Hai thay đổi quan trọng mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đưa ra trước kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2014 - 2015 là giảm chỉ tiêu tuyển sinh, giảm sĩ số học sinh/mỗi lớp... khiến cánh cửa vào trường công lập của học sinh hẹp hơn so với mọi năm.
Ép học sinh ký đơn
Nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, trước khi diễn ra kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2014 - 2015, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) Hà Nội có một số thay đổi. Hai thay đổi quan trọng nhất là giảm chỉ tiêu tuyển sinh và giảm sĩ số học sinh/lớp, thậm chí nhiều trường chỉ được phép tuyển 40 học sinh/lớp.
Sáng 18/6/2013, hơn 70.000 thí sinh của thành phố Hà Nội thi môn Ngữ văn - môn đầu tiên của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2013 – 2014. Trong ảnh: Thí sinh thi môn Ngữ văn tại Hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, quận Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Quý Trung – TTXVN |
Cụ thể, tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT của Hà Nội là 64.552 học sinh, trong tổng số 74.614 học sinh tốt nghiệp THCS. Trong đó, 105 trường công lập có chỉ tiêu tuyển hơn 47.000 học sinh (chiếm 65,8%), 88 trường ngoài công lập tuyển gần 12.000 học sinh. “Do chỉ có 65,8% học sinh cuối cấp THCS tại Hà Nội được tuyển chọn vào các trường THPT công lập, nên số còn lại sẽ học tại các trường ngoài công lập, trung tâm GDTX, trung cấp chuyên nghiệp hoặc trường nghề”, ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD - ĐT Hà Nội cho biết.
Cô Hà Phương, trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Long Biên, Hà Nội):
Trong quá trình ôn tập tại trường, học sinh cũng được các thầy cô hệ thống lại kiến thức trọng tâm, ra bài tập, làm quen với các dạng đề. Hiện tại, chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa các em sẽ bước vào kỳ thi, phụ huynh không nên bắt các em học quá nhiều. Lúc này các em cần được nghỉ ngơi và có chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý. Ôn luyện, hệ thống kiến thức là tốt, nhưng quan trọng là các em nên có thời gian tự học, tự ngấm vào đầu. Cảm giác thoải mái sẽ tiếp thu kiến thức tốt hơn là việc học hết ca này đến ca khác theo việc tiếp thu kiến thức thụ động. Phụ huynh hãy nhớ, kiến thức được tích lũy trong quá trình học chứ không phải thâu tóm được hết trong “giai đoạn nước rút”.
Cô Lê Thị Bích Hà, THPT Yên Hòa, Cầu Giấy:
Quan trọng là học hiệu quả chứ không phải là chạy sô cho kín sẽ thi được cấp 3. Học sinh nên hiểu rõ năng lực của mình để chọn trường phù hợp. Bên cạnh đó, phụ huynh không nên ép buộc hoặc tạo áp lực phải đỗ, điều đó gây ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả tiếp thu bài, cũng như gây tâm lí căng thẳng. Đôi khi, cuộc đua đầu cấp không phải là của học sinh mà của chính các bậc cha mẹ. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý thi của các em. |
“Tâm lý của ai cũng mong con được học trường công lập, “cánh cửa năm nay hẹp như vậy, liệu có xảy ra tình trạng “chạy trường” hay không?”, anh Nguyễn Huy Hoàng (phố Lý Nam Đế, Hà Nội) chia sẻ. Anh Hoàng phân tích, trường công lập có cơ sở vật chất tốt và chất lượng dạy học an toàn, học phí không cao. Trong khi những trường dân lập tốt thì có mức học phí khá cao, không phù hợp với đại đa số người dân. Mặt khác, tâm lý chung của nhiều bậc cha mẹ đều không muốn vào các trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên.
Chia sẻ với PV báo Tin Tức, đại diện một trường THPT ngoài công lập (xin giấu tên) cho biết: “Gần đây, trường tôi có nhận được điện thoại của một phụ huynh. Chị vừa khóc vừa nói: Sau khi tốt nghiệp THPT, con chị bị cô giáo bắt ký vào đơn tự nguyện không thi vào lớp 10 trường THPT công lập. Cô giáo này giải thích là không thi vào công lập, con chị đương nhiên sẽ được học trường ngoài công lập mà không phải thi”. Trước tình huống này, vị phụ huynh đó đã được “mách nước” yêu cầu cô giáo cho biết: cô căn cứ vào điều luật nào để ép học sinh ký vào đơn không được thi vào trường công lập; nhờ thế mà con chị được đăng ký thi vào trường công lập. Theo ghi nhận của báo Tin Tức thì thực trạng này đang diễn ra ở nhiều trường THCS Hà Nội.
Cửa vào công lập trở nên “hẹp” cũng khiến tâm lý phụ huynh nóng lên trong thời điểm này. Tại các trung tâm luyện thi, cổng trường học, chỉ chờ đưa đón con đi học thôi nhưng nhiều bậc phụ huynh cũng căng thẳng chẳng kém gì đưa con đi thi. Chị Minh Tân (ngõ 12, phố Đào Tấn, quận Ba Đình, Hà Nội) tỏ ra khá sốt sắng khi chia sẻ về tình trạng học tập của cô con gái: “Tôi không kỳ vọng cho cháu vào trường chuyên, lớp chọn, nhưng năm nay thấy nhiều phụ huynh “kháo” nhau là rất căng. Đề thi cũng vì thế sẽ khó hơn so với sức học sinh. Ngay từ sau Tết, tôi cho con học các lớp ôn rồi. Thời gian còn lại này, cháu sẽ tiếp tục được hệ thống lại kiến thức”.
Cùng tâm trạng như vậy, chị Mai Hà (phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội) có con chuẩn bị thi vào chuyên Hóa, trường THPT Hà Nội - Amsterdam, chia sẻ: “Bình thường cháu được ôn thi tại trường vào tất cả các buổi sáng và học thêm buổi chiều tại một địa điểm gần Cung thiếu nhi Hà Nội. Nhưng mới đây thấy có lịch ôn thi ở trường Amsterdam, nên có lẽ tôi cũng đăng ký cho cháu. Vì từ giờ tới lúc thi cháu chỉ tập trung cho môn thi thôi”.
Không ít phụ huynh chia sẻ, kỳ thi vào các trường công lập, đặc biệt vào những trường “top” đầu, trường chuyên sẽ trở nên “cam go” hơn so với mọi năm khi mà tỷ lệ chọi lên tới 1:3, 1:4.
Trường ngoài công lập vẫn đảm bảo chất lượng
Liên quan đến việc điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh, ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD - ĐT cho biết: Việc giảm chỉ tiêu tuyển sinh cũng như sĩ số lớp học, nhằm tăng chất lượng đào tạo của các trường. Từ tháng 3/2014, Sở đã có 20 đoàn thanh tra đến kiểm tra các trường THPT trên địa bàn Hà Nội để giao chỉ tiêu trong năm nay. Những trường không đảm bảo cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy sẽ bị cắt giảm chỉ tiêu để đảm bảo chất lượng. Số liệu đã được công bố công khai trên website Sở GD - ĐT Hà Nội và cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh lớp 10 Hà Nội”.
Lịch thi:
Thí sinh đăng ký vào lớp 10 chuyên, không chuyên thi 2 môn ngữ văn và toán vào ngày 23/6. Thí sinh thi chuyên dự thi môn ngoại ngữ vào sáng 24/6; thi môn chuyên vào chiều 24/6 và sáng 25/6; thi nói các môn chuyên ngoại ngữ vào ngày 26/6. |
Về việc có thể điều chỉnh chỉ tiêu giữa các trường THPT công lập và dân lập, nhằm đáp ứng nhu cầu được học công lập của người dân, ông Phạm Hữu Hoan cho biết: “Chúng tôi thực hiện chỉ thị của Thành ủy Hà Nội về công tác xã hội hóa giáo dục. Vì vậy, không thể tất cả các em vào công lập”.
Ông Hoan cũng cho biết, hiện nay các trường ngoài công lập có cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên tương đối tốt, giáo viên cũng dạy bài bản và bám chặt nội dung chương trình phổ thông, mức phí trung bình dao động từ 900.000 đến 1,2 triệu đồng/tháng, là mức đa số người dân có khả năng đáp ứng được.
Về việc “chạy vào trường công lập”, ông Phạm Hữu Hoan khẳng định, không thể nào chạy được ngay cả con em trong ngành. Bởi đề thi chung, chấm chung, không có chế độ ưu tiên cho con em trong ngành, tất cả những điểm đó công khai trên mạng cho toàn thể phụ huynh học sinh có nhu cầu đều biết. Điểm chuẩn của các trường được công bố công khai lấy từ trên xuống dưới, đến khi hết chỉ tiêu.
“Những thông tin như chạy trường, ép học sinh ký vào đơn để không được thi vào trường công lập, mong người dân trực tiếp phản ánh tới Sở GD - ĐT Hà Nội. Tôi sẽ là người trực tiếp xử lý tới cùng. Bởi tất cả học sinh đã tốt nghiệp THCS năm học 2013 - 2014 đều được quyền đăng ký thi vào lớp 10 trung học. Đó là quyền của các em”, ông Hoan khẳng định.
Lê Vân