Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD-ĐT). Ảnh: L.S |
Tại buổi họp báo, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, kỳ thi THPT quốc gia năm nay có một số thay đổi mang tính kỹ thuật như: Rút ngắn thời gian giữa các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp từ 20 phút xuống còn 10 phút, chỉ cho từng thí sinh có nhu cầu đặc biệt ra ngoài phòng thi để đảm bảo không xảy ra rối loạn và tránh những tiêu cực có thể phát sinh.
Đại diện Bộ GD-ĐT cũng lưu ý, thí sinh đã đăng ký dự thi cả 2 bài thi tổ hợp để xét công nhận tốt nghiệp THPT thì bắt buộc phải thi cả 2 bài thi này; nếu thí sinh bỏ 1 trong 2 bài thi sẽ bị coi là dự thi không đủ số bài thi và không được xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Đại diện Bộ GD-ĐT cũng cho hay, theo thống kê đến thời điểm này, tổng số thí sinh đăng ký dự thi năm 2018 là 925.964 thí sinh, tăng 6,9% so với năm trước (năm 2017 là 866.006 thí sinh). Trong đó, có 868.980 học sinh đang học lớp 12 năm học 2017-2018 và 56.984 thí sinh tự do; số thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT là 237.354; số thí sinh đăng ký dự thi để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển sinh là 642.587; số thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tuyển sinh là 46.023.
Như vậy, năm 2018, có 879.941 thí sinh dự thi để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, tăng hơn hơn 70.000 thí sinh so với năm trước (năm 2017 là 809.369 thí sinh) và số thí sinh sẽ tham gia xét tuyển sinh đại học, cao đẳng là 688.610 (năm 2017 có 640.471 thí sinh).
Năm 2018, tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH là 455.174 chỉ tiêu, tăng 1,2% so với năm trước. Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy tổng chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi THPT là 344.275, tổng chỉ tiêu theo các phương thức khác là 110.899.
Cũng theo ông Trinh, như năm 2017, đa số thí sinh vẫn sử dụng các khối thi truyền thống để xét tuyển.
Trong đó tổ hợp có nhiều thí sinh đăng ký nhất là A00 (Toán, Lý, Hóa); D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh); A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh); B00 (Toán, Hóa, Sinh); C00 (Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lý). Năm 2018, các tổ hợp này chiếm gần 90% (năm 2017 là 92%).
Trong số các tổ hợp trên, tổ hợp A00 có số nguyện vọng nhiều nhất là 848.444, chiếm 30,83%. Kế tiếp là tổ hợp D01 với 743.246, chiếm 27,01%. Các tổ hợp còn lại chỉ có khoảng 10,49% số nguyện vọng đăng ký.
Tại cuộc họp báo, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, tổng số nguyện vọng vào sư phạm năm nay giảm rất mạnh, tới 38%, riêng nguyện vọng 1 vào sư phạm giảm 27% so với năm 2017.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT). Ảnh: L.S |
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho hay, việc giảm chỉ tiêu và ngưỡng đầu vào của ngành Sư phạm vẫn do Bộ quyết định, nên chất lượng ngành này được nâng cao và hy vọng những em đăng ký vào học ngành Sư phạm là những em có niềm đam mê, yêu thích ngành này và là những em có học lực tốt.
“Bộ GD-ĐT đã khảo sát ở các địa phương, nhu cầu sử dụng nhân lực sư phạm giảm. Đồng thời, Bộ tính đến số sinh viên Sư phạm chưa có việc làm nên quyết định giảm chỉ tiêu. Tuy nhiên, con số thí sinh đăng ký vào ngành này vẫn không quá giảm và vẫn nhiều em đăng ký vào ngành Sư phạm. Trước khi tính toán chỉ tiêu tuyển sinh, Bộ đã có khảo sát về nhu cầu tuyển dụng và nhân lực giáo viên trong 5 năm theo cấp học và môn học.
Cụ thể năm 2018, Bộ tổng hợp và xác định con số cần tuyển để đáp ứng nhu cầu cho 63 tỉnh thành với con số 59.000 giáo viên”- bà Phụng chia sẻ.