Quyết định dừng tuyển sinh đối với một số chuyên ngành nghệ thuật của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) khiến những người làm nghệ thuật rất bức xúc. Họ khẳng định, việc đòi hỏi phải có tiến sỹ, thạc sỹ (TS, Th.s) cho các chuyên ngành như thanh nhạc, nhiếp ảnh, biên kịch sân khấu - điện ảnh -truyền hình, quay phim... mới cho tiếp tục mở chuyên ngành đào tạo là không tưởng bởi hiện tại, có những ngành như sư phạm âm nhạc, nhiếp ảnh… còn chưa được Bộ GD&ĐT cấp mã ngành đào tạo tiến sĩ.
Chưa từng có mã ngành đào tạo
Cơ sở dừng tuyển sinh đối với 207 ngành trình độ đại học dựa trên nội dung khoản 1, điều 2 của Thông tư 08 của Bộ GDĐT: “Có đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng của chương trình đào tạo, trong đó có ít nhất 1 giảng viên có trình độ tiến sĩ và 3 giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký”.
Với lĩnh vực đào tạo nghệ thuật thì uy tín và kinh nghiệm được coi là thước đo quan trọng hơn cả học hàm, học vị. |
Theo đó, số lượng các ngành nghệ thuật bị đình chỉ lên tới gần 30 chuyên ngành. Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội có tới 15/18 chuyên ngành: Biên kịch sân khấu, đạo diễn điện ảnh - truyền hình, công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, biên kịch điện ảnh - truyền hình, nhiếp ảnh, công nghệ điện ảnh - truyền hình, thiết kế mỹ thuật sân khấu - điện ảnh, lý luận và phê bình điện ảnh - truyền hình; lý luận và phê bình sân khấu, quay phim, biên đạo múa, huấn luyện múa. Học viện Âm nhạc Huế có chỉ huy âm nhạc, thanh nhạc, sư phạm âm nhạc, âm nhạc học; Học viện Âm nhạc Quốc gia VN và Nhạc viện TP.HCM là ngành sư phạm âm nhạc; ĐH Mỹ thuật TP.HCM với các ngành: hội họa, gốm, thiết kế công nghiệp; ĐH Mỹ thuật TP.HCM với các ngành: điêu khắc, thiết kế đồ họa, đồ họa, lý luận, lịch sử và phê bình mỹ thuật.
Trước thông tin này, lãnh đạo các trường nghệ thuật cũng như các giảng viên, nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vô cùng bức xúc bởi quyết định này và đều cho rằng đây là một quyết định vội vàng, máy móc và chưa am hiểu tính đặc thù của đào tạo nghệ thuật.
Ông Vũ Huyến, nguyên Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, hiện là giảng viên dạy nhiếp ảnh của Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn và một số trường khác, bức xúc: “Bộ GD&ĐT đòi hỏi chuyên ngành đào tạo nhiếp ảnh phải có TS,Th.s là không hiểu gì về đặc thù đào tạo trong lĩnh vực VHNT. Trong lĩnh vực này, chỉ có ngót chục người được đào tạo cử nhân ở nước ngoài, hiện người thì đã mất, người thì đã chuyển nghề, số người trụ lại giảng dạy còn vài ba người. Nếu đòi hỏi như vậy thì ngay cả vị chủ tịch đứng đầu Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh VN là NSNA Vũ Quốc Khánh cũng sẽ không có tư cách để làm thầy và toàn bộ lực lượng giảng viên của ngành nhiếp ảnh hiện nay cũng đều bói không ra TS, Th.s”.
Còn Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh VN Vũ Quốc Khánh thì cho rằng, việc đào tạo nhiếp ảnh cũng như đào tạo các loại hình nghệ thuật không thể coi “sòng phẳng” như các môn học khác. Đặc biệt, đào tạo nhiếp ảnh không đơn thuần chỉ về kiến thức, lý thuyết như các chuyên ngành khác, mà số lượng tiết thực hành lên tới 60% số lượng tiết học của học sinh. Theo ông Khánh, muốn có các TS, Th.s trong lĩnh vực này, thì trước hết nhà nước cần phải cử người đi đào tạo ở nước ngoài, vì hiện tại ở Việt Nam chưa có chuyên ngành đào tạo tiến sĩ.
Căn cứ vào đặc thù
PGS, TS Trần Thanh Hiệp, trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội cho biết: “Với các môn chuyên môn, do đặc thù nghệ thuật, không phải chuyên ngành nào trường cũng có TS. Bởi giảng dạy sáng tác là người phải có thực tiễn sáng tác, có kinh nghiệm thực tiễn, có tài năng chứ không chỉ là bằng cấp. Những nghệ sĩ giỏi, tài năng của Việt Nam, có tư chất nhà sư phạm đều được trường mời tham gia giảng dạy. Thực tế ở các nước, những người dạy những chuyên ngành nghệ thuật hầu hết đều là các nghệ sĩ sáng tác. NSND Trần Văn Thủy, NSƯT Lê Đức Tiến, NSƯT Vương Đức, NSƯT Xuân Sơn khi học tại trường Điện ảnh Moskva thì thầy dạy môn sáng tác của họ cũng đều là nghệ sĩ chứ không ai là Th.S, TS. Một số giảng viên của trường ĐHSKĐA HN như nhà biên kịch Đoàn Tuấn, nhà biên kịch Thiên Phúc, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã chỉ có bằng cử nhân, nhưng họ là những nhà sáng tác kịch bản nổi tiếng hàng đầu của Điện ảnh VN hiện nay. Không ai có thể nói họ có sự hiểu biết kém hơn, có kiến thức kém hơn một người có bằng TS”.
GS,TS, NSND Đình Quang, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội, cũng đồng tình: “Qua trải nghiệm thực tế, tôi thấy rằng những nội dung đào tạo nghệ thuật không thể lấy thước đo học vị TS, Th.S có thể đáp ứng được. Để đào tạo một TS, Th.S về lĩnh vực nghệ thuật thì không khó, quá lắm cũng chỉ dăm năm nhưng để có được một người thầy đào tạo về nghệ thuật sân khấu, điện ảnh, âm nhạc… thì phải mất hàng chục năm với sự tích lũy bằng cả cuộc đời sáng tạo nghệ thuật không ngừng. Uy tín và kinh nghiệm trong nghề được coi là thước đo quan trọng hơn cả học vị, học hàm. Việc đòi hỏi phải có số lượng TS, Th.s đúng với là tiêu chí trong lĩnh vực đào tạo nghệ thuật là quá chặt chẽ và không sát với thực tế hoạt động nghệ thuật. Giảng viên thuộc biên chế tại nhà trường sẽ không có điều kiện sáng tạo thực tiễn và sẽ không thu hút được những nghệ sĩ giỏi có khả năng giảng dạy sư phạm làm giảng viên thường xuyên. Đối với nghệ thuật dân tộc thì không thể dùng học vị TS, Th.s để nói lên trình độ của người thầy mà cần nhìn vào các danh hiệu như Nghệ nhân, NSND, NSƯT. Một sinh viên đã tốt nghiệp đại học sau đó trở lại học tập và nghiên cứu qua giai đoạn học cao học, làm nghiên cứu sinh cũng không thể so sánh được với những nghệ sĩ bậc thầy có hàng chục năm gắn bó với nghề”.
Lương Nhi