Ôn luyện ở mức độ vừa phải, không gây sức épHoàn tất chương trình lớp 12 từ sớm và dành nhiều thời gian ôn luyện ở mức vừa phải cho học sinh là cách chuẩn bị cho các em học sinh của nhiều trường Trung học phổ thông (THPT).
Các trường THPT đều có kế hoạch chuẩn bị tốt về tâm lý cho các em học sinh lớp 12 trước kỳ thi quan trọng sắp tới. Ảnh: L.S |
Cô Trần Thị Kim Liên, Phó hiệu trưởng trường THPT Chuyên Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) cho biết: Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi tham khảo
kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, trường đã lên kế hoạch ôn tập cho học sinh nhằm đạt hiệu quả tốt nhất. Là trường chuyên nên cơ bản yên tâm vì các em đã xác định được những môn của mình. Nhà trường xác định không được cắt xén chương trình học, đồng thời tổ chức ôn tập trên tinh thần nhẹ nhàng, không gây áp lực cho học sinh.
“Theo kế hoạch của nhà trường, cơ bản đã hoàn thành chương trình cho các em khối 12. Hiện các em đã bắt tay vào ôn tập, luyện tập theo cấu trúc, đề minh họa. Nhà trường tập trung các nội dung ôn tập trọng điểm, không đi sâu các câu hỏi vận dụng khó.
Nhà trường cũng cho các em ôn luyện những kiến thức đã học trong chương trình lớp 11 ở mức độ cơ bản, vừa phải. Việc không đi vào các nội dung quá khó sẽ giúp các em học sinh vững vàng hơn về tâm lý trong khi lại có thể nắm vững những kiến thức cơ bản” - cô Liên phân tích.
Trường THPT chuyên Thái Nguyên sẽ tổ chức ít nhất 3 đợt thi thử cho học sinh lớp 12. Theo kế hoạch, ngày 20/5, trường THPT chuyên Thái Nguyên sẽ tổ chức một đợt thi thử nữa cho các em. Trước đó, nhà trường cũng đã bố trí thi thử 2 lần để các em làm quen với “không khí” thi. Cô Liên chia sẻ: “Đây cũng là cách nhà trường kiểm tra lại kiến thức tổng hợp cho các em. Qua những lần thi thử này giúp các em củng cố kiến thức, rèn kỹ năng làm bài tạo tâm lý ổn định, vững tin sẵn sàng bước vào kỳ thi quan trọng sắp tới”.
Thầy Nguyễn Văn Dũng, Phó hiệu trưởng trường THPT Chuyên Thái Bình (tỉnh Thái Bình) cũng cho biết trường lựa chọn cách dạy chắc, ôn chắc và không tạo áp lực cho học sinh.
Thầy Dũng cho biết, Sở GD-ĐT Thái Bình có chỉ đạo sát sao với các công tác chuẩn bị hồ sơ xét tuyển cho học sinh, ôn luyện cũng như tư vấn hướng nghiệp... Tuy nhiên, với mỗi trường lại có một cách thức ôn luyện khác nhau tùy theo điều kiện và năng lực của học sinh.
“Trường THPT chuyên Thái Bình xác định dạy chắc, dạy kỹ từng đơn vị kiến thức từ khi các em còn học lớp 10, 11 vì thế hoàn toàn tin vào kết quả thi của học sinh của trường thuộc top đầu của cả nước.
Ở lớp 12, trường chia thành 3 giai đoạn để ôn tập cho học sinh. Đề ra theo cấu trúc 4:4:2 (4 phần trung bình, 4 phần khó và 2 phần rất khó) cùng với việc tạo ma trận đề. Nhưng quan trọng là càng về giai đoạn cuối nhà trường và giáo viên cũng như phụ huynh không tạo áp lực, tránh sự hoang mang lo lắng cho các em. Như vậy, các em sẽ có tâm lý tự tin, thoải mái khi bước vào kỳ thi” - thầy Dũng chia sẻ kinh nghiệm luyện thi.
Nhiều khó khăn chờ đợi thí sinhLà một thầy giáo Toán, thầy Nguyễn Văn Dũng bày tỏ một số lo lắng trước lượng kiến thức và phương pháp ra đề thi của năm nay.
Các thầy cô vẫn lo lắng trước những khó khăn đáng kể chờ đón các em học sinh. Ảnh: L.S |
Theo thầy Dũng, dù phương thức thi giống với năm 2017, tuy nhiên kiến thức bao trùm thêm ở lớp 11 đồng nghĩa với độ khó sẽ tăng lên, đặc biệt ở môn Toán.
Với các bài thi tổ hợp, khó khăn cho thí sinh có lẽ chỉ mang tính cơ học. Nghĩa là học sinh sẽ phải làm bài thi 3 môn liên tiếp, sẽ vất vả hơn, đặc biệt là khi thời gian nghỉ giữa các môn tổ hợp ít hơn năm 2017 (năm 2018 học sinh sẽ được nghỉ 5 phút giữa các bài thi các môn tổ hợp so với 10 phút như năm 2017).
Nhận xét về đề thi minh họa môn Toán, thầy Dũng cũng cho rằng đề thi có nhiều câu khó và lạ. “Hình như có vấn đề trắc nghiệm hóa tự luận vì trước đây thi tự luận môn Toán thường có 10 ý trong khoảng 5 câu, tương đương trung bình 18 phút/câu; hiện nay bài thi trắc nghiệm khách quan có 50 câu, như vậy trung bình mỗi câu học sinh làm trong 1,8 phút. Dù có những câu nhận biết rất đơn giản nhưng vẫn sẽ có những câu khó xuất hiện như trong bài tự luận trước kia. Đây sẽ là một thử thách cho học sinh.
Kiến thức trong đề gồm cả lớp 11 chiếm tỷ lệ nhất định khoảng 30%, song đã thi trắc nghiệm thì đơn vị kiến thức nào các em cũng phải học kỹ. Như vậy, rõ ràng học sinh sẽ có nhiều vất vả và thêm hy vọng có sự giảm tải trong sách giáo khoa mới” - thầy Dũng phân tích.
Theo dự đoán, đề thi THPT Quốc gia 2018 sẽ bao gồm 5 điểm kiến thức trung bình, 2 điểm vận dụng kiến thức khá và linh hoạt, 2 điểm dành cho những vận dụng kiến thức cao, khó.
Những nhận định và chuẩn bị kể trên của các thầy cô giáo cho thấy tâm huyết và tấm lòng của thầy cô gửi gắm trong các công tác chuẩn bị thi THPT Quốc gia năm nay.