Phát biểu tại phiên đối thoại, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn chia sẻ: Nếu chia khởi nghiệp thành 3 giai đoạn gồm: Truyền cảm hứng; ý tưởng, giải pháp khởi nghiệp và quản trị doanh nghiệp thì cả 3 giai đoạn đó, giáo dục đều có vai trò hết sức quan trọng.
Ở giai đoạn truyền cảm hứng, các nhà trường, đặc biệt là các trường phổ thông cần cung cấp cho học sinh kiến thức, kỹ năng nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tinh thần kinh doanh và các kỹ năng, tư duy về đổi mới sáng tạo. Trong giai đoạn hình thành ý tưởng, giải pháp kinh doanh, các trường cần cung cấp cho học sinh, sinh viên kiến thức để phát hiện vấn đề hình thành ý tưởng, giải pháp kinh doanh từ thực tiễn, đồng thời, cung cấp cho các em kiến thức nhằm giải quyết vấn đề, tạo ra sản phẩm để hình thành các doanh nghiệp. Giai đoạn cuối cùng, khi đã thành lập được doanh nghiệp thì người quản lý cần rất nhiều kiến thức để quản trị doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là tái khởi nghiệp để đưa doanh nghiệp lên tầm cao mới, bền vững hơn.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: Trường học vừa là nơi trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng, sự trải nghiệm cũng như truyền cảm hứng để học sinh, sinh viên sẵn sàng khởi nghiệp và trường đại học cũng là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp.
Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai trong 4 năm, tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, việc triển khai Đề án này tại các cơ sở đào tạo thời gian qua còn chậm và chưa có nhiều chuyển biến rõ nét. Các trường phổ thông hiện nay chủ yếu vẫn quan tâm đến việc dạy kiến thức, công tác hướng nghiệp, khởi nghiệp còn hình thức, chủ yếu do các trường đại học tổ chức hoạt động hướng nghiệp, tuyển sinh. Công tác phối hợp với doanh nghiệp để tạo môi trường trải nghiệm, hướng nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp của các doanh nghiệp với các trường phổ thông còn chưa được triển khai hoặc triển khai rất hình thức.
Các trường đại học ở nước ta đa phần vẫn còn tập trung vào việc giảng dạy, nghiên cứu mà chưa quan tâm đến mảng thương mại hóa, vốn hóa các sản phẩm dựa trên nền tảng trí tuệ của nhà trường, bao gồm các sản phẩm nghiên cứu khoa học và đặc biệt là việc vốn hóa con người. Việc phát triển doanh nghiệp trong các cơ sở đào tạo còn khó khăn đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nguồn (Spin off) hoặc các doanh nghiệp khởi nghiệp (Startup).
Các dự án khởi nghiệp của sinh viên và các giảng viên trẻ có hàm lượng khoa học công nghệ còn thấp. Các trường chưa hỗ trợ các dự án tiếp tục phát triển và đi đến việc thành lập doanh nghiệp. Cùng với đó, chưa có cơ chế chính sách thúc đẩy các trường đại học chuyển giao tri thức cho cộng đồng, tạo giá trị cho cộng đồng. Việc hình thành các quỹ khởi nghiệp còn khó khăn về cơ chế đầu tư. Chưa có các quỹ đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ cộng đồng trong các nhà trường.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng: Muốn học sinh, sinh viên có được ý tưởng tốt, trước tiên, cần có bước gieo mầm, đó chính là nội dung, nhiệm vụ của các Chương trình đào tạo và các hoạt động trải nghiệm thực tế. Khi đã có ý tưởng, các cơ sở đào tạo cần tiếp tục hỗ trợ để các bạn hoàn thiện ý tưởng và biến các ý tưởng đó thành hiện thực. Từ ý tưởng để trở thành doanh nghiệp, cần rất nhiều sự hỗ trợ khác nữa, trong đó, có vấn đề nguồn vốn và các vấn đề về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, công nghệ.
Khái quát về môi trường khởi nghiệp dành cho học sinh, sinh viên ở Việt Nam hiện nay, ông Phạm Hùng Anh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Hiện nay, môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam còn non trẻ so với thế giới nhưng có nhiều tiềm năng để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp một cách mạnh mẽ. Trong đó, có hàng trăm trường đại học, viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục phổ thông- nơi được coi là trung tâm của hệ sinh thái khởi nghiệp, đang hoạt động khắp cả nước.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chúng ta đang thiếu những giải pháp căn cơ về đổi mới nền giáo dục, hướng tới việc khơi dậy tinh thần khởi nghiệp và cung cấp những kiến thức cơ bản về khởi nghiệp cho giới trẻ. Giáo dục và đào tạo khởi nghiệp vẫn là một lĩnh vực mới nổi, rất ít các trường của Việt Nam có chuyên ngành đào tạo riêng. Thiết kế chương trình giảng dạy chưa hợp lý. Phần lớn các trường vẫn trong mô hình dạy học truyền thống, vẫn coi “lớp học” là mô hình cốt lõi, ít được bổ sung bởi các hoạt động khác, nên không thể tạo cơ hội cho sinh viên tham gia vào hoạt động khởi nghiệp tích cực.
Về phía cơ sở đào tạo, các trường xác định nhiệm vụ thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên là một trong những nội dung quan trọng của nhà trường về mặt dài hạn, coi đó là một trong những nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần tạo việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp đúng như mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ đề ra. Tuy nhiên, cách tiếp cận của mỗi cơ sở đào tạo là khác nhau và đa phần mục tiêu, nhiệm vụ của nhà trường vẫn thể hiện ở các văn bản dạng Kế hoạch của trường mà chưa được đưa vào phần mục tiêu, sứ mệnh, tầm nhìn dài hạn. Hình thức thể hiện vẫn theo dạng phong trào, chưa đi vào thực chất…
Chương trình, nội dung học Trung học Phổ thông còn nặng lý thuyết, hàn lâm chưa có nhiều giờ thực hành trải nghiệm; phương pháp giảng dạy còn đi theo lối mòn, tư duy cũ, khiến cho học sinh vẫn thụ động, thiếu tính năng động, sáng tạo. Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ hoạt động khởi nghiệp dành cho sinh viên còn nhiều hạn chế, đặc biệt trong các trường không có chuyên ngành về kinh tế, khoa học kỹ thuật.
Một bộ phận học sinh, sinh viên ngại khó khăn, thiếu tính năng động, sáng tạo; việc cân đối giữa việc học và tham gia hoạt động khởi nghiệp còn chưa hợp lý. Một số trường quá ít sinh viên nên việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn. Học sinh, sinh viên ở các vùng sâu, vùng xa, khu vực hẻo lánh chưa có nhiều tri thức về khởi nghiệp, chưa có điều kiện tham gia thực hành khởi nghiệp…
Tại phiên đối thoại, đại diện một số bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cũng đã tập trung thảo luận, đưa ra giải pháp nhằm tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn khi xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Kết quả của phiên đối thoại sẽ được tổng hợp và kiến nghị lên cấp có thẩm quyền để hoạch định chính sách thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp trong thời gian tới.