Giảm tải chương trình học: Phải đi đôi với đổi mới phương pháp dạy và học

Bắt đầu từ năm học 2011 – 2012, Bộ GD & ĐT sẽ thực hiện giảm tải chương trình sách giáo khoa ở tất cả các cấp. Việc giảm tải chương trình lần này nhằm nâng cao chất lượng dạy học, phù hợp với mục tiêu giáo dục và điều kiện thực tế.

Trong những năm qua, chương trình học ở các cấp từ tiểu học đến THPT được cho là quá tải. Nhiều giáo viên cho rằng: Việc giảm tải dung lượng kiến thức là rất cần thiết vì chương trình hiện nay quá nặng.

Cô Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng trường THPT Gia Định (Bình Thạnh - TP Hồ Chí Minh) cho biết: Với chương trình học hiện nay học sinh vẫn có được những giờ thực hành nhưng rất ít. Đồng thời, dung lượng kiến thức của các bài khá nhiều dẫn đến việc áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực hơn khó thực hiện theo tiêu chí vừa đảm bảo nội dung và đáp ứng về phương pháp.

Một phụ huynh có con đang học trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) tỏ vẻ băn khoăn: Với chương trình cũ, con tôi còn phải đi học thêm mới có thể thi vào đại học. Còn nếu giảm tải lượng kiến thức như hiện nay từ 20 - 30%thì liệu học sinh có thể thi đậu đại học?

Giảm tải chương trình đi đôi với đổi mới phương pháp dạy và học.


Theo cô Diễm Trang, Hiệu phó trường THPT Gia Định, việc điều chỉnh chương trình theo hướng giảm tải có ảnh hưởng tới kết quả thi đại học hay không còn tùy thuộc vào một số yếu tố sau: Nội dung chương trình được giảm tải chủ yếu tập trung ở các sách cơ bản chuẩn, không thay đổi đối với sách nâng cao của tất cả các bộ môn. Do đó, nếu đề thi đại học - cao đẳng có sự phân hóa tốt về cơ cấu điểm giữa phần chung (bắt buộc) giao thoa của cả hai bộ sách (tính theo nội dung đã được điều chỉnh), và phần riêng (tự chọn) của từng bộ sách sao cho học sinh học sách cơ bản chuẩn vẫn có thể đạt điểm cao, đồng thời sẽ giảm áp lực cho thầy và trò phải chạy chương trình đối phó với kỳ thi quan trọng bậc nhất này. Ngược lại, nếu đề thi đại học - cao đẳng không đáp ứng được yêu cầu này, thì tình trạng điểm số của các thí sinh vẫn sẽ không được cải thiện, và tình trạng học thêm có nguy cơ thêm trầm trọng.

Tuy nhiên, khá nhiều trường hiện nay đang chọn môn nâng cao tự chọn là các môn của kỳ thi đại học - cao đẳng, mong có thể đáp ứng tốt hơn yêu cầu của kỳ thi nói trên. Chương trình nâng cao lại không nằm trong kế hoạch giảm tải hiện nay, dù vẫn có khá nhiều bất cập. Vì vậy, áp lực dạy và học vẫn tiếp tục đè nặng lên thầy và trò.

Triển khai đổi mới phương pháp dạy và học

Từ đầu tháng 9/2011, Sở GD &ĐT TP Hồ Chí Minh có công văn gửi các cơ sở giáo dục chỉ đạo về việc thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học theo tài liệu hướng dẫn của Bộ GD& ĐT. Trong đó, Sở đã nhấn mạnh mục đích của việc điều chỉnh chương trình lần này nhằm giảm số lượng kiến thức chưa hợp lý, quá tầm. để giáo viên có đủ thời gian đào sâu giảng dạy các nội dung còn lại bằng các phương pháp tích cực hơn chứ không dùng nội dung khó khác thay thế trong giảng dạy và kiểm tra đánh giá.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD & ĐT TP.Hồ Chí Minh nhìn nhận: Việc điều chỉnh chương trình lần này là cần thiết, bởi nó phù hợp với tình hình thực tế giúp học sinh và giáo viên có thời gian đổi mới phương pháp dạy và học.

Cô Phương Thảo, giáo viên trường tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh) cho biết: Từ khi nhận được văn bản của Sở GD& ĐT, trường đã và đang tìm kiếm những phương pháp dạy học mới nhằm giúp các em tiếp thu bài vở một cách sinh động hơn. Vừa qua, trường đã trang bị thiết bị dạy học bằng hệ thống bảng tương tác. Loại công cụ dạy học này sẽ giúp giáo viên nâng cao sức sáng tạo, các ý tưởng sư phạm vào bài giảng của mình bằng các hình ảnh, âm thanh, phim ảnh, thí nghiệm ảo... điều này dễ dàng thu hút sự chú ý của học sinh, đồng thời xây dựng một môi trường học tập thân thiện và tích cực

Cô Diễm Trang, Hiệu phó trường THPT Gia Định cũng cho biết: Trường đã yêu cầu từng tổ bộ môn cử giáo viên có kinh nghiệm bàn bạc để đối chiếu với yêu cầu chuẩn kiến thức, cũng như với tình hình của các nhóm đối tượng học sinh tại trường để ra được những hướng dẫn cụ thể cho các thành viên trong tổ như: thời gian còn dư nhờ cắt giảm nội dung sẽ dành cho các nội dung trọng điểm nào, yêu cầu cho các nhóm đối tượng học sinh cụ thể sao cho phù hợp với tình hình thực tế... Bên cạnh đó, nhà trường cũng khuyến khích các giáo viên có kinh nghiệm tiến hành dạy tốt với những bài có yêu cầu cắt giảm để các thành viên cùng học tập, rút kinh nghiệm. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy đã được nhà trường khuyến khích và tạo điều kiện cho các thầy cô trong thời gian qua.

Bài và ảnh: Đan Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN