Đổi mới giáo dục đào tạo tại Nam Định

Nam Định là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục đào tạo trong 21 năm liên tục. Thành tựu này không chỉ thể hiện qua những kết quả đáng ghi nhận trên cả hai phương diện giáo dục đại trà và mũi nhọn của địa phương mà còn cho thấy quá trình nỗ lực phấn đấu và đổi mới của toàn ngành.

Đổi mới, nâng cao phương pháp dạy và học theo hướng chủ động; triển khai các mô hình dạy học theo hướng mở; chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học là “chiến lược” mà ngành giáo dục Nam Định luôn hướng đến và đưa vào thực hiện thông qua những hoạt động cụ thể. 

Lớp học tại nhà của cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Tâm ở xã Yên Quang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Ảnh: Văn Đạt - TTXVN


Năm học 2015 - 2016, Nam Định triển khai thí điểm mô hình trường học mới VNEN tại 19 trường trung học cơ sở; đồng thời kiểm tra, đánh giá và tổ chức hội thảo chuyên đề để lắng nghe ý kiến phản hồi từ các cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh về những ưu việt và hạn chế của mô hình.   

Nam Định cũng thí điểm dạy Toán và các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định) và 5 trường trung học phổ thông thuộc Đề án “Xây dựng cơ sở giáo dục chất lượng cao” là trường THPT A Hải Hậu (huyện Hải Hậu), trường THPT Giao Thủy (huyện Giao Thủy), trường THPT Tống Văn Trân (huyện Ý Yên), trường THPT Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định) và trường THPT Lý Tự Trọng (huyện Nam Trực). 

Bên cạnh đó, tỉnh thí điểm tăng cường giảng dạy tiếng Anh với giáo viên bản xứ ở 10 trường phổ thông khác; khuyến khích triển khai ở một số trường cấp tiểu học bằng kinh phí xã hội hóa.  

Nam Định là một trong 5 tỉnh được Bộ Giáo dục và Đào tạo thí điểm phát động phong trào tự làm thiết bị giáo dục. Các thiết bị được làm từ nguyên liệu dễ tận dụng, dễ kiếm trong đời sống sinh hoạt như vỏ lon, vỏ chai nhựa, linh kiện điện tử hỏng, tre, đá… mang tính thực tiễn cao, thể hiện tính sáng tạo khoa học, thẩm mỹ sư phạm và tính kinh tế. 

Qua đó, góp phần định hướng cho giáo viên truyền thụ kiến thức nghiêng về thực hành, khắc phục phương pháp truyền thụ một chiều. Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định tổ chức hoạt động giáo dục tại Bảo tàng tỉnh Nam Định và các di tích lịch sử, quần thể di tích văn hóa của địa phương như đền Trần, chùa Phổ Minh; nhà lưu niệm các danh nhân như Trường Chinh, Lê Đức Thọ, nhà thơ Tú Xương...

Hoạt động này đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo giáo viên và học sinh, bởi vừa giúp học sinh có được những tiết học ngoại khóa theo hình thức mới mẻ, sinh động, thiết thực; vừa phát huy được thế mạnh của các thiết chế văn hóa  của địa phương.  

Nhờ tư duy linh hoạt trong đổi mới giáo dục, Nam Định đã đạt nhiều thành công trong bồi dưỡng học sinh giỏi nói riêng và giáo dục đại trà nói chung. Theo ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định: Nam Định luôn định hướng công tác bồi dưỡng học sinh giỏi phải được thực hiện trên nền tảng giáo dục cơ bản, toàn diện, vững chắc; các phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, sáng tạo… được ngành giáo dục triển khai sâu rộng tại khắp các cơ sở giáo dục.

Từ những cuộc thi mang tính phong trào trên tinh thần tự nguyện của học sinh đến các kỳ thi chính thức do ngành giáo dục tổ chức, những nhân tố điển hình, những học sinh tài năng trong từng lĩnh vực đã được phát hiện, tuyển chọn và nuôi dưỡng. Thành tích học sinh giỏi của tỉnh Nam Định luôn được giữ vững và ổn định ở vị trí cao qua nhiều năm, không chỉ trên phạm vi toàn quốc mà còn được khẳng định trên trường quốc tế.  

Trong 5 năm trở lại đây, Nam Định luôn có hơn 80% số học sinh đạt giải quốc gia trên tổng số học sinh được cử đi thi, trong đó nhiều em được tiếp tục chọn tham dự các cuộc thi Olympic khu vực, quốc tế và đã gặt hái thành công lớn. Có thể kể đến: Đinh Thị Hương Thảo - hai năm liền 2015 và 2016 giành Huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế, nữ sinh duy nhất giành Huy chương Vàng và nhận giải thưởng đặc biệt “Nữ sinh xuất sắc nhất khu vực châu Á” của cuộc thi Olympic Vật lý châu Á; em Nguyễn Thị Minh Nguyệt, giành Huy chương Vàng Olympic tiếng Nga quốc tế năm 2014, đồng thời giành giải nhất hai cuộc thi phụ “Nhà đọc thơ trẻ” và “Nhà hùng biện trẻ” bằng tiếng Nga; em Nguyễn Thành Trung, giành Huy chương Bạc Hóa học quốc tế…  

Bên cạnh các môn thi văn hóa  truyền thống, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định cũng sớm nắm bắt và chỉ đạo các trường khuyến khích học sinh thể hiện tính sáng tạo gắn với thực tiễn cũng như phát triển giáo dục thể chất; động viên học sinh tham gia các cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống, thi hùng biện tiếng Anh, thi giải Toán trên máy tính cầm tay, các kỳ hội khoẻ Phù Đổng cấp tỉnh và toàn quốc…  

Cùng với việc đầu tư chăm lo cho giáo dục chất lượng cao, chất lượng giáo dục đại trà của Nam Định cũng liên tục được duy trì và đảm bảo với kết quả học sinh lớp 12 đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông luôn đạt trên 98%. Trong đó, điểm bình quân thi trung học phổ thông quốc gia và điểm bình quân theo các khối thi đại học A, B, D của học sinh Nam Định đạt mức cao nhất toàn quốc.  

Song song với các hoạt động đổi mới, Nam Định còn quan tâm tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho các cơ sở giáo dục; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên. Năm học 2015 - 2016, Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định đã cử hơn 100 cán bộ quản lý và giáo viên đi học các lớp bồi dưỡng cả về chuyên môn và lý luận chính trị; hợp tác với Hội đồng Anh nâng cao năng lực và phương pháp giảng dạy cho 60 giáo viên cốt cán của ba cấp học. 

Tính đến tháng 8/2016, Nam Định có 615 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 26 trường so với năm học trước; trong đó nhiều nhất là cấp tiểu học có 285 trường đạt chuẩn mức độ I. Toàn tỉnh có 286 trường được công nhận tiêu chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn.  

Công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi tại Nam Định cũng tiếp tục được củng cố và duy trì, phổ cập giáo dục trung học cơ sở được nâng cao; đồng thời công tác phân luồng học sinh sau cấp trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn đã có nhiều chuyển biến tích cực.    

Với tinh thần “Lấy học sinh làm trung tâm của quá trình dạy và học”, các trường học, cấp học yêu cầu đội ngũ giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp quan tâm đến hoàn cảnh của học sinh, kịp thời động viên, giúp đỡ, vận động học sinh có nguy cơ phải nghỉ học giữa chừng cố gắng vượt khó đến trường... 

Năm  học 2015 - 2016, tổng số học sinh bỏ học ở các cấp tại Nam Định chỉ còn 0,14%, giảm 0,08% so với năm học 2012 - 2013; trong đó giảm mạnh nhất là ở cấp trung học cơ sở, từ 373 học sinh xuống còn 31 học sinh.
Hiền Hạnh
Cấp số định danh cá nhân ở Nam Định
Cấp số định danh cá nhân ở Nam Định

Nam Định là một trong 16 tỉnh, thành phố được Bộ Công an chọn thí điểm thực hiện cấp số định danh cá nhân thông qua việc cấp thẻ căn cước công dân theo tinh thần Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư (Đề án 896) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN