GS Nguyễn Minh Thuyết: Nên giao cho Sở GD-ĐT tổ chức thi

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết (ảnh), nguyên Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XI, XII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, bỏ thi tốt nghiệp là một giải pháp tiêu cực, vì nó đồng nghĩa với thả nổi chất lượng giáo dục phổ thông.

 

´Nhiều ý kiến cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay không đánh giá đúng thực chất, vì vậy nên bỏ. GS nhìn nhận vấn đề này ra sao?


Kỳ thi tốt nghiệp THPT mang tính hình thức, đối phó và tốn kém, các địa phương chạy theo thành tích ảo là có thật. Nhưng không thể vì tổ chức kém thì bỏ đi được. Chúng ta cần phải nghĩ tới chất lượng của nguồn nhân lực tương lai. Bỏ thi có thể bớt việc, bớt tốn kém, nhưng sẽ như thế nào nếu những thế hệ học sinh sau này càng sa sút hơn? Trong khu vực và trên thế giới, cấu trúc giáo dục phổ thông mỗi nước khác nhau, nhưng tôi hiếm thấy nơi nào bỏ thi tốt nghiệp phổ thông. Một số nước đã bỏ thi tốt nghiệp THPT bây giờ lại cân nhắc khôi phục kỳ thi này. Kỳ thi tốt nghiệp THPT của ta tuy chưa thực chất, nhưng có thi ,nên học sinh vẫn phải học, các trường vẫn phải nỗ lực hướng dẫn ôn tập cho học sinh. Đây không chỉ là kỳ thi để đánh giá học sinh mà còn là một kênh quan trọng đánh giá chương trình, sách giáo khoa, giáo viên và việc tổ chức dạy học, chất lượng giáo dục. Chúng ta không nên bàn chuyện bỏ thi mà nên bàn xem đổi mới kỳ thi, cách đánh giá học sinh phổ thông như thế nào.

 

Có rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề bỏ hay không bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT.  Ảnh: Minh Quyết – TTXVN


´GS có thể phân tích thêm về tác động tiêu cực của việc bỏ thi tốt nghiệp THPT đến chất lượng nguồn nhân lực?


Theo tôi, nếu chỉ vì đánh giá thi cử thiếu nghiêm túc, tỉ lệ đỗ năm nào cũng tới 95-97%, mà bỏ thi tốt nghiệp, thì đó là một giải pháp tiêu cực, đồng nghĩa với thả nổi chất lượng giáo dục phổ thông. Vì vậy, cần duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT.


Ở bậc học phổ thông, trước đây chúng ta có kỳ thi tốt nghiệp tiểu học, rồi thi tốt nghiệp THCS, nhưng cả hai kỳ thi này đều đã được bỏ, thay vào đó là phương thức xét “công nhận hoàn thành chương trình tiểu học, THCS”. Việc giữ hay bỏ các kỳ thi này cũng từng có nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng nếu xem các kỳ thi cuối cấp là những cuộc “vượt rào” để học sinh phải nỗ lực học tập thì sau việc bỏ hai kỳ thi cuối cấp, giải pháp bỏ nốt kỳ thi tốt nghiệp THPT không khác nào dỡ nốt cái “rào” có tác dụng sàng lọc cuối cùng, mở thông đường suốt từ lớp 1 lên tới tận trình độ tiến sĩ. Bởi vì, bây giờ các trường đại học, cao đẳng mở ra vượt quá nhu cầu thực tế, nhiều trường sẵn sàng tuyển cả những thí sinh có mức điểm dưới điểm sàn. Học sinh không phải vượt rào, không có mục tiêu để cố gắng vượt lên trong bối cảnh chương trình và phương thức giáo dục, phương pháp dạy học còn có những bất cập như hiện nay thì chất lượng giáo dục chắc chắn sẽ suy giảm. Đây là điều đáng lo ngại cho chất lượng nguồn nhân lực.


Vậy theo GS, nếu tiếp tục duy trì thi tốt nghiệp THPT, chúng ta cần thay đổi như thế nào?


Tôi cho rằng Bộ GD-ĐT không nên đứng ra tổ chức thi nữa, mà giao cho các Sở GD-ĐT. Nên để mỗi địa phương tự đặt ra thời gian thi và đề thi khác nhau. Kết quả tốt nghiệp lúc đó không phải yếu tố để tỉnh này so với tỉnh kia, để tính điểm hoặc trừ điểm thi đua như thời gian vừa qua nữa, các địa phương sẽ chỉ còn một mục tiêu là phải làm thế nào để duy trì và nâng chất lượng giáo dục lên.


Đồng thời, Bộ phải tăng cường thanh tra, kiểm tra. Địa phương nào chất lượng giáo dục không cao mà tỷ lệ tốt nghiệp quá cao hoặc tỉ lệ tốt nghiệp cao, mà tỉ lệ đỗ ĐH thấp, thì phải thanh tra, sai thì kỉ luật. Nhìn vào gương đó, các địa phương khác sẽ phải rút kinh nghiệm.

 

´Nhiều ý kiến cho rằng chúng ta nên gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ vào làm một để giảm tải cho học sinh và tiết kiệm. Ý kiến của GS về đề xuất này như thế nào?


Kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ có 2 tính chất, 2 yêu cầu khác nhau: Một là kiểm tra kiến thức, kỹ năng, ai đạt mức trung bình là đỗ, không có chỉ tiêu lấy đỗ bao nhiêu; còn một là thi tuyển, chỉ tiêu có hạn, ai điểm cao hơn thì đỗ. Bởi vậy, không gộp 2 kỳ thi được. Vả lại, theo Luật Giáo dục đại học, các trường có quyền tự chủ. Rồi đây họ phải được quyền quyết định phương thức tuyển sinh. Sẽ có trường tiếp tục tổ chức thi tuyển, cũng sẽ có trường chỉ xét tuyển dựa trên kết quả học phổ thông. Nếu gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH làm một thì lúc đó giải quyết thế nào?


Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!


Thu Trang (thực hiện)

Có nên bỏ thi tốt nghiệp THPT? - Cần đổi mới cách dạy và học
Có nên bỏ thi tốt nghiệp THPT? - Cần đổi mới cách dạy và học

Nguyên thứ trưởng Bộ GD - ĐT, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, không nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, thay vào đó, nên từng bước thay đổi toàn diện từ cách đánh giá học sinh, cách dạy và chương trình học với tư duy "học để biết chứ không phải lấy bằng cấp".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN