Hình thành liên kết Trung tâm đào tạo – doanh nghiệp
Giáo sư Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho biết, với mô hình này, cả 3 chủ thể đều hưởng lợi: Về phía nhà trường sẽ nhận được sự hỗ trợ máy móc, thiết bị thực tập, chuyên gia hướng dẫn sử dụng máy, môi trường thực tập, cam kết tiếp nhận sinh viên sau tốt nghiệp của doanh nghiệp về. Về phần doanh nghiệp, đảm bảo tuyển dụng nhân sự theo đúng nhu cầu, giảm tình trạng “tái đào tạo” sau tuyển dụng. Đối với sinh viên, được gia tăng cơ hội thực tập, cọ xát thực tế, an tâm về nơi làm việc sau tốt nghiệp thay vì phải mất thời gian đi xin việc.
Nhờ vậy, trong những năm qua, Đại học Cần Thơ đã huy động nhiều nguồn lực, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp có ký kết hợp tác đào tạo với trường để nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Trường đã ký kết hợp tác với các đối tác lớn như: Công ty THACO, Tập đoàn Vingroup… Dự kiến trong năm 2021, công trình tòa nhà công nghệ cao, kinh phí xây dựng 400 tỷ đồng cùng với trang thiết bị trong các phòng thí nghiệm trị giá 100 tỷ đồng sẽ được đưa vào hoạt động. Đây là cơ sở nền tảng vững chắc để các bên phát huy lợi thế của mình, cũng như gặt hái được những kết quả như kỳ vọng.
Mới đây, trong tháng 5/2020, Trường Đại học Cần Thơ đã triển khai ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về việc liên kết, hợp tác đào tạo, thực hiện đề tài, dự án khoa học và công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu giai đoạn 2020-2025 với Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau và Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ NHONHO. Mục tiêu ký kết nhằm tận dụng nguồn lực của hai bên góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Giáo sư Hà Thanh Toàn cho biết thêm, Đại học Cần Thơ hiện có trên 200 biên bản ghi nhớ hợp tác quốc tế và hàng ngàn biên bản hợp tác với các doanh nghiệp trong nước. Trường có hơn 60 dự án quốc tế đang vận hành với tổng số tiền hơn 2 triệu USD.
Còn tại Trường Đại học Nam Cần Thơ, mô hình “đào tạo theo đơn đặt hàng” cũng được đẩy mạnh triển khai. Bên cạnh việc ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác song phương với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng như: Tập đoàn TaTa International, Tập đoàn ISUZU, Tập đoàn Vingroup, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Quân y 121, Dược Hậu Giang, HDBank, Misa, FPT, Trung tâm Dịch vụ việc làm Cần Thơ…, nhà trường còn phát triển mô hình “doanh nghiệp trong trường học” như: Tập đoàn Nam miền Nam, Bệnh viện Đa khoa Nam Cần Thơ, Công ty Thương mại Nam Cần Thơ DNC…
Với sự cộng tác của các doanh nghiệp này, nhà trường đã xây dựng khá nhiều công trình chất lượng, vừa đưa vào khai thác vừa là nơi để sinh viên thực tập, học đi đôi với hành, đồng thời có thể ở lại làm việc sau khi tốt nghiệp. Hiện Trường Đại học Nam Cần Thơ là trường tư thục sở hữu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hàng đầu tại Đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống resort, nhà nghỉ cao cấp cho cán bộ, bệnh viện, xưởng nghiên cứu chế tạo ô tô năng lượng mặt trời, hồ bơi, sân tennis…
Kết quả đạt được từ các mô hình
Ngày 9/6, Trường Đại học Nam Cần Thơ tổ chức khánh thành Khu thực hành đa chức năng và Viện Nghiên cứu - Phát triển dược liệu với quy mô 7 tầng, rộng hơn 18.000 m2, tổng mức đầu tư hơn 200 tỉ đồng, với các thiết bị tiên tiến, hệ thống phòng họp trực tuyến theo chuẩn quốc tế và 2 hội trường 400 chỗ. Công trình phục vụ nhu cầu thực hành, thực tập cho sinh viên hoàn thiện kỹ năng, nâng cao tay nghề sau khi tốt nghiệp, đồng thời hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học của nhà trường.
Trong khi đó, Viện Nghiên cứu - Phát triển dược liệu sẽ phục vụ hoạt động học tập, đào tạo và nghiên cứu khoa học chuyên ngành về sức khỏe. Đây cũng là nơi nghiên cứu khoa học và sản xuất các sản phẩm dược liệu hỗ trợ phòng trị bệnh cho người dân. Viện được đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại của các nước tiên tiến với kinh phí hơn 50 tỉ đồng. Hiện Viện này đã cho ra đời 3 sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh gout, bảo vệ gan và nước rửa tay kháng khuẩn, đã được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) công nhận. Trong kế hoạch, Viện tiếp tục nghiên cứu, cho ra mắt sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường, tim mạch và các sản phẩm tăng lực từ dược liệu.
Đánh giá về mô hình “đào tạo theo đơn đặt hàng” và “doanh nghiệp trong trường học, Giáo sư Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho biết: Mô hình này sẽ góp phần đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm cho sinh viên ngay từ năm thứ nhất cho đến khi tốt nghiệp ra trường, giúp sinh viên thực sự quen với môi trường làm việc của doanh nghiệp; đồng thời có thể tham gia làm việc như một nhân viên chính thức ngay sau khi tốt nghiệp.
Về phía doanh nghiệp sẽ chủ động được nguồn nhân lực, giảm thiểu các chi phí tái đào tạo sau tuyển dụng, hơn nữa còn xây dựng được văn hóa doanh nghiệp tốt hơn khi quyết định đầu tư vào giáo dục, hỗ trợ nhân viên ngay từ khi còn là sinh viên. Khi hai chủ thể là đơn vị đào tạo và doanh nghiệp hưởng lợi, đồng nghĩa với cộng đồng xã hội cũng sẽ được hưởng lợi từ việc giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp, gia tăng thu nhập cho người lao động…
Đối với vấn đề trở lực về “sức ỳ” của sinh viên, hầu hết các trường đại học trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã chú trọng triển khai nhiều chương trình giao lưu, trải nghiệm thực tế. Song song đó, mở các lớp đào tạo kỹ năng chuẩn đầu ra về tin học và ngoại ngữ, bồi dưỡng các kỹ năng đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội như: kỹ năng chuyên môn đáp ứng cho từng loại công việc, kỹ năng ứng dụng khoa học công nghệ trong công việc, kỹ năng giải quyết vấn đề, giao tiếp, kỹ năng viết, kỹ năng làm việc độc lập, làm việc tập thể...
Chú trọng công tác hướng nghiệp
Mô hình “đào tạo theo đơn đặt hàng” không chỉ phát huy ưu điểm ở bậc đại học, mà còn ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Do đó, công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh cuối cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông rất quan trọng. Cần truyền thông để nâng cao nhận thức xã hội, rằng vào đại học không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp; thay vào đó học sinh có thể chọn con đường học nghề, trở thành thợ vững tay nghề, nhất là những nghề đang có nhu cầu tuyển dụng cao.
Theo thống kê từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ, trên địa bàn hiện có 90 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 31 cơ sở công lập, 59 cơ sở ngoài công lập gồm: 10 trường cao đẳng (3 phân hiệu); 14 trường trung cấp (1 phân hiệu); 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên quận, huyện; 13 trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục; 43 cơ sở dạy nghề của doanh nghiệp. Mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục được củng cố, tăng cường đầu tư và phát triển, đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động. Các ngành, nghề có kết quả tuyển sinh cao tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực ngành, nghề phổ biến, có nhu cầu sử dụng lao động cao trong xã hội như: các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, công nghệ thông tin; du lịch, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn....
Thống kê đến cuối năm 2019, toàn thành phố có 45 mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm đạt hiệu quả. Tỷ lệ giải quyết việc làm cho lao động sau khi học nghề đạt 82%. Mục tiêu trong năm 2020, Cần Thơ sẽ tổ chức đào tạo nghề cho 4.500 người. Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề tăng lên 85%.