Hồi âm bài báo “Bói đâu tiến sĩ để mở ngành?” - Các nhà quản lý văn hóa nói gì?

PGS. TS Đào Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Hy vọng sẽ tìm ra giải pháp đối với đào tạo nghệ thuật


Nhiều năm trước đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD-ĐT) luôn tôn trọng tính đặc thù trong đào tạo nghệ thuật và đã cho phép các trường khối nghệ thuật có tiêu chí xây dựng đội ngũ giảng viên nghệ thuật của mình, trên cơ sở tài năng nghệ thuật của họ.Việc đào tạo tài năng nghệ thuật ở các trường khối văn hóa nghệ thuật luôn có đặc thù riêng, vì nghệ thuật là sáng tạo nên muốn khơi gợi tính sáng tạo và phát triển năng khiếu trở thành tài năng của sinh viên, đội ngũ những người đứng lớp phải là những nghệ sĩ giỏi, trên thực tế có thể họ chưa có bằng tiến sỹ, nhưng họ có kinh nghiệm sáng tạo và khả năng truyền thụ kiến thức nghệ thuật cho sinh viên rất tốt. Chính vì vậy, từ vài chục năm nay, các chuyên ngành này vẫn được đào tạo theo kiểu truyền nghề và có hàng ngàn diễn viên, nghệ sỹ đã thành danh từ việc truyền nghề này, đóng góp một phần lớn cho sự nghiệp phát triển văn hóa, nghệ thuật nước nhà. Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đã có văn bản gửi Bộ GD-ĐT, hi vọng sau đó lãnh đạo Bộ VHTTDL và Bộ GD-ĐT sẽ có sự trao đổi bàn bạc kỹ lưỡng tìm ra những giải pháp để tạo điều kiện cho các trường nghệ thuật hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo trong khối nghệ thuật.

 

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ VN: Quyết định vội vã sẽ làm đứt đoạn đào tạo nghệ thuật


Chúng ta đã có Nghị quyết Hội nghị TƯ 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo làm cơ sở để nâng cao chất lượng đào tạo, tuy nhiên để đổi mới một cách toàn diện đào tạo đối với nghệ thuật phải có sự chuẩn bị kỹ càng, từ việc lập đề án đến lộ trình, với những bước đi thích hợp.
Quyết định tạm dừng tuyển sinh như thế là quá vội vàng, sẽ làm đứt đoạt việc đào tạo nghệ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống, lĩnh vực mà chúng ta đang gặp khó khăn ngay từ khâu tuyển sinh. Mặt khác, tôi cũng cần phải nhấn mạnh rằng, không phải cứ có học vị là có thể trở thành tài năng nghệ thuật được. Một tiến sĩ chỉ làm nhiệm vụ đúc kết và ghi chép tổng hợp, nhưng với giảng viên nghệ thuật thì thước đo lại là sáng tạo nghệ thuật, bằng việc truyền thụ những kinh nghiệm thực tiễn, chứ không thể truyền dạy bằng lý thuyết là đủ. Nếu giả dụ Bộ GD-ĐT không thay đổi đòi hỏi này thì không biết công tác đào tạo sẽ bị đứt đoạn chưa biết đến bao giờ, trong khi xã hội thì vẫn than phiền về thẩm mỹ nghệ thuật đang xuống dốc do tư tưởng “ăn xổi” của không ít nghệ sĩ thị trường tự do.

 

Đạo diễn, NSƯT Vũ Xuân Hưng, nguyên Phó giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam: Khó áp dụng với nghệ thuật


Chính Bộ GD - ĐT đã cho mở ào ào các trường đại học, rồi nâng cấp cao đẳng thành đại học… Đình chỉ một số ngành đào tạo là đúng, nhưng đối với một số trường nghệ thuật là sự vô lý và duy ý chí. Bản thân tôi học đạo diễn tại Trường Đại học VGIK của Liên Xô cũ, nhiều thầy của tôi có phải là thạc sĩ, tiến sĩ gì đâu. Họ là những đạo diễn, biên kịch… lừng danh thế giới. Ngay ở nước ta, đào tạo ra những đạo diễn tên tuổi hiện nay là những người thầy đạo diễn với những bộ phim để đời trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, họ đâu có bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Nghệ thuật mang tính đặc thù và cao nhất là sự sáng tạo, và chỉ những người thầy có sáng tạo lớn mới đủ tư cách làm thầy… Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cho biết thực tế khi xử lý những ngành học này Bộ đã rất “linh động”, ví dụ không có tiến sĩ đúng với chuyên ngành như piano, sân khấu… thì phải có tiến sĩ gần với chuyên ngành này như các công trình nghiên cứu liên quan chứ không phải nhất thiết phải đúng tiến sĩ đào tạo chuyên ngành đó. Nếu trong trường hợp, bất đắc dĩ không tìm được tiến sĩ như yêu cầu thì phải có 5 thạc sĩ thay vì 3 thạc sĩ. Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo của các trường nghệ thuật cho rằng sự “linh hoạt” của Bộ GD - ĐT vẫn chưa thực sát với tình hình thực tiễn. Hiện nay ngành nghệ thuật hiện nay rất hiếm người có học vị tiến sĩ, thạc sĩ và nếu có thì công việc của họ không thuộc biên chế của trường nghệ thuật nào, đào tạo nghệ thuật chưa phải là nghề có sức hút thế nên để đòi số giảng viên cơ hữu có học vị trong đào tạo nghệ thuật là việc không thể thực hiện. Tiến sĩ, thạc sĩ “gần” và có nghiên cứu với nghệ thuật thì càng không thể có.

 

Hoài Hương (thực hiện)

“Bói” đâu tiến sĩ để mở ngành?
“Bói” đâu tiến sĩ để mở ngành?

Quyết định dừng tuyển sinh đối với một số chuyên ngành nghệ thuật của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) khiến những người làm nghệ thuật rất bức xúc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN