Hơn 8.000 HS tiểu học ở TP Nam Định sẽ không được học bán trú?

Mấy ngày gần đây, những bậc phụ huynh có con đang học bán trú tại thành phố Nam Định rất bức xúc khi nhận được thông báo từ các trường tiểu học yêu cầu, từ tháng 1/2012 phải đón, đưa con thêm 2 lượt sau 10h30' và trước 14h mỗi ngày.

Gặp gỡ nhiều bậc phụ huynh, phóng viên nhận thấy trong số họ người hiểu thì nói chắc nhà trường gặp khó khăn, người không hiểu chuyện thì cho rằng đây là hành động "ép" phụ huynh nhằm tạo ra phản ứng chống lại quy định về việc quản lý thu trong các cơ sở giáo dục mới được ban hành tháng 11 vừa qua. Những ý kiến trái chiều trên vô tình tạo ra hiệu ứng không tốt trước một quyết định vốn được coi là đúng đắn, hợp lòng dân của UBND tỉnh Nam Định.


 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.


Chị Nguyễn Thu Hồng (phố Hàn Thuyên) bày tỏ: yêu cầu này gây khó khăn rất nhiều cho chúng tôi bởi 2 vợ chồng đều là công chức. Không riêng gì gia đình chị Hồng, hầu hết phụ huynh có con đang độ tuổi tiểu học đều làm việc trong các đơn vị nhà nước, nhà máy, xí nghiệp..., giờ làm được quy định chặt chẽ. Hơn nữa, khoảng thời gian dành để nghỉ ngơi, phục hồi sức lao động, học tập cũng bị ảnh hưởng sẽ tạo ra hiệu ứng xấu làm giảm chất lượng cuộc sống, công việc của phụ huynh, học sinh.

Trước những bức xúc của người dân, đại diện các trường tiểu học trên địa bàn đều cho biết: nhà trường không thể tổ chức bán trú cho học sinh do không đủ khả năng đảm bảo chất lượng, số lượng bữa ăn cho các cháu với mức thu mới.

Lật lại vấn đề, thời điểm cuối tháng 11, các trường tiểu học nhận được yêu cầu thực hiện đúng công văn số 227 của UBND tỉnh ban hành ngày 1/11 về "tăng cường quản lý việc huy động đóng góp ngoài học phí trong các cơ sở giáo dục", trong đó có quy định tiền nuôi ăn bán trú đối với các cơ sở giáo dục tiểu học có tổ chức cho trẻ ăn ở trường với mức đóng góp tối đa 15.000 đồng/học sinh/ngày. Từ đầu tháng 12, công văn trên được triển khai nghiêm túc. Thực hiện quy định này, các trường phải "cân đối" mọi chi phí kể cả việc xem xét cắt giảm tiền ăn của các cháu, tiền thuê nhân công phục vụ việc nuôi ăn, vệ sinh.

Ghi nhận từ các trường, hoạt động bán trú gồm việc quản lý, trông coi học sinh nghỉ trưa tại trường từ 10h30' tới 14h, trả tiền thuê lao động nấu ăn (nhà bếp), phục vụ hàng ngày và vệ sinh, giặt giũ chăn, chiếu cho các cháu. Với mức đóng góp mới này, sau khi trừ các khoản thì tiền ăn của các cháu chỉ còn 10.000 đồng/ngày/cháu gồm cả bữa chính và bữa phụ.

Làm công việc hợp đồng này tại trường đã gần 15 năm, bà Trịnh Thị Hạ, tổ trưởng Tổ bếp tại Trường tiểu học Phạm Hồng Thái nhẩm tính, một bát phở có thể "ăn được" giờ trung bình là 20.000-30.000 đồng; với số tiền ít ỏi 10.000 đồng chúng tôi không thể đảm bảo chất lượng một bữa ăn cho các cháu, chứ chưa nói là 2 bữa.

Bà Hạ tâm sự: vừa qua được sự "động viên" của các thầy cô, ban giám hiệu nhà trường, nhà bếp chúng tôi đã bàn bạc cùng thống nhất việc tháo gỡ. Biện pháp khắc phục trước mắt chỉ có thể là bỏ bữa ăn phụ, cắt giảm thức ăn trong bữa chính, cố gắng để các cháu đủ no. Đây cũng chính là hướng giải quyết tạm thời được các trường chọn trong khi chờ quyết định mới của ngành hữu quan.

Do nhu cầu ăn uống không được đầy đủ về dinh dưỡng nên hiệu quả học tập của các cháu "đang tuổi ăn, tuổi lớn" giảm sút. Lo lắng về vấn đề này, hầu hết phụ huynh tìm cách "bổ sung" dinh dưỡng cho con bằng các loại thực phẩm như sữa, xúc xích, bánh bao, bánh mì, xôi... Để tránh việc làm có thể gây ra mất an toàn vệ sinh, thậm chí ngộ độc thực phẩm, các trường đã yêu cầu phụ huynh, học sinh không được mang bất cứ đồ ăn nào vào trường.

"Công tác bán trú được duy trì nhiều năm qua trên tinh thần thoả thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường nhằm tạo thuận lợi chính cho phụ huynh, đảm bảo học lực, trí lực, phát triển thể chất cho học sinh" là ghi nhận của anh Vũ Tiến Vững, Chủ tịch Hội cha mẹ học sinh trường Nguyễn Viết Xuân và anh Vũ Thế Tải, Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh trường Phạm Hồng Thái.

Theo anh Tải, sau khi Ban thường trực hội cha mẹ học sinh và Chi hội trưởng phụ huynh được triệu tập họp bất thường thông báo quy định mới, chúng tôi đã tổ chức họp toàn thể phụ huynh có con tham gia bán trú. Phụ huynh chúng tôi nhất trí đề nghị lên các cấp lãnh đạo cho phép trường thực hiện mức thu thoả thuận như cũ và xin phép được thoả thuận với trường điều chỉnh mức thu cho phù hợp với giá cả thị trường biến động.

Thành phố Nam Định 15.018 học sinh đang học tiểu học, trong đó hơn 8.000 em tham gia học bán trú ở 21 trường tiểu học. Nếu hoạt động này không còn thì ít nhất chừng ấy phụ huynh chịu áp lực về việc đưa đón con trong giờ đi làm hoặc thấp thỏm lo lắng khi nhờ người đi đón. Đó là chưa nói đến những chi phí phát sinh và nhiều tác động xã hội khác. Đơn cử như việc các trường phải đền bù những hợp đồng cung cấp thực phẩm, nhiên liệu, hợp đồng đối với nhân viên làm bếp, làm vệ sinh... Tính sơ qua sẽ có tới gần 1.600 lao động mất việc làm dù đã chấp nhận mức lương eo hẹp chỉ hơn mức lương tối thiểu chút ít. Và trước mắt, gia đình những người lao động vốn tằn tiện, chịu thương, chịu khó đó "mất Tết" như lời bà Hạ tâm sự.

Không thể phủ nhận hiệu quả chung của công văn 227 về mục đích chống lạm thu trong các trường học. Song để có câu trả lời thoả đáng cho người dân và lý giải tại sao con số "15.000 đ/ngày/học sinh bán trú" được "áp" cho các trường, chúng tôi tìm gặp những người chịu trách nhiệm trong việc ra văn bản này. Tại Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Nam Định, nơi làm nhiệm vụ tham vấn cho UBND tỉnh về ban hành văn bản, phóng viên nhận được câu trả lời rằng những người chịu trách nhiệm chính trong vấn đề tham vấn hiện "bận duyệt quyết toán" nên hẹn khi khác.

Được biết, hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn đã có tờ trình lên Phòng giáo dục thành phố, Phòng cũng đã có văn bản trình lên Sở GD&ĐT và UBND thành phố ngày 12/12, nhưng đến nay vẫn "bặt vô âm tín". Chỉ còn rất ít ngày nữa, các trường chính thức dừng hoạt động bán trú, trong khi các bậc phụ huynh đang rất lo lắng thì không hiểu vì lý do gì ngành hữu trách của Nam Định lại "bình chân như vại" ?.

Mỹ Bình

Cải thiện điều kiện vệ sinh trường tiểu học
Cải thiện điều kiện vệ sinh trường tiểu học

Ngày 14/11, tại TP. Hồ Chí Minh, Unilever Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố Chương trình hành động cải thiện điều kiện vệ sinh trường tiểu học trên toàn quốc giai đoạn 2012 – 2016, với tổng trị giá 26 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN