Giáo viên nơi thừa, nơi thiếu: Lỗi một phần do hệ thống văn bản tuyển dụng

Theo báo cáo của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, nguyên nhân của tình trạng nơi thừa, nơi thiếu giáo viên là một số quy định trong hệ thống văn bản tuyển dụng chưa phù hợp với thực tiễn; vấn đề phân cấp trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức ngành giáo dục cũng tạo ra nhiều bất cập, tiêu cực.

Hội nghị sơ kết học kỳ I các Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), do Bộ GD - ĐT tổ chức ngày 14/1, đã "nóng" về tình trạng nơi thừa nơi, thiếu giáo viên  các cấp học. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: NT

Quy định chưa phù hợp thực tiễn


Báo cáo của Cục nhà giáo và Cán bộ quản lý, Bộ GD - ĐT chỉ rõ: Công tác quy hoạch, tuyển dụng, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm đội ngũ được tăng cường và thực hiện khá tốt, nhiều địa phương đã có những phương án bố trí cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường học một cách linh hoạt để tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả biên chế, chế độ, chính sách cho nhà giáo được bảo đảm.


Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những bất cập trong đội ngũ như: Thi tuyển viên chức ngành giáo dục không bảo đảm đúng quy định. Thậm chí còn có dấu hiệu tiêu cực. Vấn đề ký hợp đồng và chấm dứt hợp đồng lao động với hàng loạt giáo viên; giáo viên đã được tuyển dụng nhưng đi làm một năm không được hưởng lương; vấn đề luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm; vấn đề đánh giá giáo viên... đã và đang gây nhiều bức xúc cho các thầy cô giáo và xã hội như ở Thanh Hóa, Nghệ An, Cà Mau.


Đặc biệt, tình trạng dôi dư, thiếu giáo viên xảy ra ở nhiều địa phương và có ở tất cả các cấp học mầm non, phổ thông. Một số tỉnh có số lượng dôi dư giáo viên cấp trung học cơ sở như: Thái Bình thừa 1.224 giáo viên, Phú Thọ: 1.191, Thanh Hóa: 2.188, Nghệ An: 1.742, Quảng Nam: 1.096; các tỉnh còn thiếu giáo viên mầm non như: Sơn La: 1.040, Bắc Giang: 1.921, Thái Bình: 1.500, Thanh Hóa: 1.405, Nghệ An: 3.328, TP.HCM: 1.195. Trong khi đó, một số nơi lại thiếu - đặc biệt là tiểu học như Hà Nội  thiếu 2.696, Sơn La:1.133, Gia Lai: 1.196...


Tính chung trong toàn quốc, tổng số giáo viên công lập dôi dư: 26.750 (trong đó, tiểu học: 3.194, trung học cơ sở: 21.005, trung học phổ thông: 2.551). Tổng số giáo viên công lập còn thiếu: 45.058 (trong đó, mầm non: 32.641, tiểu học: 7.824, trung học cơ sở: 2.799, trung học phổ thông: 1.794).


Nguyên nhân của nơi thừa, nơi thiếu giáo viên được ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, chỉ ra là hệ thống văn bản liên quan đến tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức về cơ bản là khá hoàn chỉnh, đồng bộ nhưng một số quy định trong tuyển dụng chưa phù hợp với thực tiễn; vấn đề phân cấp trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức ngành giáo dục cũng tạo ra nhiều bất cập, tiêu cực.


Ông Minh cho biết, việc điều động, luân chuyển công tác của viên chức giữa các trường còn gặp nhiều khó khăn do bố trí chuyên môn đào tạo chưa phù hợp với vị trí việc làm hoặc do chênh lệch về điều kiện kinh tế, xã hội, địa lý giữa xã đặc biệt khó khăn và các xã khác; nhiều địa phương ký hợp đồng với giáo viên một cách tràn lan, không đúng quy định, gây bức xúc trong dư luận xã hội; việc bố trí giáo viên dôi dư ở cấp học trung học cơ sở, trung học phổ thông xuống dạy cấp học mầm non, tiểu học mà chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn đúng với cấp học (điển hình như ở Thanh Hóa); trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, môn ngoại ngữ ở tiểu học chưa phải là môn học bắt buộc nên nhiều địa phương không bố trí biên chế, chỉ cho phép hợp đồng đối với giáo viên dạy ngoại ngữ (tiếng Anh).


Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục chưa hoàn thiện. Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên chủ yếu thực hiện nhiệm vụ đào tạo, chưa quan tâm đến nhiệm vụ bồi dưỡng; sự gắn kết giữa các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng với nhau chưa thực sự trở thành một mạng lưới thống nhất, chưa có sự phối hợp hiệu quả và trách nhiệm rõ ràng trong các hoạt động đào tạo và bồi dưỡng; chương trình, tài liệu, phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện, đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng chậm đổi mới, nội dung thực hành nghề, nghiệp vụ sư phạm chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đổi mới và thực tiễn giáo dục ở các địa phương; chưa đổi mới bồi dưỡng theo hướng hiện đại, tăng cường việc tự học, tự bồi dưỡng của người học theo tinh thần thường xuyên, liên tục, ngay tại chỗ và dựa trên nền tảng công nghệ thông tin.


Chất lượng giáo viên quyết định chất lượng giáo dục


Với những bất cập như trên thì học kỳ II năm học 2016- 2017, Cục Nhà giáo  Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cho biết, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức ngành Giáo dục như quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục; chế độ làm việc của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; các chuẩn nghề nghiệp giáo viên, giảng viên, chuẩn hiệu trưởng, cán bộ quản lý giáo dục các cấp.


Bộ GD - ĐT sẽ sử dụng các chuẩn để đánh giá và xây dựng kế hoạch bồi dưỡng những năng lực còn yếu, còn thiếu của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, gắn với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo và đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Làm tốt công tác quy hoạch đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục để chủ động trong công tác dự báo nguồn nhân lực ngành Giáo dục. Các trường sư phạm phối hợp chặt chẽ với các địa phương chủ động trong cân đối chỉ tiêu tuyển sinh và lộ trình đào tạo mới. Đồng thời, đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.


Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đốc thúc các lãnh đạo Sở cần quan tâm sâu đến đội ngũ giáo viên. Bộ trưởng cho biết, hiện nay Bộ đang chỉ đạo xây dựng chuẩn giáo viên và quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, gắn kết các trường sư phạm với các Sở GD- ĐT thành một chuỗi các trường sư phạm. Do đó, chương trình đào tạo sư phạm các cấp tiến tới một chương trình thống nhất và đạt chuẩn.


Muốn vậy, Bộ sẽ mời các giáo sư, các thầy cô giáo có kinh nghiệm chuẩn bị, phản biện để xây dựng chương trình chuẩn gắn với chương trình sách giáo khoa mới để áp dụng trong toàn quốc. Các trường sư phạm phải bám vào chương trình này để xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại sinh viên, đội ngũ giáo viên. Đặc biệt, Bộ GD - ĐT chỉ giao một số trường có uy tín, chất lượng, tránh tình trạng có một số trường hiện nay không có chức năng sư phạm nhưng mở thêm khoa đào tạo giáo viên.


Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, chất lượng giáo viên quyết định chất lượng giáo dục. Do đó, Bộ sẽ có lộ trình thích hợp gắn với chuyển đổi chương trình, sách giáo khoa mới. Từ đó các địa phương sẽ có kế hoạch đầu tư điều kiện trường lớp, thiết bị kèm theo. Thực tế, ngân sách trung ương có hạn nên phải đặt vấn đề chia sẻ đầu tư về phía địa phương và xã hội hóa. Tăng cường đầu tư theo hướng bài bản, tập trung nhiều cho vùng khó khăn. Đối với các trường chuyên, trường trọng điểm sẽ kêu gọi đầu tư xã hội hóa.


Bộ trưởng Nhạ cũng cho biết,  năm 2017, Bộ sẽ đặt trọng tâm bồi dưỡng cán bộ quản lý. Trước hết là cấp giám đốc sở và phó giám đốc sở. "Học việc quản lý giáo dục cần nhanh chóng xây dựng các chương trình chuẩn. Trước mắt có các lớp bồi dưỡng, cung cấp thông tin dưới dạng cung cấp thông tin, nắm bắt tình hình, kỹ năng điều hành cho các thầy cô đứng đầu ngành giáo dục địa phương. Khi đội ngũ quản lý được quan tâm bồi dưỡng được tiếp cận với những thông tin, kinh nghiệm quản lý, hiệu quả điều hành sẽ cao hơn", Bộ trưởng chỉ đạo.


“Làm sao trong quá trình thực hiện nhất quán, càng ngày càng đi vào chiều sâu, tránh tình trạng nhiều nhiệm vụ nhưng dàn trải. Các sở căn cứ vào nội dung công việc có kế hoạch triển khai. Tổng kết năm học các sở dành thời gian để kiểm điểm thực hiện chỉ thị năm học và kết luận của Bộ trưởng. Từ đó phải có báo cáo ngắn gọn, tồn tại, phương hướng khắc phục. Căn cứ vào báo cáo này Bộ sẽ bình xét thi đua”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.


Lê Vân
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Ngành giáo dục sẽ lắng nghe, đổi mới và hành động
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Ngành giáo dục sẽ lắng nghe, đổi mới và hành động

Năm 2016 khép lại với nhiều kết quả đáng ghi nhận của ngành giáo dục trong quá trình triển khai đổi mới căn bản và toàn diện, bên cạnh đó cũng còn nhiều trăn trở. Nhân dịp năm mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã chia sẻ với báo chí những dự định của ngành trong năm 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN