Dự kiến có nhiều phương án thi tốt nghiệp THPT khi trên 400 thí sinh là F0, F1

Sáng 27/5, Hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cùng các điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố. Với trên 400 thí sinh diện F0, F1 nên dự kiến kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 sẽ có nhiều phương án tổ chức.  

Kỳ thi diễn ra như dự kiến, đảm bảo an toàn trong dịch bệnh  

Theo số liệu thống kê, đến hết ngày 26/5, toàn quốc hiện có 18 F0 là học sinh lớp 12 và  394 em là F1, tập trung chủ yếu ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam và Điện Biên.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) khẳng định, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 vẫn diễn ra như dự kiến trên cơ sở rút kinh nghiệm kỳ thi năm ngoái đã tổ chức thành công khi dịch COVID-19 bùng phát tại Đà Nẵng.  

Chú thích ảnh
Quang cảnh tại điểm cầu Hà Nội.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức từ ngày 6-9/7/2021. Đề thi tham khảo của 15 môn thi đã được công bố vào ngày 31/3/2021, giúp các nhà trường, giáo viên, học sinh có định hướng phù hợp trong dạy, học, ôn tập để chuẩn bị tham gia kỳ thi. Ngân hàng câu hỏi thi được chuẩn bị bảo đảm yêu cầu, quy trình và số lượng phục vụ công tác đề thi để tổ chức kỳ thi.

Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các Sở GD&ĐT tổ chức cho thí sinh đăng ký dự thi, từ ngày 27/4 đến ngày 11/5/2021. Công tác đăng ký dự thi được triển khai thuận lợi, bảo đảm tiến độ.

Bộ đang tiếp tục phối hợp với các địa phương để kịp thời hỗ trợ các vấn đề phát sinh (nếu có) nhằm bảo đảm quyền lợi cho thí sinh Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các địa phương có kịch bản tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trong điều kiện dịch COVID-19; đồng thời rà soát, phân loại học sinh có liên quan đến dịch bệnh.  

Các trường hợp thí sinh diện F0 được đặc cách tốt nghiệp, được xếp vào diện thí sinh chịu ảnh hưởng bởi điều kiện bất khả kháng, không dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được. Các thí sinh diện F1 sẽ được các địa phương bố trí điểm thi riêng.  

Nếu điểm thi cách xa khu cách ly và phải di chuyển bằng ô tô thì các địa phương cần có biện pháp để tránh lây nhiễm chéo.  

Đối với thí sinh diện F2, phương án mà Bộ GD&ĐT đưa ra là bố trí phòng thi hoặc điểm thi riêng.

Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương đảm bảo việc tiến hành phun khử khuẩn phòng thi, đảm bảo các yêu cầu về 5K, các bàn trong phòng thi được đảm bảo giãn cách tối đa. Trong mỗi một điểm thi, yêu cầu có cán bộ trực y tế...

“Hai năm liền ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên học sinh lớp 12 năm nay gặp nhiều khó khăn trong việc học tập và ôn luyện. Do đó, các nhà trường, giáo viên cần lưu ý kỹ các thí sinh về quy chế thi, đặc biệt những vật dụng không được phép mang vào phòng thi để tránh những vi phạm không đáng có”, ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh.

Bài học của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cho thấy, khi một vài cán bộ coi thi vẫn mắc lỗi, dẫn đến phải sử dụng đến các buổi thi dự phòng. Để hạn chế việc này, năm nay, Bộ GD&ĐT đã gửi đến các địa phương danh mục các đầu việc trong quá trình coi thi để các cán bộ coi thi lưu ý không mắc lỗi.

Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương tiến hành việc rà soát về nguồn lực con người bao gồm khâu in sao, vận chuyển đề thi, chấm thi, đặc biệt là chấm thi tự luận, báo cáo ban chỉ đạo thi để có chuẩn bị tốt nhất.  

Huy động thêm thanh tra của các trường sức khoẻ, công an, quân đội  

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị một kịch bản đầy đủ, bao gồm báo cáo tổng quát kèm theo một bản công việc cụ thể. Tới đây, thanh tra Bộ sẽ chủ trì triển khai các đợt tập huấn về công tác thanh tra. Chúng tôi đã gửi các địa phương toàn bộ infographic và các tiêu chí phòng thi.

Ông Nguyễn Đức Cường, Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT nhấn mạnh việc phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Bộ GD&ĐT UBND cấp tỉnh, Sở GD&ĐT cùng cơ sở giáo dục đại học trong hoạt động thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT để thực hiện thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu của công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điều này nhằm tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, đảm bảo đúng pháp luật.

Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức thanh tra đột xuất đến tất cả những địa phương, những vùng, những khâu có vấn đề. Đồng thời, Bộ cũng phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ triển khai công tác thanh tra, kiểm tra công tác thi tốt nghiệp THPT. Thanh tra Chính phủ cử lãnh đạo tham gia Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và có văn bản hướng dẫn Thanh tra các tỉnh.

Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT chủ động xây dựng phương án thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2021 của địa phương bám sát kế hoạch tổ chức kỳ thi của Bộ, chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT cấp tỉnh; có phương án ứng phó với tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Được biết, đội ngũ thanh tra năm nay sẽ kế thừa và sử dụng dụng tối đa đội ngũ cán bộ, công chức, giảng viên, cộng tác viên thanh tra giáo dục đã tham gia tập huấn, đã đi thanh tra, kiểm tra năm 2020. Lực lượng thanh tra năm 2021 sẽ huy động thêm lực lượng của các trường khối ngành sức khỏe, các trường công an, quân đội điều động vào vùng, điểm thi có dịch, nguy cơ cao, có thí sinh diện F1 hoặc F2.

Bài, ảnh: Lê Vân/Báo Tin tức
Tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh đề xuất thi tốt nghiệp THPT làm nhiều đợt
Tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh đề xuất thi tốt nghiệp THPT làm nhiều đợt

Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hai địa phương Bắc Giang và Bắc Ninh vừa có đề xuất gửi tới Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc cho phép tổ chức thi tốt nghiệp THPT làm nhiều đợt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN