“Vật lộn” với chọn nguyện vọng
Theo tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2019 -2020 của TP. Hồ Chí Minh, có gần 2.700 chỉ tiêu vào lớp 10 chuyên, 730 chỉ tiêu vào lớp 10 tích hợp. Qua bảng thống kê chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10, nhiều trường giảm mạnh chỉ tiêu so với năm học trước như trường THPT Hiệp Bình (quận Thủ Đức) giảm 270 chỉ tiêu, trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5) giảm 225 chỉ tiêu... Trường THPT Hùng Vương (quận 5), THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn), THPT Nguyễn Văn Linh (quận 8) đều giảm 180 chỉ tiêu.
Hơn một tháng nay, cả gia đình chị Nguyễn Đình Q. (quận Gò Vấp) căng thẳng vì con gái đang chuẩn bị thi vào lớp 10. Thông tin các trường giảm chỉ tiêu tuyển sinh khiến cho chị càng đau đầu hơn khi chọn trường cho con bởi sức học của con chị chỉ ở mức trung bình khá. Chị Q. cho biết: “ Gia đình tôi mong muốn có được một suất vào lớp 10 công lập cho con, vì thế ngoài “vật lộn” với việc học của cháu, chúng tôi còn căng thẳng để chọn lựa, cân nhắc nguyện vọng vào các trường. Tôi biết sức học của con khó lòng vào được các trường ở gần nhà, vì vậy đành phải chọn trường năm ngoái có điểm thấp, dù khá xa nhà”.
“Cháu biết được sức học của mình nên có trao đổi với bố mẹ là muốn tốt nghiệp THCS, sau đó sẽ theo học nghề, tuy nhiên bố cháu không đồng ý và nói nếu không đỗ được vào lớp 10 công lập thì ở nhà, không đi học nữa. Điều đó càng khiến cho cháu thêm áp lực và gia đình căng thẳng mỗi khi nhắc đến chuyện học của cháu”, chị Q. chia sẻ thêm.
Gia đình chị Đặng Thị Bình (quận 1) cũng trong tâm trạng tương tự. Trước kia gia đình chị đã chọn sẵn một số trường “top” 2 ở các quận lân cận cho con. Nhưng khi xem lại chỉ tiêu tuyển sinh của những trường này đều thấy giảm nhiều, cùng với đó kết quả thi học kỳ của con chị cũng không được như ý nên cả gia đình lại “căng não” chọn lại nguyện vọng.
“Cho cháu đi học thêm ở trung tâm, học ở trường nhưng vừa rồi tôi thấy điểm kiểm tra của cháu thấp quá, khó lòng đỗ vào các trường THPT Trưng Vương, Bùi Thị Xuân… nên phải đổi lại nguyện vọng. Song song đó, tôi mời gia sư về nhà dạy thêm. Học ngày học đêm là thế, nhưng năm nay vào lớp 10 công lập khó quá, không biết con tôi có vào được không”, chị Bình lo lắng.
Không chỉ phụ huynh mà rất nhiều học sinh cũng rơi vào tình trạng căng thẳng và chịu nhiều áp lực khi bố mẹ quá kỳ vọng và bắt buộc con mình phải thi đỗ vào một trường mà mìnhmong muốn, trong khi đó sức học lại không đủ. Em Nguyễn H. H., học sinh lớp 9 một trường THCS ở quận Gò Vấp chia sẻ: “Bố mẹ em bắt em phải vào được trường THPT Nguyễn Công Trứ, nhưng em biết khả năng của mình dù có học ngày, học đêm cũng khó đỗ, nên giờ em rất căng thẳng, không biết phải làm sao để không phụ lòng bố mẹ”.
Nên chọn nguyện vọng, trường đúng năng lực
Thầy Trần Mậu Minh, nguyên Hiệu trưởng trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) cho rằng, để chọn đúng nguyện vọng, học sinh xác định được khả năng của bản thân, từ đó định hướng con đường học tập. Theo thầy Minh, học sinh nên căn cứ vào những bài kiểm tra của 3 môn thi từ đầu năm đến nay, đặc biệt là lưu ý đến kết quả kiểm tra học kỳ 2 và giải những đề thi của những năm gần nhất, sau đó áp với hệ số tính điểm xét tuyển và trừ hao khoảng 15 -20%. Song song đó, cần chú ý đến điểm trúng tuyển và tỷ lệ chọi của trường học sinh muốn đăng ký.
Theo ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng Giáo dục Sở Giáo dục và - Đào tạo TP Hồ Chí Minh, học sinh cũng cần nắm chắc quy định và thời gian. Ông Hoàng lưu ý các mốc thời gian học sinh cần nhớ sau khi nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng, ngày 4/5 Sở sẽ công bố số liệu ban đầu, đến ngày 10/5, nếu có nhu cầu, học sinh có thể thay đổi nguyện vọng.
Các chuyên gia tư vấn tâm lý cũng khuyến cáo, các em nên chia sẻ với cha mẹ về năng lực học tập hiện tại để chọn trường phù hợp và không áp lực. Nếu gặp khó khăn thì nên nhờ người thân khác trong gia đình, hoặc giáo viên chủ nhiệm cùng "vào cuộc".
Theo Sở Giáo dục và Đạo tạo TP Hồ Chí Minh, những học sinh không vào lớp 10 công lập có thể lựa chọn các loại hình học tập khác phù hợp với năng lực, như hệ thống trường ngoài công lập, trung tâm GDTX, trung cấp nghề... Ngoài ra, TS.Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, sau khi tốt nghiệp THCS, có nhiều hướng đi để học sinh có thể vào đại học, không nhất thiết phải vào bằng được trường THPT này, trường THPT kia mới có kết quả. Điều quan trọng, phụ huynh phải nhìn thấy năng lực con em mình đang ở đâu để tư vấn chọn trường học phù hợp nhất.
Theo tính toán, học sinh học giáo dục nghề nghiệp có khoảng 3 năm hoàn thành chương trình, sau đó được cấp bằng tốt nghiệp và giấy chứng nhận hoàn thành chương trình lớp 12. Sau trung cấp, các em sẽ được định hướng thêm 2 năm học liên thông đại học. Như vậy, với lộ trình mới chỉ cần 5 năm là học sinh đã hoàn thành chương trình đại học.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập TP Hồ Chí Minh năm nay diễn ra từ ngày 2 và 3/6 với 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ. Ngoài ba môn bắt buộc, thí sinh thi vào lớp 10 chuyên sẽ thi thêm môn chuyên và thi thêm môn tích hợp nếu dự tuyển vào lớp 10 chương trình tích hợp.