Lại tranh luận về trường công chất lượng cao ở Hà Nội  

Một lần nữa vấn đề trường công chất lượng cao tự chủ tài chính được đặt ra khi nhiều phụ huynh lo lắng các trường này tăng học phí.

 Chưa được phê duyệt  

Mới đây, nhiều phụ huynh ở Hà Nội lo lắng trước thông tin một số trường công lập chất lượng cao (THPT Chu Văn An, THPT Phan Đình Phùng, THPT Kim Liên) sẽ chuyển sang mô hình trường công chất lượng cao tự chủ tài chính. Các trường liên quan cho biết chưa có quyết định nào được thực thi và cho rằng đây chỉ là đồn đoán, gây hoang mang cho phụ huynh.  

Chú thích ảnh
Giờ ôn tập kiến thức chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020 của học sinh lớp 12 trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

Trước thông tin về việc trường THPT Phan Đình Phùng sẽ chuyển đổi mô hình thành trường công lập chất lượng cao tự chủ tài chính, trao đổi với phóng viên báo Tin tức, cô giáo Nguyễn Thị Nhâm Huyền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường đã công khai thông tin rộng rãi đến phụ huynh học sinh, kể cả trên website của nhà trường về những thông tin liên quan.  

Cụ thể, năm học 2020 - 2021, trường THPT Phan Đình Phùng vẫn hoạt động theo mô hình trường công lập với mức thu học phí theo đúng quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ là 217.000 đồng/tháng/ học sinh ở cả 3 khối lớp10, 11, 12 và duy trì trong những năm học tiếp theo.  

Hiện UBND thành phố Hà  Nội và Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội chưa phê duyệt chuyển đổi sang mô hình trường chất lượng cao tự chủ tài chính, do đó, học phí chưa có sự thay đổi. Trong những năm tiếp theo, nếu được phê duyệt, nhà trường sẽ thực hiện lộ trình bắt đầu từ lớp 10 mới. Nhà trường sẽ công khai thông tin về mô hình, học phí... trong thông báo tuyển sinh để cha mẹ học sinh biết để lựa chọn đăng ký vào trường. Các lớp 11, 12 vẫn tiếp tục thực hiện theo mô hình đại trà với mức học phí theo quy định.

Tuy nhiên, theo đề án, nếu chuyển đổi sang mô hình chất lượng cao, tự chủ tài chính, các trường sẽ áp dụng mức thu theo Nghị quyết 14 của HĐND thành phố Hà Nội. Cụ thể, bậc THPT mức trần quy định không quá 5.700.000 đồng/tháng. Mức học phí này có thể tăng vài  chục lần với học phí hiện tại. Lo lắng của phụ huynh là hoàn toàn có cơ sở.  

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đề án về mô hình trường công chất lượng cao tự chủ tài chính chưa được phê duyệt. Nếu có thay đổi sẽ được thông báo ngay từ đầu năm học.

Luật chưa đồng nhất

Năm 2019, UBND thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch về việc triển khai thực hiện nâng mức tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2021. Theo đó, phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 - 2015. Từ đó, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu Sở GD&ĐT nghiên cứu, đề xuất chuyển đổi mô hình cơ  sở giáo dục công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao, hoặc tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các trường theo hướng mô hình chất lượng cao.  

Sở GD&ĐT Hà Nội đã đề xuất với UBND thành phố Hà Nội về việc chuyển các trường này theo hướng mô hình trường chất lượng cao và giao cho chính các trường xây dựng đề án. Tuy nhiên UBND thành phố Hà Nội chưa phê duyệt các đề án này. Sở dĩ có kế hoạch này cũng là dựa trên Luật Thủ đô năm 2012 yêu cầu: “Xây dựng một số cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô theo các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục. Việc theo học tại các cơ sở giáo dục chất lượng theo nguyên tắc tự nguyện”.

Hà Nội có 19 trường chất lượng cao, trong đó có 14 trường công lập và 5 trường ngoài công lập. Hà Nội là nơi duy nhất trên cả nước có mô hình trường công chất lượng cao.  Tuy nhiên, Luật Giáo dục 2019 được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ 1/7/2020 lại không công nhận mô hình trường công lập chất lượng cao.  

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng hệ thống trường Marie Cuire Hà Nội cho biết: “Việc trường công chất lượng cao thu học phí liên quan đến Luật Giáo dục mới có hiệu lực, vì thế nên để trường chất lượng cao cho tư nhân làm. Những người có điều kiện đầu tư cho con học trường chất lượng cao không phải là đại chúng, cũng không phải thành phần yếu thế để nhận hỗ trợ từ nhà nước”.  

Cùng bàn về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý học Hà Nội cho biết: “Tôi cho rằng không ai cấm làm trường công chất lượng cao nhưng làm thế nào cho hợp lý thì cần phải bàn. Việc xây dựng trường công chất lượng cao, là cần thiết và có cơ chế riêng để hoạt động. Mặt khác khi tự chủ tài chính thì không có nghĩa là rút hết kinh phí đầu tư của nhà nước. Mô hình như vậy không khác gì trường tư thục, dân lập mà không đáp ứng được nhu cầu học của người dân. Vấn đề này cần phải xem xét lại, thậm chí có thể mở một hội thảo để lấy ý kiến cho phù hợp với tình hình hiện nay”. 

Lê Vân/ Báo Tin tức
Thành phố New York đóng cửa các trường công lập
Thành phố New York đóng cửa các trường công lập

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, ngày 18/11, Thị trưởng thành phố New York, ông Bill de Blasio thông báo thành phố sẽ đóng cửa các trường công lập kể từ ngày 19/11 do tỷ lệ mắc COVID-19 gia tăng trong thành phố, và tất cả học sinh sẽ học từ xa trong khoảng thời gian không xác định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN