Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ các cấp từ tỉnh đến cơ sở sẽ được củng cố và kiện toàn, phân công cụ thể cho phù hợp tình hình và nhiệm vụ mới. Trong đó, ngành giáo dục là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo, chịu trách nhiệm chính trong công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; chủ động phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể, UBND các cấp các cấp đưa công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ vào nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động; vận động cán bộ, hội viên các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể và nhân dân tham gia công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; phối hợp, tham gia đưa con em, hội viên ra lớp, vận động trẻ bỏ học trở lại trường, vào các lớp xóa mù chữ, lớp phổ cập, các lớp tình thương.
Tỉnh đã đề ra một số giải pháp chủ yếu trong công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ thời gian tới như tập huấn công tác điều tra, thực hiện thống kê đối tượng phổ cập trên hệ thống thông tin quản lý dữ liệu phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; Làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về tầm quan trọng, vai trò, tác dụng của công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân; Thực hiện nghiêm túc, công khai, khách quan, dân chủ trong sử dụng, đánh giá chất lượng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Giải quyết nhanh chóng, kịp thời các chế độ chính sách cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh phổ thông, học sinh khuyết tật; Thực hiện tốt nội dung đổi mới giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; sử dụng có hiệu quả đồ dùng dạy học, học đi đôi với hành.
Ngành giáo dục cơ cấu lại qui mô trường, lớp; giảm các điểm lẻ ở trường tiểu học hoặc trường tiểu học có quy mô nhỏ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội ở từng địa phương. Tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình hiệu quả về huy động học sinh, giúp đỡ học sinh nghèo học tốt, duy trì và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục; Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, phát huy các nguồn lực của toàn xã hội, cộng đồng hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện dạy và học cùng tham gia các hoạt động, chăm lo công tác giáo dục.
Năm 2018, Hậu Giang phấn đấu mỗi huyện, thị xã, thành phố có từ 80% đơn vị xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 ở những nơi có điều kiện, 8/8 huyện đạt chuẩn mức độ 1 trở lên; 8/8 đơn vị cấp huyện chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; có từ 60% số đơn vị cấp xã trở lên đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2, 8/8 huyện đạt chuẩn mức độ 1 trở lên. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi mẫu giáo đạt 86%, trong đó tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99% trở lên; trẻ 5 tuổi được học 02 buổi/ngày trong một năm học theo chương trình giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đạt 100%...