Gieo niềm vui nơi đất cằn "khát" chữ


Quyết định đã gây "sốc" cho nhiều người. Gia đình và người yêu ra sức can ngăn và hứa, nếu Tuyết ở lại thành phố sẽ xin cho việc làm ổn định. Nhưng khát vọng gieo niềm vui nơi đất cằn "khát" chữ đã thôi thúc cô sinh viên 21 tuổi “dấn thân”.

Lớn lên tại TP Hạ Long, năm 2000, sau khi tốt nghiệp khoa Anh văn, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh, sinh viên Phạm Thị Ánh Tuyết đã xung phong lên công tác tại Ba Chẽ - huyện miền núi khó khăn nhất tỉnh Quảng Ninh, cách thành phố Hạ Long gần 100 cây số và có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Quyết định đã gây "sốc" cho nhiều người. Gia đình và người yêu ra sức can ngăn và hứa, nếu Tuyết ở lại thành phố sẽ xin cho việc làm ổn định. Nhưng khát vọng gieo niềm vui nơi đất cằn "khát" chữ đã thôi thúc cô sinh viên 21 tuổi “dấn thân”.

Cô giáo Phạm Thị Ánh Tuyết soạn giáo án giảng dạy. Ảnh: Đinh Mạnh Tú

Khi Tuyết về Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Ba Chẽ cũng là lúc cô nhận được lời chia tay của người yêu. Những ngày đầu ở trường nội trú thật là khó khăn, Tuyết phải tự lập hoàn toàn. Cô phải cùng học sinh trèo rừng, lội suối kiếm củi, tìm rau... để tự lo cuộc sống. Khổ nhất là vào mùa đông miền sơn cước, cái rét mang hơi lạnh của đá như cứa vào da thịt thấu tới xương. Có những đêm dưới ánh điện đỏ quạch ngồi soạn giáo án, nước mắt đã lăn dài trên gò má Tuyết. Nhưng cứ nghĩ đến những cặp mắt tròn xoe, hồn nhiên của học sinh dõi theo cô giáo giảng bài là Tuyết lại vơi nỗi buồn.

Năm đầu tiên, Tuyết được phân công làm chủ nhiệm lớp 9, do là trường nội trú nên trong lớp có khá nhiều học sinh “quá lứa lỡ thì”. Thấy cô giáo trẻ, một số học sinh đã tỏ ý không hợp tác, trêu chọc. Khó khăn là vậy, nhưng cô không chùn bước, bằng phương pháp sư phạm vững vàng, tâm huyết với nghề, Ánh Tuyết đã dần có chỗ đứng trong lòng học sinh. Không chỉ dạy chữ cho các em, Tuyết cùng nhiều thầy cô giáo ở trường còn giữ vai trò như cha, mẹ phải lo cả bữa ăn, giấc ngủ, hướng dẫn cách sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe cho các em...

Có đêm đang ngon giấc, bất ngờ có tiếng đập cửa thình thình, cùng với tiếng gọi khẩn thiết của học sinh, cô giáo Tuyết tung chăn, chạy về phía khu nội trú. Bàn Văn Phôi, học sinh lớp 9, người dân tộc Dao đang quằn quại trên giường. Phôi bị đau bụng, cô giáo Tuyết tìm lọ dầu gió, xoa vào bụng Phôi. Khi ấy Ánh Tuyết mới giật mình, đỏ bừng hết mặt, ngượng ngùng vì biết cậu học trò của mình đã gần 18 tuổi rồi, chỉ kém cô giáo có 3 tuổi.

Lần khác, khi đang tắm cho con gái mới 2 tuổi, học sinh đến gọi cô giáo vì một bạn bị chảy máu mồm do đũa chọc vào má, mà đám học sinh cùng phòng không biết cách nào cầm máu. Nghe vậy, Tuyết đặt con lên giường chạy đi sơ cứu cho cậu học sinh tinh nghịch.

Còn nhiều câu chuyện cảm động nữa, mà ẩn sâu trong đó là tình cảm của cô giáo Phạm Thị Ánh Tuyết dành cho học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Ba Chẽ, trong suốt chục năm qua.

Sau 10 năm công tác tại trường nội trú, cô giáo Tuyết đã khẳng định được chuyên môn của mình, có những cải tiến, đổi mới trong phương pháp dạy, cụ thể như: Tuyết yêu cầu học sinh mạnh dạn viết vào giấy, các em "mong muốn" cô giáo chủ nhiệm như thế nào rồi bỏ vào hòm kín. Qua lần thăm dò ý kiến đó, Tuyết đã có những điều chỉnh trong giảng dạy, hiệu quả hơn để các em cảm nhận được "mỗi ngày đến trường là một ngày vui". Những nỗ lực sáng tạo của Tuyết trong giảng dạy đã được cấp trên ghi nhận, nhiều năm liền Phạm Thị Ánh Tuyết được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp cơ sở. Năm 2005, Tuyết đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Mạnh Khánh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN