Các thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc ghi danh Sổ vàng. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN |
Tại chương trình, các thủ khoa đã được ghi nhận, biểu dương về kết quả học tập xuất sắc; động viên, khích lệ tinh thần phấn đấu rèn luyện, vượt khó vươn lên của sinh viên Thủ đô. Qua đó, thể hiện sự quan tâm thường xuyên, sâu sắc của thành phố Hà Nội đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ .
Song song với chương trình vinh danh các thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc, nhiều năm qua thành phố Hà Nội cũng đã có nhiều chính sách trọng dụng nhân tài, “trải thảm đỏ” với các thủ khoa. Từ đó, thu hút các thủ khoa về làm việc, tạo điều kiện phát triển khả năng và trình độ chuyên môn của các thủ khoa.
Cụ thể, thủ khoa xuất sắc nếu có nguyện vọng về làm việc trong các cơ quan, đơn vị của thành phố Hà Nội sẽ được hưởng các chính sách đãi ngộ như: được tiếp nhận đặc cách không qua thi tuyển, được hưởng hỗ trợ đãi ngộ thu hút một lần bằng 20 lần mức lương tối thiểu tại thời điểm được tuyển dụng, tiếp nhận. Ngoài ra, thủ khoa xuất sắc sau 2 năm công tác được ưu tiên cử đi đào tạo đại học ở trong nước hoặc nước ngoài, được hỗ trợ hàng tháng đi học bằng 1,5 mức lương tối thiểu, hỗ trợ bảo vệ luận văn tốt nghiệp thạc sĩ bằng 30 lần mức lương tối thiểu và hỗ trợ 80 lần mức lương tối thiểu đối với luận án tốt nghiệp tiến sĩ…
Đại diện các thủ khoa xuất sắc trao Sổ vàng cho Thành đoàn Hà Nội. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN |
Nhấn mạnh về chính sách ưu đãi này, Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Văn Thắng cho rằng: Các bạn thủ khoa có thể sinh ra ở những nơi khác nhau, ở các tỉnh thành khác nhưng khi đã có quá trình cống hiến, học tập tại Hà Nội và được Hà Nội vinh danh, tuyên dương với tư cách là sinh viên Thủ đô… thì rất mong các bạn sẽ mang hết sức lực và trí tuệ của mình đóng góp nhiều hơn nữa cho Thủ đô và đất nước; tham gia góp sức xây dựng Thủ đô giàu mạnh, văn minh, hiện đại.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, nhiều thủ khoa vẫn chưa thực sự “mặn mà” với những chính sách “trải thảm đỏ” này của thành phố Hà Nội. Thủ khoa kép Lại Thành Minh (thủ khoa cả khi tuyển sinh và tốt nghiệp, Đại học Mỹ thuật Việt Nam) chia sẻ: Em mới biết đến chính sách này, em vẫn chưa tìm hiểu sâu được, nên em cũng chưa biết là mình sẽ được hưởng ưu đãi nào, hay là mình sẽ phù hợp với vị trí nào ở các sở, ban, ngành. Vì thế, hiện tại em đang nghiên cứu các cơ hội có thể để tìm ra con đường tốt nhất cho bản thân.
Theo đuổi một chương trình xa hơn, thủ khoa kép Đinh Nho Minh (Học viện Chính sách và Phát triển) cho biết: Vào thời điểm này, em vẫn chưa có ý định làm việc tại Hà Nội. Ưu tiên trước tiên của em là đi học ở nước ngoài, học thêm chuyên sâu hơn về chuyên ngành của em. Mặt khác, em cảm thấy những ưu đãi của thành phố Hà Nội mặc dù rất tốt trong điều kiện chung hiện nay của cả nước, nhưng vì vướng vào cơ chế về thủ tục, chế độ tăng lương nên em chưa thực sự muốn về Hà Nội bây giờ. Nếu sau này đi học về, em sẽ thử góp sức cho Hà Nội hoặc em sẽ về các bộ, ban, ngành để làm việc…
Sau 14 năm liên tiếp tổ chức tuyên dương thủ khoa, hiện mới chỉ có khoảng 10% số thủ khoa xuất sắc được tuyển dụng vào các sở, UBND quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội. Những thủ khoa còn lại phần lớn đều mong muốn tiếp tục chương trình học cao hơn ở nước ngoài, một số thủ khoa thì còn lúng túng chưa nắm rõ kế hoạch tương lai của mình như thế nào... Vì vậy, việc “trải thảm đỏ đón các thủ khoa về Hà Nội” vẫn là vấn đề cần được bàn thảo nhiều trong thời gian tới.