Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo từ công tác khuyến học - Bài 1: Những tín hiệu tích cực

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW (2013-2023), hệ thống giáo dục - đào tạo nước ta có bước chuyển quan trọng; có sự đổi mới từ nhận thức, quan điểm tư tưởng chỉ đạo đến chính sách, cơ chế, phương pháp và nội dung đào tạo, nhất là đối với hệ thống giáo dục thường xuyên vốn lâu nay vẫn khép kín.

Đặc biệt, sự tham gia của gia đình, dòng họ, cộng đồng và bản thân người học thông qua việc thực hiện tốt các mô hình học tập do Hội Khuyến học Việt Nam triển khai đã chứng tỏ tinh thần học tập trong nhân dân đang được phát huy tốt để hướng tới xây dựng xã hội học tập.

Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 2 bài nhìn lại 10 năm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Hội Khuyến học Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục thường xuyên, xây dựng xã hội học tập để làm rõ những chuyển biến tích cực, những khó khăn tồn tại, đề xuất những giải pháp tháo gỡ các vướng mắc.

Chú thích ảnh
Tiết học đầu tiên của lớp 1C trường Tiểu học Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Bài 1: Những tín hiệu tích cực

Hội Khuyến học Việt Nam là tổ chức xã hội với nhiệm vụ chính trị liên kết, phối hợp các lực lượng trong xã hội, thúc đẩy việc học tập suốt đời của nhân dân, xây dựng nước ta thành một xã hội học tập.

Xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời cũng chính là nhiệm vụ chiến lược của Đảng ta, được coi là nội dung quan trọng của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo theo yêu cầu phát triển của xã hội. Với những nỗ lực 10 năm qua, Hội Khuyến học Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng cho công tác giáo dục - đào tạo.

Góp phần thúc đẩy phong trào học tập suốt đời

Thời gian qua, Hội Khuyến học các cấp đã phối hợp với ngành giáo dục triển khai thành công các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng các mô hình học tập, từ đó thúc đẩy việc hoàn thiện mô hình xã hội học tập ở nước ta; thúc đẩy người dân hăng say học tập theo phương châm: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học làm người. Điều này đặc biệt quan trọng khi cuộc cách mạng 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến tất cả các yếu tố của nền kinh tế - xã hội ở nước ta.

Qua thời gian, năm phong trào “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” và “Công dân học tập” do Hội Khuyến học triển khai đã, đang phát triển sâu rộng trên các địa bàn dân cư. Mô hình xã hội học tập được xây dựng, phát triển từ cơ sở, trở thành cách làm sáng tạo, độc đáo vì được xây dựng khi tại địa bàn cấp xã có nơi còn nhiều người thiếu cơ hội học tập, trẻ em chưa được phổ cập giáo dục một cách vững chắc. Việc thực hiện thành công các mô hình học tập góp phần không nhỏ vào thắng lợi của phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới và khu dân cư, đô thị văn minh.

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng, những mô hình học tập trên là nền tảng cơ bản giúp Việt Nam xây dựng thành công bước đầu xã hội học tập, ở đó hầu hết nhân dân, từ học sinh các cấp học đến người lớn hiện đang công tác ở các lĩnh vực kinh tế, xã hội hay đã về hưu, người cao tuổi...., đều có cơ hội học tập thông qua các thiết chế giáo dục không chính quy.

Dưới sự tham mưu của Hội Khuyến học Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 10/6/2023, Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập” sau 75 năm Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua “Diệt giặc dốt”. Đây là động lực để xã hội học tập ở Việt Nam phát triển trong thời gian tới đồng thời chứng tỏ việc xây dựng xã hội học tập đã trở nên cấp thiết trong điều kiện Việt Nam cần phát triển bằng tri thức.

Tập trung xây dựng mô hình giáo dục mở

Chú thích ảnh
Trao máy tính bảng cho cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó vươn lên trong học tập trên địa bàn huyện Ninh Phước (Ninh Thuận). Ảnh: Công Thử/TTXVN

Nhiều năm nay, Hội Khuyến học Việt Nam tập trung cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát triển các Trung tâm học tập cộng đồng, thúc đẩy việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở, đổi mới phương pháp dạy và học đối tượng chính là người đã trưởng thành.

Hiện nay, các thiết chế giáo dục không chính quy như: Trung tâm học tập cộng đồng; cơ sở đào tạo nghề ở cấp xã, phường; các trường bồi dưỡng công nhân ở một số doanh nghiệp và thiết chế giáo dục phi chính quy như Nhà văn hóa, thư viện, câu lạc bộ phát triển mạnh tạo thành mạng lưới học tập rộng khắp. Hệ thống giáo dục quốc dân phát triển theo hướng mở cùng với tài nguyên giáo dục mở tương đối phong phú, tạo cơ hội cho người lớn có điều kiện tham gia học tập, tự học, học tập suốt đời .

Nguồn học liệu mở cùng với việc sử dụng các thiết bị thông minh để học nâng cao trình độ đã giúp đổi mới phương pháp dạy -học của tất cả các trường, các đối tượng trong xã hội. Từ việc chỉ học ở lớp, ở trường, học lấy được bằng cấp mới được coi là học, đến nay, người dân có thể học trực tiếp kết hợp trực tuyến, học ở bất cứ đâu, cần gì học nấy, vừa học vừa làm, học để tích lũy kiến thức để khi có điều kiện học tiếp... Hình thức học đa dạng, phong phú phát triển trong thời gian qua đã đáp ứng nhu cầu học tập của mọi tầng lớp nhân dân. Chủ trương đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông… được thực tế chứng minh là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế thời đại và dần đáp ứng yêu cầu cách mạng 4.0.

Tạo cơ hội, điều kiện cho nhân dân được học

Thời gian qua, việc huy động nguồn lực xã hội để hình thành quỹ khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập phát triển nhanh chóng ở hầu hết các địa phương trong cả nước, tạo nguồn lực quan trọng thực hiện nhiệm vụ do Nghị quyết 29-NQ/TW đề ra.

Mỗi năm hàng triệu học sinh nghèo được các cấp Hội trao học bổng, hàng chục vạn phần thưởng được trao cho cả người lớn và học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập, học tập thường xuyên. Ngoài học bổng, phần thưởng khuyến học, Hội còn có các hình thức hỗ trợ khác như xây cầu khuyến học ở vùng núi; hỗ trợ máy tính giúp học sinh học trực tuyến trong mùa dịch COVID-19; triển khai các phong trào “nuôi heo đất”, “ao cá khuyến học”, “con gà khuyến học”…, giúp học sinh có điều kiện ăn học tốt hơn…

Ba năm trở lại đây, Trung ương Hội có sáng kiến tổ chức chương trình học bổng “Học không bao giờ cùng” theo lời Bác Hồ dạy. Học bổng được trao vào dịp 19/5 ở 63 tỉnh, thành cho cả người lớn, học sinh các cấp học, sinh viên đại học có thành tích học tập xuất sắc, thậm chí cả những cụ già U80, U90. Học bổng đã có sức động viên các thế hệ người dân Việt Nam từ miền núi đến miền xuôi… đi học; tạo không khí phấn khởi, thi đua học tập, phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc; tạo cơ hội cho người dân có điều kiện học tập tốt hơn…

Không chỉ dừng lại ở đó, các cấp hội đã có nhiều hình thức gây quỹ, tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tạo mọi cơ hội, điều kiện cho nhân dân để ai cũng được học hành.

Để thúc đẩy học tập thường xuyên, học tập suốt đời, Hội tiến hành xây dựng xã hội học tập theo tinh thần xã hội hóa – liên kết, phối hợp các lực lượng xã hội để triển khai thực hiện. Nhờ đó nhận thức của người dân về vai trò của giáo dục – đào tạo, khuyến học – khuyến tài – xây dựng xã hội học tập ngày càng tốt; sự đóng góp cho phong trào học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập cũng đa dạng và phát triển hơn. Vấn đề xã hội hóa giáo dục thông qua việc liên kết, phối hợp, thúc đẩy sự học của người dân đã chứng minh tính đúng đắn trong chủ trương xã hội hóa giáo dục được Đảng đề ra trong Nghị quyết 29-NQ/TW.

Những phong trào thi đua, các giải thưởng, suất học bổng do Hội khuyến học triển khai từ nguồn quỹ khuyến học đã trở thành một phần động lực thúc đẩy toàn dân thi đua học tập; góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước trong 10 năm qua.

Bài cuối: Đáp ứng các yêu cầu xây dựng xã hội học tập

M.H (TTXVN)
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo từ công tác khuyến học - Bài cuối: Đáp ứng các yêu cầu xây dựng xã hội học tập
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo từ công tác khuyến học - Bài cuối: Đáp ứng các yêu cầu xây dựng xã hội học tập

Bên cạnh những kết quả tích cực, thuận lợi trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, việc triển khai các hoạt động để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ do Chính phủ giao cho Hội Khuyến học còn gặp nhiều khó khăn do có nhiều vấn đề của xã hội học tập bị bỏ ngỏ, chưa giải quyết được hoặc triển khai chậm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN