Lãnh đạo tập đoàn lớn khẳng định tuyển dụng nhân sự có kinh nghiệm, sinh viên sắp ra trường ‘khóc ròng’

Nhiều thắc mắc hàng đầu của sinh viên sắp ra trường đã được lãnh đạo hai tập đoàn lớn về xây dựng và thiết bị xây dựng là ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn FLC và Công ty CTCP Xây dựng FLC Faros; ông Lê Vĩnh Sơn – Chủ tịch HĐQT Công ty Sơn Hà lý giải tại Diễn đàn hướng nghiệp “Tương lai bạn là ai” do Đại học Xây Dựng tổ chức.

Tương lai nghề nghiệp được các bạn sinh viên đặc biệt quan tâm tại diễn đàn.

Tại diễn đàn, các câu hỏi về tương lai nghề nghiệp được các bạn sinh viên đặc biệt quan tâm. Mối lo lắng lớn nhất của các sinh viên mới ra trường là khả năng tìm được công việc đúng ngành nghề được đào tạo là rất khó. Điều này đặt ra cho các bạn sinh viên mới ra trường nhiều thử thách, đặc biệt là sự lựa chọn giữa việc làm trái ngành trái nghề hay tiếp tục kiên trì tìm kiếm công việc đúng ngành nghề.

Trước lo lắng này của phần lớn các bạn sinh viên, ông Trịnh Văn Quyết việc ra trường làm trái ngành, nghề tại Việt Nam diễn ra rất phổ biến. "So với công việc được đào tạo là Luật học, nhưng hiện nay tôi cũng đang làm việc ở lĩnh vực khác", ông Trịnh Văn Quyết cho biết.

Từ câu chuyện của mình, ông Quyết khẳng định làm trái ngành trái nghề không quan trọng, quan trọng là giữ được quyết tâm với sự nghiệp của mình.

Ông Trịnh Văn Quyết liên tục bị các sinh viên "xoay" về những kinh nghiệm khởi nghiệp của mình.

Ông chia sẻ: Cách đây 20 năm khi tôi ra trường, tôi không xin được việc trong cơ quan nhà nước, không vào được biên chế ngành Luật. Khóa học của chúng tôi năm đấy có hơn 2.500 sinh viên, đây có thể khóa đông nhất trong lịch sử đào tạo đại học Việt Nam. Muốn thành luật sư phải có thời gian thực tập, tập sự, hoạt động ngành luật. Dù đã xin được vào một công ty luật tư nhân, tôi vẫn phải duy trì hoạt động kinh doanh riêng để nuôi dưỡng ước mơ của mình.

Khi có đủ kinh nghiệm với ngành luật tôi mở công ty riêng với đầy rẫy khó khăn. Bằng quyết tâm, sự quyết liệt và bằng cả ý chí, công ty luật SMiC đã thành công rực rỡ là công ty luật duy nhất nhận bằng khen Thủ tướng Chính phủ. Sau đó tôi mới dấn thân vào lĩnh vực bất động sản và cũng có được những thành công được khẳng định. Công ty FLC Faros có tốc độ xây dựng thần tốc nhất Việt Nam.

Vì vậy tôi muốn nói với các bạn hãy sẵn sàng quyết tâm từ ngay trong quãng thời gian đi học. Nếu có tâm huyết, khi ra trường nếu có thể trở thành một người nông dân thì đi cày cũng có đường cày đẹp hơn những người không được đào tạo hay kém. Có quyết tâm với bất cứ công việc gì thì đều có được thành công.

Nhiều sinh viên năm cuối bày tỏ khá lo lắng về sự thiếu kinh nghiệm thực tế của mình.

Đánh giá thị trường nhân sự Việt Nam, ông Quyết cũng khẳng định hiện nguồn cung nhân lực quá lớn trong khi chất lượng chưa cao, vẫn còn hiện tượng “thừa thầy, thiếu thợ”. Trong khi đó, để có thể xin vào cơ quan nhà nước, nhất là trong giai đoạn tinh giảm biên chế như hiện nay là rất khó khăn. Thực trạng này khiến các sinh viên sắp ra trường sẽ phải chuẩn bị tinh thần đón nhận thực tế cuộc sống với sự lạc quan để không hụt hẫng. Với sự quyết tâm, dù ra trường làm công việc gì cũng có cơ hội để tự khẳng định mình và thành công sẽ đến sau đó.

Trước thực tế các nhà tuyển dụng hiện nay yêu cầu sinh viên mới ra trường vừa phải có thành tích học tập tốt lại vừa phải có từ 1-2 năm kinh nghiệm thực tế đang gây khó khăn với các bạn sinh viên thiếu sự chuẩn bị. Ông Lê Vĩnh Sơn cho rằng, chính doanh nghiệp ông cũng lấy kinh nghiệm làm một trong những tiêu chí chính để tuyển dụng nhân lực. Điều này không thể đổ lỗi cho doanh nghiệp bởi lẽ trong giai đoạn phát triển nhanh của nền kinh tế và công nghệ hiện nay, các doanh nghiệp không có nhiều thời gian đào tạo lại.

Đồng tình với quan điểm này, ông Trịnh Văn Quyết cũng khẳng định thiếu kinh nghiệm cũng đồng nghĩa với việc thiếu đi rất nhiều kỹ năng thực tế hay thậm chí khi làm việc trong lĩnh vực xây dựng có thể dẫn tới những sai lầm chết người. Chỉ có một số cơ hội mở cho các sinh viên có kiến thức lý luận tốt mới được doanh nghiệp chấp nhận đào tạo lại trong quá trình sử dụng nhân lực. Theo đó, FLC sẵn sàng mở cửa với các sinh viên ngành xây dựng đến thực tập tại các dự án của tập đoàn. Việc có thể trải nghiệm thực tế dù là trong thời gian ngắn tại các doanh nghiệp lớn cũng sẽ giúp các em sinh viên rất nhiều trong thực tế công việc sau này hay thậm chí là quá trình xin việc sau này.

