) đã được giới thiệu đầy đủ cho đến hết chương trình lớp 9. Học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở là đã hoàn thành chương trình giáo dục cơ bản. Chương trình Lịch sử ở Trung học phổ thông sẽ được tổ chức dưới dạng chuyên đề, đào sâu vào các lĩnh vực chuyên biệt của ngành Sử học như nghiên cứu lịch sử, lịch sử chính trị, lịch sử kinh tế, lịch sử văn minh, văn hóa, lịch sử quân sự và lịch sử xã hội, sự tương tác, hội nhập của Việt Nam vào khu vực và thế giới…

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Lê Anh Vinh, nếu Lịch sử nói riêng và các môn tự chọn khác nói chung vẫn giữ nguyên là môn bắt buộc với thời lượng ít hơn như ở chương trình hiện hành, sẽ có một bộ phận học sinh có năng lực, thiên hướng, nhu cầu theo đuổi định hướng nghề nghiệp về một số lĩnh vực liên quan không có cơ hội được tiếp cận với mảng kiến thức phân hóa này. 

Thay đổi căn bản cách dạy và học

Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo – Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: Chúng ta đang đi trên con đường đổi mới theo hướng không làm cho môn Lịch sử nặng nề, làm sao để cho người học bắt đầu từ thích đến yêu và thấy cần thiết, lúc đó không phải bắt buộc, gò ép mà học sinh sẽ tự tìm hiểu. 

Mục đích của đổi mới môn Lịch sử lần này là thay đổi một cách căn bản về phương pháp xây dựng chương trình, tiếp cận, không dạy nhiều kiến thức cụ thể, không bắt phải nhớ những năm tháng, sự kiện. Trên cơ sở những kiến thức căn bản nhưng tối thiểu đó, người học cảm thấy môn học hấp dẫn, kích thích sự sáng tạo, sự đam mê. 

Theo Giáo sư Vũ Minh Giang, ở Trung học phổ thông, học sinh bắt đầu định hướng nghề nghiệp cho mình. Lúc đó, hướng vào đại học gồm những lĩnh vực thiên về xã hội nhân văn thì học sinh sẽ chọn khối liên quan đến xã hội nhân văn, trong đó có lịch sử. Do vậy, nội dung dạy học ở cấp học này không phải là những kiến thức cơ bản nữa mà bắt đầu tiếp cận kiến thức chuyên sâu. 

Hiểu như thế để thấy rằng, không phải dạy Lịch sử một mạch từ lớp 1 đến lớp 12 mới là coi trọng. Chúng ta đang thiết kế theo hướng có một giai đoạn trang bị kiến thức cơ bản tối thiểu, giải quyết ở Trung học cơ sở, còn Trung học phổ thông là nâng cao chuyên sâu, lúc đó, học sinh được quyền "lựa chọn", đó là  tôn trọng nguyện vọng của người học.

Giáo sư Vũ Minh Giang cho rằng: Trong chương trình mới, thời lượng dành cho môn Lịch sử không hề ít hơn trước đây, có phần còn nhiều hơn. Nhưng vấn đề không phải nhiều hay ít mà là dạy thế nào, chương trình ra sao?

Lịch sử phải dạy cho người học hiểu rằng đây là những kiến thức giúp cho một dân tộc tự nhận thức mình, cho ta biết gốc tích của mình ở đâu và những điều cơ bản trong lịch sử là gì. Từ đó, hiểu sâu sắc hơn về cội nguồn, đặc điểm của lịch sử, văn hóa dân tộc và có niềm tự hào đối với lịch sử, văn hóa dân tộc. Trên cơ sở đó, người ta khát khao đi tìm hiểu thêm, đấy là thành công. Chứ không phải dạy nhiều mới là quan trọng. Dạy nhiều mà dạy như cũ, dạy mà khiến người ta chán, sợ thì càng nhiều càng phản tác dụng.

"Trước hết phải khẳng định một điều có tính rất nguyên lý, là nhiều tiết thì chưa chắc đã phải là tốt, học bắt buộc chưa phải là cách hay. Mà làm sao đổi mới chương trình, đổi mới cách thức, đổi mới phương pháp giảng dạy mới là điều quan trọng. Vì vậy, trong chương trình mới, tôi thấy rất chú ý đến việc khẳng định nội dung của môn lịch sử cần thiết, nhưng đồng thời cũng lại khuyến khích sáng tạo của người học bằng những trải nghiệm, rồi làm cho sinh động hơn bằng những phương thức bổ trợ." – Giáo sư Vũ Minh Giang nhấn mạnh. 

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng bày tỏ trăn trở: Lịch sử dân tộc là những câu chuyện, những "bộ phim" dài tập đầy thú vị,  hấp dẫn. Nhưng nghịch lý là dù rất hay, học sinh vẫn ít hứng thú với môn học này và môn lịch sử luôn là môn có kết quả thi thấp nhất trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông.

Theo ông Lê Như Tiến, nguyên nhân của vấn đề này đầu tiên phải nhìn nhận chương trình và sách giáo khoa Lịch sử của chúng ta quá khô cứng, thiên về những sự kiện và con số. Vì vậy, có những học sinh rất thích học môn Lịch sử, tìm tòi những kiến thức về lịch sử Việt Nam cũng như thế giới nhưng lại rất sợ phải làm bài kiểm tra và thi môn Lịch sử. Do đó, điều quan trọng là phải thay đổi từ nội dung bài giảng, phương pháp truyền thụ; tư liệu dạy học và cách kiểm tra, đánh giá...

Giáo viên cần khích lệ học sinh tham gia bài học, hướng dẫn các em quan sát, phân tích hình ảnh, số liệu... và nêu lên suy nghĩ nhận thức của bản thân về sự kiện lịch sử được học. Việc đổi mới phải xuất phát từ người thầy, thầy cô nên xem mỗi tiết dạy lịch sử không chỉ đem đến kiến thức cho học sinh mà còn là cùng học sinh khám phá, đánh giá sự kiện lịch sử. Bên cạnh đó, thay vì cho học sinh làm bài kiểm tra như truyền thống, hãy cho các em làm dự án, thuyết trình về một nhân vật lịch sử, một giai đoạn lịch sử tâm đắc... học sinh sẽ thích thú hơn nhiều.

Việt Hà  (TTXVN)
Thông tin về môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới
Thông tin về môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới

Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, trong toàn cấp tiểu học và trung học cơ sở, tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, cơ bản và toàn diện. Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12), Lịch sử được bố trí là một môn học trong tổ hợp khoa học xã hội. Ở giai đoạn này học sinh bắt buộc phải học 5 môn học lựa chọn trong 3 nhóm môn học (nhóm khoa học xã hội gồm 3 môn học: Lịch sử, Địa lý, Kinh tế và pháp luật; nhóm khoa học tự nhiên gồm 3 môn học: Vật lý, Hóa học, Sinh học; nhóm công nghệ và nghệ thuật gồm 4 môn học: Tin học, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN