Giáo dục Cần Thơ đẩy mạnh mô hình 'đào tạo theo đơn đặt hàng'- Bài 1: Nhận diện các trở lực

Giáo dục Cần Thơ nói chung, bậc học đại học nói riêng, đang có sự đổi mới mạnh mẽ cả về cơ sở vật chất và chất lượng nguồn nhân lực nhằm nâng cao chuẩn đầu ra, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội và xóa bỏ định kiến “Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trũng về giáo dục”. Một trong những giải pháp các trung tâm đào tạo bậc đại học tại Cần Thơ đang triển khai đó là đẩy mạnh mô hình "đào tạo theo đơn đặt hàng". 

Chú thích ảnh
Giờ thực hành của sinh viên Đa khoa năm thứ hai, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Ảnh minh họa: Quý Trung/TTXVN

Bài 1: Nhận diện các trở lực

Theo số liệu báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Cần Thơ, trong 6 tháng đầu năm 2020, cung - cầu lao động không có điểm chung. Thể hiện rõ nét nhất ở trình độ đại học, tỷ trọng cung lao động là 60,73%, trong khi cầu lao động ở trình độ này chỉ có 20,58%; trình độ cao đẳng có tỷ trọng cung lao động là 26,87%, trong khi cầu lao động ở trình độ này chỉ có 15,16%. Qua đó cho thấy, tình trạng cung vượt quá cầu làm cho áp lực cạnh tranh tăng cao, tỷ trọng thất nghiệp của người lao động ở 2 trình độ này tăng cao.

Cung – cầu chưa gặp nhau

Ngược lại, ở trình độ trung cấp và lao động phổ thông, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp cao nhưng lại khó tuyển đủ lao động. Cụ thể, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp ở trình độ trung cấp là 29,77% trong khi nguồn cung lao động chỉ đáp ứng được 8,67%; ở trình độ phổ thông, nhu cầu tuyển dụng là 29,10% trong khi nguồn cung lao động chỉ đáp ứng được 2,07%.

Các doanh nghiệp tuyển dụng nhiều nhất hoạt động ở các lĩnh vực: bán buôn và bán lẻ, chiếm 19,02% tổng nhu cầu tuyển dụng ở tất cả các nhóm ngành kinh tế; công nghiệp chế biến, chế tạo; thông tin và truyền thông; dịch vụ lưu trú và ăn uống; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; xây dựng… Các nhóm nghề có nhu cầu tuyển dụng cao trong 6 tháng đầu năm 2019 bao gồm: kinh doanh và quản lý (19,85%), công nghệ thông tin và truyền thông (12,16%), lao động giản đơn (11,83%), khoa học và kỹ thuật (10,81%), bán hàng (9,48%), dịch vụ khách hàng (7,7%)…

Trong khi đó, nhóm lao động có nhu cầu tìm việc cao nhất trong 6 tháng đầu năm 2019 là kinh doanh và quản lý (44,31%), khoa học và kỹ thuật (14,00%), dịch vụ khách hàng (11,63%), nhân viên tổng hợp (8,75%), công nghệ thông tin và truyền thông (6,01%), luật pháp, văn hóa và xã hội (4,95%)… Tỷ trọng người tìm việc đã qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ tăng lên, đặc biệt là ở các trình độ trung cấp và đại học. Cụ thể, chỉ số cung nhân lực theo trình độ trong 6 tháng đầu năm 2019 là: trên đại học (0,37%), đại học (60,37%), cao đẳng (26,87%), trung cấp (8,67%), sơ cấp (1,28%), lao động phổ thông (2,07%).

Mô hình “đào tạo theo đơn đặt hàng”

Ở loại hình đào tạo công, không thể không nhắc đến Trường Đại học Cần Thơ với 54 năm hình thành và phát triển, hiện là một trong những trường hàng đầu về chất lượng đào tạo của Việt Nam, nằm trong nhóm mạnh về nghiên cứu khoa học của khu vực châu Á – Thái Bình Dương với 98 chương trình đào tạo bậc đại học, gần 50.000 sinh viên đang theo học tại trường. Đây là nguồn nhân lực chính cung cấp cho thị trường lao động khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Ở loại hình đào tạo tư, Trường Đại học Nam Cần Thơ đang dần vươn lên khẳng định vị thế sau hơn 7 năm xây dựng và phát triển. Năm 2018, trường chính thức được Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trao Giấy chứng nhận đạt Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục. Năm 2019, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục cho 4 chương trình đào tạo bậc đại học chính quy của trường. Hiện trường đào tạo 28 chuyên ngành bậc đại học chính quy, với hơn 12.000 sinh viên đang theo học.

Theo khảo sát năm 2019, hơn 90% sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp từ hai trường đào tạo trên, nhiều người trong số đó được các nhà tuyển dụng “đặt chỗ” ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Theo lãnh đạo các trường, đây là kết quả của việc triển khai đúng hướng mô hình “đào tạo theo đơn đặt hàng”.

Giáo sư Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho biết: Nhà trường đào tạo học viên ra mà không tìm được việc làm sẽ gây ảnh hưởng uy tín của trường, doanh nghiệp không tìm kiếm được ứng viên hoặc phải đào tạo lại sau tuyển dụng sẽ gây lãng phí thời gian và tiền bạc, ứng viên không tìm được công việc phù hợp sẽ gây ra nhiều hệ lụy xã hội. Để giảm thiểu tình trạng này, những năm qua, Đại học Cần Thơ đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ và đối thoại với các doanh nghiệp tuyển dụng; trên cơ sở đó nhận diện các điểm còn hạn chế của các bên khiến “cung” và “cầu” chưa gặp nhau.

Nguyên nhân của sự “lệch pha” giữa đơn vị đào tạo và nhà tuyển dụng là do từ trước đến nay, các trung tâm đào tạo chỉ chú trọng nâng cao chất lượng các ngành “truyền thống” của trường, coi nhẹ công tác điều tra nhu cầu nguồn lao động của thị trường. Bên cạnh đó, công tác tư vấn hướng nghiệp chưa sâu sát và các định kiến xã hội cũng là những tác nhân gây ra tình trạng trường đào tạo ra chuyên ngành xã hội không thiếu, chuyên ngành các doanh nghiệp đang cần lại không được trường đưa vào chương trình đào tạo. Về phía doanh nghiệp, chưa “xắn tay” vào cùng đơn vị đào tạo đưa ra lộ trình đào tạo – tuyển dụng, chưa coi tuyển dụng của doanh nghiệp cần gắn chặt với tuyển sinh của nhà trường, trong đó nhấn mạnh đến trách nhiệm và lợi ích của doanh nghiệp khi hỗ trợ điều kiện thực tập và cam kết tiếp nhận học viên sau khi ra trường.

Đồng quan điểm trên, Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, nhận định: Công tác hướng nghiệp hiện chỉ tập trung cung cấp thông tin cho học sinh bậc Trung học phổ thông về các ngành đào tạo hiện có ở bậc đại học của trường, thay vì nắm rõ sở trường, sở thích của học sinh để tư vấn đúng ngành. Bên cạnh đó, phụ huynh vẫn còn nặng tâm lý chọn các ngành “hot” bắt con học, thay vì nhìn nhận đúng năng lực và đam mê của con, khiến nhiều sinh viên phải bỏ dở việc học hoặc phải chọn lại ngành và bắt đầu lại từ đầu, gây tốn thời gian và tiền bạc. Nguy hại hơn, nhóm sinh viên này khi ra trường phải đối diện với thực trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, “thừa cung, thiếu cầu”, phải chấp nhận công việc trái ngành hoặc mức lương không như mong muốn. Ngoài ra, “sức ỳ” của chính bản thân các sinh viên cũng là một trở lực. Nhóm các sinh viên khó tìm được việc làm thường có những điểm chung như: Thụ động, ngại giao tiếp, yếu công nghệ thông tin và ngoại ngữ, thiếu các kỹ năng mềm…

Chính những bất cập trên khiến các đơn vị đào tạo, các nhà quản lý giáo dục phải suy nghĩ tìm con đường cho ngành giáo dục bậc đại học khởi sắc. Cơ sở nền tảng của sự chuyển động này là gắn chặt nội dung đào tạo với nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Mô hình “đào tạo theo đơn đặt hàng” đang chứng minh là một bước đi đúng đắn.

Bài 2: Biện pháp tháo gỡ 

Ánh Tuyết (TTXVN)
Đào tạo nguồn nhân lực xây dựng đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Đào tạo nguồn nhân lực xây dựng đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 21/5, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN