Có tính cạnh tranh khá cao, kỳ thi đòi hỏi việc tổ chức chặt chẽ, chu đáo để vừa an toàn, vừa đảm bảo minh bạch, công bằng cho các thí sinh. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, cùng với ý thức, trách nhiệm của phụ huynh cùng các em học sinh, kỳ thi đã hoàn thành an toàn, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh. Qua đó, có thêm kinh nghiệm để Hà Nội tiếp tục tổ chức tốt các kỳ thi tiếp theo trên địa bàn.
Thêm kinh nghiệm cho các kỳ thi sau
Nhận nhiệm vụ trưởng điểm thi Trường Trung học phổ thông Chu Văn An (quận Tây Hồ), ông Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) cho rằng, trong mỗi kỳ thi, công tác chuẩn bị luôn là yếu tố quan trọng để bảo đảm an toàn, nghiêm túc. Điều này đòi hỏi lãnh đạo điểm thi phải chủ động phối hợp chặt chẽ với nhà trường để rà soát, nắm chắc tình hình thực tế tại địa bàn, lường trước các nguy cơ phát sinh. Bên cạnh đó, các lãnh đạo điểm thi phải đặc biệt lưu ý đến việc xây dựng phương án ứng phó với mọi tình huống nhằm kiểm soát tốt tình hình trong những ngày diễn ra kỳ thi.
Theo báo cáo nhanh của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, toàn bộ 201 điểm thi trên địa bàn đều có phương án chủ động ứng phó với các tình huống có thể phát sinh trong quá trình tổ chức thi. Tuy kỳ thi diễn ra trong bối cảnh thuận lợi so với vài năm gần đây, dịch bệnh đã được kiểm soát, song Ban Chỉ đạo thi và tuyển sinh thành phố Hà Nội đều yêu cầu mỗi điểm thi bố trí tối thiểu 2 phòng thi dự phòng. Trong điều kiện nắng nóng, nguồn điện khó khăn, các điểm thi đều có máy phát điện dự phòng. Ngoài nhân viên y tế trực tại điểm thi, các địa phương cũng bố trí lực lượng y tế trực tại vòng ngoài, sẵn sàng xử lý khi có sự cố...
Việc lựa chọn nhân sự, tổ chức tập huấn nghiệp vụ và quy chế thi cho các thành viên luôn được quan tâm, thực hiện tốt. Bà Bùi Thùy Linh, Trưởng điểm thi Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi - Ba Đình (quận Cầu Giấy) cho biết, 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên và thí sinh tại điểm thi đều được học tập quy chế thi, trong đó nhấn mạnh những việc được và không được phép làm. Điều này góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của từng thành viên trong điểm thi.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Trung học phổ thông công lập không chuyên năm học 2023 - 2024, toàn thành phố có 6 thí sinh vi phạm quy chế, bị đình chỉ thi; trong đó có 5 em mắc lỗi mang điện thoại, 1 em mang tài liệu vào phòng thi. Điều này đồng nghĩa với việc thí sinh mất cơ hội dự tuyển vào trường công lập.
Cô giáo Đàm Thị Phương Thu, Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy, làm nhiệm vụ coi thi tại điểm thi Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi - Ba Đình chia sẻ, đây là điều rất đáng tiếc. Thí sinh đã được phổ biến kỹ về quy chế thi nhiều lần mà vẫn còn mắc lỗi. Đây là bài học cho những thí sinh thi tốt nghiệp Trung học phổ thông sắp tới cũng như các kỳ thi năm sau. Các em cần nghiêm túc học, thi thực chất, chấp hành đúng quy chế thi bởi nếu bị đình chỉ thi đồng nghĩa với việc bài thi được điểm 0.
Trách nhiệm, kỷ cương
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh thành phố Hà Nội, công tác coi thi của Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Trung học phổ thông công lập không chuyên năm học 2023 - 2024 đã hoàn thành an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Kết quả này có sự chung sức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở và sự đồng thuận của phụ huynh, học sinh.
Với gần 105.000 thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 Trung học phổ thông công lập, Hà Nội là địa phương có số lượng học sinh dự tuyển nhiều nhất cả nước, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh chỉ chiếm khoảng 62% tổng số học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở. Từ đó đòi hỏi công tác tổ chức phải chu đáo, chặt chẽ, bảo đảm minh bạch, công bằng. Hà Nội đã bố trí 201 điểm thi với gần 5.000 phòng thi. Phòng bảo quản đề thi, bài thi của các điểm thi đều có camera giám sát, ghi hình 24 giờ/ngày.
Sở Giáo dục và Đào tạo đã điều động khoảng 20.000 cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ. Ngoài ra, tại các điểm thi còn có khoảng 1.200 cán bộ, chiến sĩ Công an; 3.000 sinh viên và hàng trăm học sinh các trường Trung học phổ thông tình nguyện hỗ trợ thí sinh...
Trước và trong thời gian diễn ra kỳ thi, các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh thành phố Hà Nội liên tục đi kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức thi. Ngoài ra còn có các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi, kiểm tra các quận, huyện, thị xã và thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
Ông Trần Thanh Long, quyền Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, trong Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, trên địa bàn quận có 8 điểm thi. Để tạo thuận lợi nhất cho thí sinh, 8 điểm thi đều được duy trì nguồn điện ổn định với các điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất. Mỗi điểm thi đều có 1 điểm chờ (là trường học hoặc cơ quan) gần nhất có quạt mát, nước uống, khu vực đỗ xe... để phụ huynh bớt vất vả khi chờ con.
Có hai con dự thi kỳ thi vào lớp 10 liên tiếp 2 năm gần đây, anh Vũ Lê Minh (con dự thi tại điểm thi Trường Trung học phổ thông Quang Trung - Đống Đa, quận Đống Đa) cho biết, các thông tin về kỳ thi luôn được nhà trường, giáo viên chủ nhiệm thông báo thường xuyên, kịp thời. Qua đó, gia đình nắm rõ các quy định, đăng ký nguyện vọng dự tuyển theo sức học của con và không gây áp lực. “Tôi cũng khá bất ngờ vì dù COVID-19 đã được kiểm soát, song các điểm thi vẫn thực hiện các biện pháp an toàn, đảm bảo sức khỏe cho thí sinh. Việc đưa đón con đi thi cũng thuận lợi, giao thông thông thoáng...”, anh Vũ Lê Minh chia sẻ.
Những kết quả ban đầu trong công tác chuẩn bị, tổ chức Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 mang lại nhiều kinh nghiệm và là cuộc tập dượt ý nghĩa để thành phố Hà Nội tổ chức tốt hơn Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023 (diễn ra vào ngày 28 và 29/6) cũng như các kỳ thi tiếp theo.