Những "tranh luận" khá lý thú ngay tại diễn đàn.


Nhân dịp này, tập đoàn FLC gửi 100 suất học bổng đến trường để hỗ trợ sinh viên xuất sắc và các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Từ phía nhà trường, lãnh đạo trường Đại học Xây dựng cũng khẳng định nhà trường đã và đang triển khai mô hình khắc phục nhược điểm học không đi đôi với hành bằng cách kết hợp với các doanh nghiệp tổng công ty để cùng đào tạo, tạo môi trường thực tập. Trong tương lai, trường tiếp tục mở rộng các khóa học ngắn hạn mời chính các lãnh đạo doanh nghiệp có kinh nghiệm đạo tạo kỹ sư, kiến trúc sư không chỉ có kiến thức lý luận tốt mà còn có kiến thức thực tế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Như được truyền động lực từ hai doanh nhân thành đạt, nhiều bạn sinh viên chia sẻ những thắc mắc liên quan đến việc khỏi nghiệp, lập nghiệp đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng.

Chia sẻ về động lực lập nghiệp, ông Trịnh Văn Quyết cho rằng, vào thời điểm cách đây 20 năm, ông lập nghiệp để tự cứu mình. Lập nghiệp thành công mới có thể tạo ra nhiều việc làm và giúp đỡ được nhiều người. Ông cũng khẳng định quyết tâm lập nghiệp phải có từ trong nhà trường để từ đó mới xây dựng được lộ trình học tập, phấn đấu thích hợp.

Ngày nay, điều kiện học tập của các bạn sinh viên cũng khác trong quá khứ nên động lực cũng có thể khác nhưng cần nhất vẫn là phải có quyết tâm, ý chí phấn đấu.

Đánh giá riêng về cơ hội khởi nghiệp của các sinh viên ngành xây dựng, ông Lê Vĩnh Sơn chia sẻ: Việt Nam đã và đang mở cửa ký hàng loạt hiệp đinh song phương, đa phương. Cùng với đó, Chính phủ cũng đưa ra quyết sách rất rõ ràng là không níu kéo doanh nghiệp tư nhân hay nhà nước. Doanh nghiệp là động lực phát triển củamột nền kinh tế duy nhất là kinh tế thị trường.

Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, bởi lẽ kinh tế càng phát triển thì các hoạt động kiến thiết càng mạnh mẽ. Tuy nhiên, khởi nghiệp để có thể thành công sẽ có vô vàn khó khăn. Các bạn trẻ cần khởi nghiệp theo lộ trình phù hợp nhằm giảm thiểu rủi ro.

Buổi tọa đàm thu hút đông đảo sinh viên tham gia.

Khi đã có một doanh nghiệp thành công, việc quan trọng nhất sẽ là quản trị thương hiệu, giữ vững thương hiệu quốc gia để có thể cạnh tranh tốt với các doanh nghiệp nước ngoài ở trong nước và trên trường quốc tế.

Chia sẻ về điều này, ông Trịnh Văn Quyết khẳng định thương hiệu FLC được định giá 9 tỷ USD bao gồm cả tài sản hữu hình và vô hình. Tài sản vô hình chính là thương hiệu, chiếm phần rất quan trọng trong sự phát triển một doanh nghiệp. FLC đã làm tốt việc chăm sóc, nuôi dưỡng thương hiệu để có được như hôm nay. Thương hiệu được định giá cao cũng là cách để khẳng định sự phát triển của doanh nghiệp tại Việt Nam và xa hơn nữa là ở khu vực, tầm quốc tế.

Với lợi thế là kinh nghiệm triển khai nhiều dự án lớn trong nước, các sản phẩm đã được định vị và có uy tín với cơ quan nhà nước, FLC không ngại cạnh tranh với các công ty trong nước và quốc tế trong vòng ít nhất là từ 5-10 năm nữa.

Diễn đàn Hướng nghiệp “Tương lai bạn là ai” nằm trong chuỗi sự kiện học thuật Prospect do trường Đại học Xây dựng tổ chức từ 12 - 15/12 mang tới cho sinh viên những thông tin bổ ích, những trải nghiệm đáng giá và những bài học khởi nghiệp, hướng nghiệp thiết thực.

PGS.TS. Phạm Duy Hòa - Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng tin tưởng, với sự tham gia của những doanh nhân nổi tiếng như ông Trịnh Văn Quyết, ông Lê Vĩnh Sơn, diễn đàn là cơ hội quý giá để sinh viên có thể tiếp xúc với doanh nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường, qua đó tiếp cận các công việc, các công nghệ cụ thể, đồng thời lắng nghe, tìm hiểu doanh nghiệp cần gì, muốn gì trước khi bước vào môi trường lao động chuyên nghiệp.

Lê Sơn/Báo Tin tức
Tập đoàn FLC sẽ xây dựng 15.000 căn hộ giá rẻ
Tập đoàn FLC sẽ xây dựng 15.000 căn hộ giá rẻ

Tại Hội nghị Ban Thường vụ Hiệp hội BĐS Việt Nam (lần thứ hai, nhiệm kỳ IV)ngày 21/7 tại Hà Nội, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch Tập đoàn FLC đã công bố kế hoạch xây dựng 15.000 căn hộ nhà giá rẻ trong thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN