Lào Cai yêu cầu rà soát toàn bộ hệ thống bếp ăn tập thể trường học

UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành văn bản yêu cầu tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh phối hợp tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống bếp ăn tập thể trường học; từ đó đề xuất và thực hiện các phương án đầu tư, nâng cấp, sửa chữa phù hợp đảm bảo yêu cầu về an toàn thực phẩm.

Văn bản này được ban hành trong bối cảnh việc đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, đặc biệt tại các trường học ở Lào Cai, thời gian qua có nhiều điều đáng lưu ý. Báo cáo của Sở Y tế tỉnh Lào Cai về kết quả kiểm tra một số bếp ăn tập thể trường học trên địa bàn tỉnh năm 2020 cho thấy, mặc dù các bếp ăn tập thể các trường đã được Nhà nước và nhân dân quan tâm, đầu tư xây dựng, các trường học đã tổ chức cho học sinh ăn uống nền nếp, tuy nhiên vẫn còn một số bếp ăn tập thể, nhất là tại các trường vùng cao, chưa được đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo theo yêu cầu hoặc đã xuống cấp. Kho bảo quản lương thực không đạt chuẩn, thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm thiếu thốn, không đảm bảo vệ sinh; người trực tiếp chế biến thực phẩm thực hành chưa đúng quy định an toàn thực phẩm… làm tăng nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong các trường học.

Mới đây, 58 học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên có biểu hiện ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn trưa tại bếp ăn bán trú của nhà trường và được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên. Theo kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, có 4 mẫu thực phẩm lấy tại các bữa ăn trong ngày 1/10 của Trường này bị nhiễm E.Coli và Coliforms; trong đó Coliforms là loại vi khuẩn có thể thấy ở môi trường đất, nước, chất thải động vật. Dựa trên kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia và các căn cứ đã xác minh của cơ quan chức năng, UBND huyện Bảo Yên xác định đây là một vụ ngộ độc thực phẩm, căn nguyên dẫn đến ngộ độc là do thức ăn nhiễm vi sinh vật E.Coli và Coliforms.

Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm tránh xảy ra các sự cố tương tự và tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo Sở Y tế đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm, biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm cho các cơ quan, đơn vị có bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn trên địa bàn bảo đảm sản xuất, kinh doanh thực phẩm bền vững và có trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng.

Sở cũng biểu dương các cơ sở, bếp ăn tập thể, cung cấp suất ăn sẵn chấp hành tốt các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm; tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm; hàng năm tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng cho cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm tuyến cơ sở; kịp thời cấp cứu và xử trí khi tiếp nhận các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Y tế tỉnh tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống bếp ăn tập thể trường học; từ đó đề xuất và thực hiện các phương án đầu tư, nâng cấp, sửa chữa phù hợp đảm bảo yêu cầu về an toàn thực phẩm. Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho hiệu trưởng, nhân viên y tế trường học và người trực tiếp chế biến thực phẩm; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, không để xảy ra các sự cố về an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể nhà trường. Trong các giờ ngoại khóa, các đơn vị trường học cần lồng ghép tuyên truyền kiến thức về an toàn thực phẩm để nâng cao nhận thức và kỹ năng sống cho học sinh.

UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu chính quyền các huyện, thị xã, thành phố quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ đối với các bếp ăn tập thể trường học trên địa bàn; đồng thời chỉ đạo UBND cấp xã và các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn chuyên môn cho nhà trường, đặc biệt chú trọng đến công tác lưu mẫu thực phẩm để tìm nguyên nhân khi xảy ra sự cố. Các địa phương bố trí nguồn kinh phí tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm đặc biệt là công tác điều tra, xử trí ban đầu khi có sự cố an toàn thực phẩm xảy ra.

Hương Thu (TTXVN)
Bếp ăn trường mầm non có thịt lợn nổi hạch: Tạm đình chỉ công tác hiệu trưởng
Bếp ăn trường mầm non có thịt lợn nổi hạch: Tạm đình chỉ công tác hiệu trưởng

Liên quan đến thông tin bếp ăn bán trú của Trường Mầm non Thanh Khương, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh xuất hiện thực phẩm không bảo đảm (thịt lợn nổi hạch trắng, dấu hiệu giống như bệnh sán gạo và thịt gà kém chất lượng), ngày 6/3, UBND huyện Thuận Thành đã ra Quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Khương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN