Các địa phương đang nỗ lực sắp xếp lại mạng lưới, quy mô trường, lớp một cách phù hợp; tăng cường công tác tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên nhằm đảm bảo quyền học tập của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu của Chương trình.
Cơ bản đáp ứng điều kiện dạy học
Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến năm học 2023 - 2024, cả nước có 25.900 cơ sở giáo dục phổ thông, với tổng số khoảng 18,5 triệu học sinh. Các tỉnh, thành phố đã làm tốt công tác điều tra phổ cập, dự báo được tình hình tăng, giảm học sinh tại các địa bàn, vì thế cơ bản đã đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất và giáo viên để thực hiện tổ chức dạy học đúng quy định của Chương trình.
Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở cấp Tiểu học được các địa phương triển khai tích cực, số trường và số học sinh học 2 buổi/ngày ngày càng tăng sau mỗi năm học. Bên cạnh các chính sách chung của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ chi phí ăn, ở, học tập, các địa phương đã ban hành nhiều chính sách đặc thù, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể để giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn, giảm tình trạng bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục, phổ cập giáo dục.
Để triển khai tổ chức dạy học Ngoại ngữ 1, Tin học bắt buộc ở lớp 3 và 4 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương tăng cường công tác tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Đối với những nơi đặc biệt khó khăn trong công tác tuyển dụng, bổ sung giáo viên do thiếu nguồn tuyển dụng, các địa phương đã triển khai giải pháp bố trí giáo viên linh hoạt, điều động giáo viên dạy liên trường trong cùng cấp học, biệt phái giáo viên Trung học cơ sở theo thẩm quyền quản lý tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục Tiểu học.
Hiện nay, 100% các cơ sở giáo dục Tiểu học trong cả nước đã tổ chức dạy Ngoại ngữ 1, Tin học bắt buộc ở lớp 3, 4. Tỷ lệ học sinh lớp 3, 4 được học đủ 4 tiết/tuần theo quy định đạt 99,85% (chỉ còn 0,15% lớp 3, lớp 4 tại các cơ sở giáo dục vùng sâu, vùng xa chưa được học đủ 4 tiết/tuần). Số học sinh lớp 1, 2 được làm quen tiếng Anh theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tiếp tục được duy trì và đạt hơn 70% trong số lớp 1 và 2 trên cả nước.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã tích cực sử dụng các hình thức xã hội hóa để tổ chức học tự chọn tiếng Anh; tăng thời lượng học/dạy học tiếng Anh qua các chủ đề Toán và Khoa học; dạy học một số môn học bằng tiếng Anh; tăng cường thực hành tiếng Anh thông qua các hoạt động như: đọc truyện, hoạt động trải nghiệm…
Đối với cấp Trung học phổ thông, tất cả các trường căn cứ vào thực tế giáo viên hiện có, phòng học của nhà trường, thiết bị dạy học, phòng thí nghiệm và nguyện vọng của học sinh tổ chức xây dựng kế hoạch bố trí học sinh theo các nhóm môn học và cụm chuyên đề học tập lựa chọn.
Tuy nhiên, một số khó khăn chưa được giải quyết triệt để ở các năm học trước cũng đặt ra thách thức đối với các địa phương trong năm học này. Sau khi sắp xếp, sáp nhập, quy hoạch lại các trường, điểm trường, tại một số địa bàn dân cư phân tán, giao thông bị chia cắt, ảnh hưởng đến việc đi học của học sinh. Một số trường gặp khó khăn do việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ quản lý, đội ngũ nhân viên văn phòng, kế toán... dôi dư sau sáp nhập, chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Việc triển khai dạy học các môn tích hợp trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 như môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, nội dung giáo dục địa phương, tổ chức hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp… ở một số địa phương còn gặp khó khăn. Việc tổ chức các hoạt động trong giờ học đôi khi vẫn còn biểu hiện hình thức, thiếu hiệu quả, chưa đúng bản chất. Nguyên nhân là do nhận thức, năng lực của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế, giáo viên hiện hành chưa đáp ứng yêu cầu đảm nhận toàn bộ môn học, dẫn tới việc triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo còn chưa đúng với tinh thần đổi mới, gây khó khăn, kém hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện.
Một số địa phương, khu đô thị và các thành phố lớn do áp lực tăng dân số cơ học quá nhanh dẫn đến sĩ số học sinh/lớp vượt tỉ lệ quy định. Nhiều trường còn thiếu các phòng chức năng tối thiểu; thiếu sân chơi, bãi tập; thiếu khu vệ sinh hoặc có nhưng chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định. Một số xã thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên còn tồn tại nhiều điểm trường…
Ngành Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương, nhà trường đang nỗ lực để từng bước khắc phục những tồn tại, hướng tới một năm học mới có kết quả tốt hơn nữa.
Thêm trường lớp mới, bổ sung giáo viên trước ngày khai giảng
Là một trong các tỉnh, thành phố có quy mô học sinh lớn nhất cả nước, trong năm học 2024 - 2025, Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ đưa vào sử dụng 23 dự án, với 476 phòng học mới (trong đó, số phòng học tăng thêm là 412 phòng), tổng mức đầu tư hơn 2,2 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhu cầu tuyển dụng nhân sự cho năm học mới (tính đến tháng 7/2024) của Thành phố Hồ Chí Minh là 3.522 giáo viên và 720 nhân viên. Ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức công tác ở các đơn vị sự nghiệp công lập đợt 1, dự kiến hoàn thành quy trình tuyển dụng trong tháng 8/2024, kịp thời phân công các trường hợp trúng tuyển về đơn vị nhận nhiệm vụ để chuẩn bị năm học mới.
Ông Dương Hồng Tân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu cho biết, hè 2024, các địa phương trong tỉnh đã đầu tư xây dựng mới trên 150 phòng học, 115 phòng bộ môn, 33 nhà vệ sinh với tổng kinh phí trên 245,7 tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương cũng thực hiện cải tạo, sửa chữa trên 500 phòng học, sơn tường, sửa chữa bàn ghế học sinh, sửa chữa hệ thống điện phòng học... với tổng kinh phí gần 67,9 tỷ đồng. Hiện nay, toàn tỉnh có 5.331 phòng học, phòng bộ môn, trong đó có 3.730 phòng học kiên cố, đạt trên 83,7% và 741 phòng bộ môn kiên cố đạt 84,6%.
Về đội ngũ giáo viên, năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh Bạc Liêu được giao 8.320 biên chế giáo viên. Tuy nhiên, ngành chỉ mới sử dụng 7.068 biên chế. Số giáo viên hiện còn thiếu so với biên chế được giao là 1.252.
Tại Cần Thơ, ngành Giáo dục và Đào tạo đã chủ động cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp, chuẩn bị cho năm học 2024 - 2025. Trong đó, UBND thành phố Cần Thơ thống nhất chủ trương nâng cấp, sửa chữa 12 trường Trung học phổ thông từ nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục năm 2024 với tổng mức đầu tư khoảng 20 tỷ đồng. UBND các quận, huyện cũng đã triển khai kế hoạch nâng cấp, sửa chữa và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ sở giáo dục trực thuộc với tổng kinh phí khoảng 95 tỷ đồng; xây dựng mới 13 trường.
Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ cùng UBND các quận, huyện cũng rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên các đơn vị; bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục và dự kiến số lượng giáo viên bổ sung. Qua rà soát, Sở đã điều chuyển 22 giáo viên giữa các đơn vị để đảm bảo định mức quy định và số lượng người làm việc được giao. Bên cạnh đó, nhu cầu giáo viên cần tuyển cho năm học 2024 - 2025 trên địa bàn thành phố Cần Thơ là 411 giáo viên. Dự kiến, sau khi hoàn tất việc sắp xếp, điều chuyển giáo viên, các đơn vị sẽ thực hiện quy trình tuyển dụng theo quy định (dự kiến trong tháng 8 và 9/2024).
Năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh Hưng Yên đầu tư trên 1.100 tỷ đồng để xây mới, sửa chữa phòng học, mua sắm trang thiết bị đồ dùng học tập, xây dựng thư viện, công trình vệ sinh, cải tạo khuôn viên các trường học. Các địa phương đã cơ bản hoàn thành kế hoạch luân chuyển, sắp xếp ổn định đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tại các trường; 100% số trường học trong tỉnh tổ chức cho giáo viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn.
Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho năm học mới đã cơ bản hoàn tất trên cả nước. Với chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng”, toàn ngành Giáo dục, các địa phương và nhà trường sẵn sàng tâm thế bước vào năm học 2024 - 2025 hứa hẹn gặt hái nhiều thành công.