Niềm tin vào thầy, trò
Phân tích về việc “lọc” thí sinh trong bối cảnh hiện nay, TS Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đại học và sau đại học, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết, quá trình xét tuyển tại ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh là nhằm vào các tiêu chí đánh giá toàn diện năng lực học tập, quá trình học ở THPT, khả năng tư duy và năng khiếu, năng lực tham gia các hoạt động xã hội của thí sinh. Về năng lực học tập sẽ đánh giá căn cứ trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoặc kết quả kỳ thi đánh giá năng lực được công nhận trên thế giới. Về kết quả học tập sẽ đánh giá căn cứ trên kết quả học tập ba năm THPT của thí sinh. Khả năng tư duy, năng khiếu sẽ đánh giá căn cứ trên điểm thi của bài thi đánh giá năng lực tư duy, kết quả đánh giá năng lực ngoại ngữ (hoặc xem xét các chứng chỉ ngoại ngữ TOEFL, TOEIC, IELTS, VNU-EPT). Còn năng lực hoạt động xã hội sẽ dựa vào thành tích tham gia các hoạt động xã hội, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao… của thí sinh.
TS Nguyễn Quốc Chính khẳng định những lo ngại về tiêu cực là có cơ sở, nhưng nhà trường vẫn có niềm tin vào thầy cô và học sinh. ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh xác định phương án này khi thực hiện để xã hội có cái nhìn tích cực hơn. Về học sinh, khi các em viết bài luận thì sẽ có sự tự tin tìm hiểu về bản thân, về ngành học, về trường học. Việc viết bài luận thúc đẩy sự khám phá, tìm tòi của các em. Cách làm này giúp thí sinh có động lực để tìm hiểu mình muốn gì, mình có phù hợp không. Về thư giới thiệu thì không thầy cô nào muốn viết quá lố, quá hay cho một học sinh, bởi họ có trách nhiệm với bản thân và xã hội. Không có giáo viên nào muốn lạm dụng quyền hạn của mình. Vẫn có thể có rủi ro, nhưng sẽ ít và sẽ bị triệt tiêu dần.
TS Nguyễn Quốc Chính cho biết, trường sẽ có những xác minh nhất định đối với thư giới thiệu để đảm bảo đánh giá đúng năng lực thí sinh. Việc áp dụng các tiêu chí sẽ được thực hiện theo lộ trình, đảm bảo sự ổn định của công tác tuyển sinh, tránh xáo trộn lớn gây khó khăn cho học sinh THPT. Phương án cụ thể ra sao sẽ được trường sớm công bố để thí sinh tiện theo dõi.
Tăng cường ngân hàng đề
Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội tiếp tục là điểm nhấn trong mùa tuyển sinh 2016. Điểm khác biệt trong tuyển sinh của trường so với cách làm truyền thống là: Thí sinh sẽ thực hiện một bài thi trắc nghiệm trên máy tính. Đề thi được lấy từ ngân hàng câu hỏi do trường đưa ra. Đề thi hướng đến đánh giá các năng lực cốt lõi cần thiết để người học có thể học ở bậc đại học bao gồm năng lực tư duy định tính và năng lực tư duy định lượng thông qua nội dung kiến thức thuộc chương trình THPT. Độ khó của các câu hỏi thi thuộc mỗi phần được phân định theo tỷ lệ: 20% ở cấp độ dễ, 60% ở cấp độ trung bình và 20% ở cấp độ khó.
Về bộ đề thi đánh giá năng lực, dư luận cũng đặt vấn đề là ĐH Quốc gia Hà Nội có bổ sung nhiều câu hỏi mới để tránh sự trùng lặp, cũng như đảm bảo cân bằng về độ khó trong các đề thi hay không? Việc này là nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh, tránh tình trạng thí sinh trúng tuyển yếu năng lực, trong khi bỏ sót thí sinh có trình độ PGS TS Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội giải thích: “Năm 2015, bộ đề thi được đánh giá là cân bằng độ khó giữa các đợt thi, ca thi khá tốt. Chúng tôi đã khảo sát điểm thí sinh đăng ký dự thi cả 2 đợt năm 2015, thấy rằng, độ lệch về điểm trung bình 2 đợt là không đáng kể (1,7 điểm trên tổng điểm 140). Năm nay, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện kỹ thuật cân bằng độ khó. Hàng năm, ĐH Quốc gia Hà Nội đều có những bước sàng lọc bộ đề với tỷ lệ đảm bảo cân bằng độ khó giữa các kỳ thi trước và sau, theo các năm, đồng thời cũng bổ sung, mở rộng những câu hỏi mới với tỷ lệ hợp lý”.
Ông Sơn cho biết thêm, về cơ bản, cấu trúc đề thi năm nay không có gì thay đổi so với năm 2015, được chia thành các phần bắt buộc và tự chọn, 140 câu hỏi tương ứng với 140 điểm và chưa tính hệ số, tỷ lệ điểm giữa các câu vì cần thêm thời gian để làm công việc này. Bên cạnh đó, đề thi năm nay cũng sẽ tăng cường những câu hỏi theo hướng mở, gắn với kiến thức thực tế. Tỷ lệ câu hỏi này sẽ được gia tăng dần qua mỗi năm để thí sinh có thể thích ứng.
Như vậy, để đảm bảo công bằng cho thí sinh, hai đại học quốc gia đã đưa ra những căn cứ nhằm đảm bảo quá trình tuyển sinh, xét tuyển, ưu tiên được thông suốt. Đối với việc lo ngại của xã hội về tính tiêu cực là xác đáng. Nhưng những căn cứ trường đưa ra để xác minh cũng đòi hỏi phải có thời gian. Vấn đề viết luận, thư giới thiệu và mức đánh giá toàn diện mà ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đưa ra vẫn còn ở phía trước. Dư luận vẫn đang mong chờ phương án cụ thể mà tới đây ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh công bố để đảm bảo một kỳ thi “bản sắc riêng” vẫn đảm bảo được tính công bằng của kỳ thi.