Hình thành hệ sinh thái chuyển đổi số
Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định, giáo dục là một trong những lĩnh vực cần được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, để chuyển đổi số thành công cần có chiến lược chuyển đổi số đúng đắn, dẫn dắt sự phát triển của hệ sinh thái công nghệ với các nền tảng số phục vụ hiệu quả hoạt động giáo dục.
Hiện nay, ngành Giáo dục và Đào tạo các địa phương vùng Đông Nam Bộ cơ bản hình thành một hệ sinh thái chuyển đổi số. Hệ sinh thái này gồm đầy đủ các thành tố: Nền tảng quản trị dữ liệu toàn ngành với trục liên thông dữ liệu, các bộ giải pháp chuyển đổi số, giải pháp khai thác dữ liệu toàn ngành phục vụ cải cách hành chính; các chính sách về đội ngũ.
Tại TP Hồ Chí Minh, công tác xây dựng và chuẩn hóa dữ liệu của ngành Giáo dục và Đào tạo được chú trọng thực hiện. Sở Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thiện trục cơ sở dữ liệu ngành tạo tính liên thông, liên kết. Việc khai thác dữ liệu số được ứng dụng để thực hiện các hoạt động chuyển đổi số của ngành, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chất lượng hoạt động giáo dục. Cùng với xây dựng, khai thác dữ liệu số, việc phát triển học liệu số hướng tới khai thác, chia sẻ dùng chung giúp giáo viên không chỉ trong nội bộ một địa phương mà còn chia sẻ với các tỉnh, thành phố trong vùng.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, thực hiện chuyển đổi số, từ các dữ liệu gốc, trong tuyển sinh đầu cấp, ngành sử dụng các dữ liệu, tạo thuận lợi để phụ huynh không cần nộp hồ sơ giấy, không cần khai báo dữ liệu đã có sẵn. Hay khi học sinh chuyển trường, toàn bộ thông tin, dữ liệu học tập của học sinh được khai thác từ cơ sở dữ liệu ngành, đảm bảo trong suốt quy trình, phụ huynh không cần nộp, bổ sung hồ sơ. Hiện nay, cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố đang được quản lý với 2.423/2.423 đơn vị, cơ sở giáo dục Mầm non, giáo dục Phổ thông và giáo dục thường xuyên được cấp tài khoản quản lý trực tuyến. Đồng thời, 100% các cơ sở giáo dục ngắn hạn, trung tâm giáo dục kỹ năng sống, trung tâm ngoại ngữ, văn phòng đại diện và các trung tâm tư vấn du học được cấp tài khoản quản lý trực tuyến trên hệ thống có sở dữ liệu ngành.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, hiện 100% các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh đều trang bị ít nhất một nền tảng để tổ chức dạy và học trực tuyến. Năm 2024, Đồng Nai đề ra mục tiêu có 40% cơ sở giáo dục từ Tiểu học đến Trung học Phổ thông hoàn thiện mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số. Cũng trong năm nay, tỉnh hoàn thành triển khai thí điểm Trường học số dựa trên nền tảng Google tại hai thành phố Biên Hòa và Long Khánh. Tỉnh xây dựng và đưa vào vận hành trục cơ sở dữ liệu của ngành Giáo dục và Đào tạo, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chuyển đổi, để đến năm 2025, Đồng Nai nằm trong top 10 về thứ hạng chỉ số chuyển đối số trong cả nước.
Đồng bộ các giải pháp
Đề cập công tác chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục và đào tạo ở vùng Đông Nam Bộ, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức khẳng định, Đông Nam Bộ có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Nghị quyết 24/NQ-TW của Bộ Chính trị xác định Đông Nam Bộ phải là vùng phát triển năng động, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á, giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển với các vùng kinh tế khác.
Vì vậy, chuyển đổi số là một trong những lĩnh vực TP Hồ Chí Minh cùng các địa phương tập trung phát triển. Hiện, hạ tầng số của ngành Giáo dục và Đào tạo có những bước phát triển rõ nét. Tuy nhiên, chuyển đổi số không chỉ là vấn đề của công nghệ mà cần thực hiện đồng bộ các giải pháp bởi công nghệ chỉ là một công cụ, con người và ý thức là quan trọng nhất.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, thực hiện chuyển đổi số đối với lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo đến năm 2025 định hướng 2030, Thành phố đề ra 9 mục tiêu cụ thể. Trong đó, có các nội dung như đảm bảo hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị công nghệ thông tin trường học, nâng cao vai trò hệ thống thông tin quản lý thông qua đẩy mạnh hoạt động xác thực dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước, liên thông dữ liệu giữa các hệ thống, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành...
Ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố thúc đẩy mô hình dạy học kết hợp như lớp học thông minh, bài giảng tương tác nhằm mở rộng hoạt động học tập của học sinh ra ngoài phạm vi lớp học, hỗ trợ phát triển năng lực của người học theo tinh thần Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ngành tạo lập kho học liệu số dùng chung, giúp giáo viên xây dựng và triển khai bài giảng trên hệ thống quản lý học tập hiệu quả hơn.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh cho biết, Sở tham gia vào Hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông, triển khai, vận hành các phần mềm dùng chung của UBND tỉnh. Đây là Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp của Văn phòng UBND tỉnh đến tất cả sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố thông qua trang Công báo Tây Ninh và văn bản mới Tây Ninh, hệ thống phần mềm dùng chung của tỉnh, Cổng thông tin điện tử Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, phần mềm họp không giấy qua cổng UBND tỉnh, phần mềm văn phòng điện tử phiên bản 2008 (eoffice) và phiên bản 2021 (Egov) liên thông văn bản với UBND tỉnh và các sở, ngành, triển khai chữ ký số. Sở Giáo dục và Đào tạo vận hành hệ thống này đến các đơn vị trực thuộc; đồng bộ cơ sở dữ liệu toàn ngành về Trung tâm Giám sát, điều hành kinh tế, xã hội tập trung tỉnh Tây Ninh.
Sở phối hợp xây dựng riêng máy chủ và website trực tuyến để ứng dụng quản lý điểm, quản lý giáo viên và học sinh, sổ điểm điện tử, sổ liên lạc điện tử bằng phần mềm SMAS 3.0 của Tập toàn Viễn thông Quân đội Viettel và VnEdu của VNPT Tây Ninh.
Các Trường Trung học Phổ thông, Trung học Cơ sở, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thực hiện điện tử hóa các sổ điểm lớp, số điểm giáo viên, sổ liên lạc, biểu mẫu thống kê, tin nhắn thông báo điểm gửi tới phụ huynh. Khối các cơ sở giáo dục Mầm non khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý kiểm định chất lượng, phần mềm tính khẩu phần ăn.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh còn phát động các Hội thi ứng dụng công nghệ thông tin thiết kế bài giảng e-learning, chấm điểm cập nhật tin của website của các trường học.
Các hoạt động này đang thiết thực chuyển đổi số, góp phần đưa Tây Ninh hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 bảo đảm thực hiện cao hơn mức trung bình cả nước về chỉ tiêu liên quan chuyển đổi số đề ra tại Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia; đồng thời, cơ bản hoàn thành nền tảng cho chính quyền số và đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Đến năm 2030, Tây Ninh hình thành đầy đủ nền tảng phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, vào nhóm các tỉnh, thành phố thực hiện chuyển đổi số khá.