Vừa qua chúng ta đã chứng kiến nhiều thí sinh có điểm thi khá cao nhưng bị đánh bật ra khỏi ngành học đã dày công nghiên cứu lựa chọn. Ở những phút cuối cùng, các em đành liều mình lựa chọn “đại” một ngành khác ngoài dự định ban đầu.
Việc chọn nghề mà hiểu biết quá ít, thậm chí không hiểu nghề định chọn, không có năng khiếu đặc trưng của nghề thì sớm muộn gì cũng sẽ gặp trở ngại lớn trong hoạt động nghề nghiệp của cá nhân, dẫn đến sự hẫng hụt, bi quan, chán nản, miễn cưỡng trong làm việc, nhiều khi lỡ dở cho cả cuộc đời.
Một khảo sát gần đây đã đưa ra con số 178.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Đó là sự lãng phí nguồn nhân lực của chúng ta. Song con số này trong thực tế có thể cao hơn nhiều do rất nhiều cử nhân, thạc sĩ phải giấu đi trình độ của mình để xin làm công việc phổ thông tại các nhà máy, công ty,… Thay vì tìm kiếm những cơ hội ngành nghề yêu thích và theo thị trường lao động ở các bậc học thấp hơn thì tâm lý phải vào đại học bằng mọi giá khiến nhiều học sinh dù không đủ năng lực cũng tìm cách vào học đại học. Chính vì lẽ đó, khi những thí sinh, phụ huynh phải chọn lựa một cách vội vã một ngành học thì rất có khả năng họ sẽ phải trả giá cho quyết định của mình. Bởi việc chọn học một ngành nghề phải biết kết hợp một cách lý tưởng các yếu tố: Nguyện vọng, năng lực của cá nhân, những đòi hỏi của nghề nghiệp và yêu cầu của xã hội. Có như vậy sau này các em mới có thể phát huy tất cả đam mê, kiến thức của mình được học vào công việc.
Vấn đề hướng nghiệp bấy lâu nay đã được ngành giáo dục đề cao, được đưa vào giảng dạy, tuy nhiên qua cách tổ chức kỳ tuyển sinh đại học năm nay, chúng ta thấy bóng dáng của việc hướng nghiệp bị lu mờ đi. Thay vào đó là sự nháo nhào của cả thí sinh lẫn phụ huynh để kiếm một suất vào đại học đã khiến tính hướng nghiệp có cũng như không.