Ông Đỗ Bá Khôi, nguyên Phó Hiệu trưởng THPT chuyên Hà Nội Amsterdam, Hà Nội đánh giá phương án tuyển thẳng học sinh trường chuyên bằng viết bài luận và thư giới thiệu là tín hiệu tốt trong việc hội nhập với các đại học trên thế giới. Bởi phương án này đã được các nước thực hiện theo phương thức mở rộng đầu vào và kiểm soát đầu ra. Cùng với đó là việc các trường đại học sẽ có những xác minh với trường phổ thông nơi thí sinh học.
Nghiên cứu sinh Nguyễn Trung Dũng, Du học sinh Việt Nam tại Australia cho biết : «Với hình thức xét tuyển thẳng các thí sinh dựa trên bài luận và thư giới thiệu cho thấy đã đến lúc việc học, thi, xét tuyển đại học ở Việt Nam cần theo một hướng khác. Bởi với cách làm truyền thống là lựa chọn thí sinh trên điểm số kiến thức đã quá sáo mòn. Em nghĩ đã đến lúc để các trường đại học lựa chọn được thí sinh phù hợp. Cũng như việc học trong trường phổ thông cũng cần cho học sinh được tư duy theo hướng mở thay vì chỉ thi lấy điểm số như hiện nay”.
TS Vũ Viết Bình, Phó trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, kỳ thi tuyển sinh 2015, ĐH Quốc gia Hà Nội đã sử dụng phương thức xét tuyển thẳng học sinh từ trường THPT chuyên ĐH Khoa học tự nhiên. Những thí sinh thi đỗ vào trường đã phản ánh kết quả khá chính xác về năng lực học tập, rèn luyện của các em. Một phần nào đó trường cũng giám sát được chất lượng thực tế. Trong phương án tuyển sinh mới của trường năm 2016, sẽ mở rộng thêm các trường THPT chuyên khác, bởi các trường THPT chuyên và năng khiếu đã phần nào khẳng định được chất lượng đào tạo. Trường sẽ công bố trong thời gian sớm nhất để thí sinh được biết.
Lo ngại tiêu cực
Theo nghiên cứu sinh Nguyễn Trung Dũng cho rằng, mặc dù đã quen thuộc với nhiều trường đại học trên thế giới nhưng phương pháp xét tuyển dựa trên hồ sơ và thư giới thiệu khi áp dụng vào Việt Nam sẽ có những rủi ro nhất định. Điều đầu tiên người ta lo ngại là tính tiêu cực. Bởi việc mua bằng, mua điểm là điều có thật đã từng xảy ra khiến dư luận hoang mang là thí sinh có thể mua bài luận và thư giới thiệu từ giáo viên. Hoặc giáo viên có thể “xuê xoa” cho học sinh của mình. Ngoài ra giáo viên cũng có thể chưa quen với hình thức viết thư giới thiệu và vì vậy sẽ gây thiệt thòi cho thí sinh, không thể hiện được thí sinh xứng đáng với vị trí ngành học. Nếu không minh bạch thì phương án tuyển sinh này không hiệu quả.
Bày tỏ những băn khoăn, lo lắng này, cô N.N, giáo viên trường THPT chuyên Lương Văn Tụy, Ninh Bình thẳng thắn chia sẻ: “Thực tế, phương án tuyển sinh cho thấy rất tối ưu nhưng nhiều năm theo học sinh chuyên, tôi biết có những giáo viên đặt tình cảm cá nhân với học sinh lên trên cả. Điều này chắc chắn xảy ra khi viết thư giới thiệu. Vậy vì một lý do nào đó mà một thí sinh không đủ năng lực với trường nhưng lại được viết trong thư giới thiệu để đỗ vào trường thì thật bất công bằng với những thí sinh khác”.
Theo kinh nghiệm từng viết thư giới thiệu cho học sinh xin học bổng các trường ĐH trên thế giới ông Đỗ Bá Khôi, trường THPT Hà Nội Amsterdam cho biết: Khi nhận được thư giới thiệu một số trường đại học còn gọi điện ngược lại để xác minh xem người giới thiệu có uy tín không. Bên cạnh đó họ cũng có những kỳ thi đánh giá năng lực như SAT nhằm thêm căn cứ về năng lực thí sinh. Mặc dù các trường ĐH đổi mới tuyển sinh nhưng cách dạy và học ở trường phổ thông vẫn theo phương thức cũ thì vẫn còn đó mối băn khoăn.