Thay bằng giờ giảng giúp học sinh định hướng nghề nghiệp trong tương lai thì một số trường THPT trên địa bàn Hà Nội lựa chọn cách cho học sinh đi trải nghiệm tại trường đại học.
Tận nơi, tận mắt
Chuyến trải nghiệm của 90 học sinh lớp 11A, 11B của trường THPT Thực nghiệm Hà Nội tới ĐH Lâm nghiệp vừa qua là một trong những hoạt động hướng nghiệp mà trường mang lại cho học sinh.
Giáo viên, học sinh trường THPT Thực nghiệm tham quan các phòng thí nghiệm, cây thực hành của ĐH Lâm nghiệp Hà Nội. |
ĐH Lâm nghiệp cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km. Ngành nghề mà trường đào tạo hiện nay không chỉ là trồng rừng, bảo vệ rừng mà còn có những ngành nghề như: cơ khí, quản trị kinh doanh... Bên cạnh đó, sinh viên còn có cơ hội du học Mỹ. Tại đây, thầy và trò trường THPT Thực nghiệm đã tham quan các phòng thí nghiệm; tự tay đặt mầm cây vào giò ươm; tách phôi trong phòng thí nghiệm; quá trình làm tinh dầu; quan sát khởi động động cơ 4 kỳ, 2 kỳ, tham quan rừng... Các em đặt nhiều câu hỏi với các giảng viên trong trường về ngành học và còn giao lưu với sinh viên... Trải nghiệm chưa đầy một ngày nhưng nhiều em học sinh cảm thấy bổ ích và khá ấn tượng với trải nghiệm mới.
Em Nguyễn Chí Dũng, lớp 11A, cho biết: “Bình thường khi nhắc đến lâm nghiệp thì học sinh chỉ nghĩ đến rừng nhưng thực tế, anh trai em đã từng học ngành cơ khí của trường ĐH Lâm nghiệp và đang du học ở Mỹ. Đây thực sự là cơ hội với những ai muốn đi du học, thay vì cạnh tranh với các trường đại học top đầu”.
“Đây là lần đầu tiên được trải nghiệm ở trong trường đại học, chúng em rất ấn tượng với một trường đào tạo đa ngành. Đồng thời, hiểu thêm được cuộc sống của sinh viên. Em nghĩ, các trường cấp III nên có hoạt động ngoại khóa bằng cách thực tế như thế này, rất hữu ích với học sinh”, em Nguyễn Việt Hà chia sẻ.
TS Phan Thị Luyến, Hiệu trưởng THPT Thực nghiệm cho biết: Việc đưa học sinh đến trường đại học trải nghiệm thực tế nằm trong chương trình hướng nghiệp của nhà trường; với mong muốn giúp các em học sinh có cái nhìn trực quan, thậm chí tham gia vào làm một số công đoạn như thí nghiệm, thực hành... cũng như trải nghiệm phần nào cuộc sống sinh viên. Từ đó, hình thành những suy nghĩ về nghề nghiệp trong các em. Đối với các em ở thành phố mà muốn đi du học thì đây cũng là cơ hội rất lớn. Từ chuyến đi này các em có thêm kiến thức ngành nghề và có thêm lựa chọn của mình trong tương lai.
Giúp học sinh chủ động lựa chọn ngành nghề
Ông Lê Ngọc Hoàn, Trưởng Ban Xúc tiến tuyển sinh và giới thiệu việc làm, ĐH Lâm nghiệp cho biết: “Mục đích của chúng tôi không phải là quảng bá tuyển sinh, mà là giúp các em hình dung về những ngành học trong tương lai. Công tác hướng nghiệp với các trường phổ thông trên địa bàn đã được trường thực hiện trong nhiều năm. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ giáo viên, học sinh phổ thông. Đồng thời, khơi dậy những đam mê nghề nghiệp trong các em".
Thực tế, việc tư vấn hướng nghiệp rất cần thiết đối với học sinh và cần được các trường phổ thông quan tâm hơn nữa. Ông Trịnh Minh Thụ, Hiệu trưởng ĐH Thủy lợi Hà Nội khẳng định: Nếu chọn được ngành nghề đào tạo phù hợp năng lực sở trường thông thường động cơ học tập tốt hơn, phát huy thế mạnh của các em ở trường đại học. Thời gian gần đây vai trò trang mạng thông tin đại chúng thông tin về ngành nghề đào tạo, cơ hội việc làm được cung cấp đầy đủ hơn. Do đó, gia đình, học sinh có cơ hội nghiên cứu một cách khá kỹ để các em lựa chọn ngành, trường phù hợp với năng lực, sở trường.
Các trường phổ thông, Sở GD - ĐT nên tăng cường buổi giao lưu, tọa đàm với sự tham gia của các trường đại học, các chuyên gia để chia sẻ với học sinh định hướng phát triển kinh tế tương lai. Các trường đại học luôn sẵn sàng cung cấp về chương trình đào tạo, các trường đào tạo để các em lựa chọn và tự tin khi bước vào trường đại học với con đường, ngành nghề mình chủ động lựa chọn.