Do đó, việc định hướng phát triển trường theo mô hình “Đại học thông minh” là xu thế tất yếu và là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương cũng như của nhà trường. Đó là phát biểu của ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố tại Lễ Khai giảng năm học 2023-2024, do Trường Đại học Cần Thơ tổ chức ngày 16/9.
Quá trình xây dựng và phát triển một trường đại học trọng điểm theo mô hình “Đại học thông minh” với cốt lõi nền tảng là hệ quản trị 4.0, cần hội đủ 3 yếu tố quan trọng: Kết nối Internet; ứng dụng công nghệ số trong quản trị nhà trường, giảng dạy và đào tạo; nhân lực có khả năng làm chủ công nghệ số.
Để làm được điều đó, Giáo sư Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho biết: Nhà trường đã và đang đầu tư xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng; sửa chữa và đưa vào sử dụng nhiều công trình. Trong đó đặc biệt là việc khai thác, sử dụng các công trình thuộc dự án ODA với các trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện đại, hạ tầng kỹ thuật số đạt chuẩn, đảm bảo kết nối internet thông suốt. Điều này góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ và các hoạt động khác của Trường theo chuẩn quốc tế.
Song hành cùng nhiệm vụ nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhà trường chú trọng mở rộng các hoạt động kết nối đào tạo trong và ngoài nước, kết hợp linh hoạt nhiều hình thức trực tiếp và trực tuyến. Hiện nhà trường đang tổ chức đào tạo 84 ngành bậc đại học, quy mô gần 44.000 sinh viên, trong đó hơn 4.300 là đào tạo từ xa. Đối với bậc đào tạo sau đại học, Trường đang đào tạo 51 chuyên ngành thạc sĩ và 21 chuyên ngành tiến sĩ, với tổng số hơn 2.700 học viên và nghiên cứu sinh.
Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ số trong quản trị nhà trường, giảng dạy và đào tạo cũng được nhà trường chú trọng. Các hoạt động như thúc đẩy triển khai học liệu số, hình thành kho học liệu mở dùng chung cho toàn ngành. Đồng thời hợp tác, liên kết với các tổ chức trên thế giới, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, hỗ trợ triển khai các mô hình giáo dục đào tạo mới dựa trên các nền tảng số.
Về công tác chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng tốt cho quá trình chuyển đổi số, nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, trong đó chú trọng tuyển dụng và đào tạo đội ngũ giảng viên ở các ngành, lĩnh vực mà nhà trường và xã hội có nhu cầu cao. Hiện Trường Đại học Cần Thơ sở hữu đội ngũ trên 1.800 viên chức, người lao động, trong đó có 17 giáo sư, 159 phó giáo sư, 591 tiến sĩ, 495 thạc sĩ. Nhân sự của trường thường xuyên được cử đi nước ngoài học tập và đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn.
Định hướng nhiệm vụ trọng tâm của Trường Đại học Cần Thơ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND thành phố Trần Việt Trường đề nghị, Trường Đại học Cần Thơ tiếp tục quan tâm tập trung nguồn lực mở thêm ngành nghề; nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của xã hội, đáp ứng đòi hỏi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ bám sát nhu cầu của vùng và của thành phố Cần Thơ.
Cụ thể, nhà trường cần thiết kế các chương trình giảng dạy theo mô hình tiên tiến quốc tế và mang tính liên ngành; cần thêm những môn học, ngành học mới với cốt lõi là đào tạo nguồn nhân lực có khả năng thích nghi với cái mới. Ngoài ra, nhà trường cần xây dựng các chương trình đào tạo mang tính cá nhân hóa, hay nói cách khác, sinh viên có thể tự thiết kế chương trình đào tạo cho riêng mình với sự tư vấn từ các đơn vị đào tạo, hệ thống. Các nền tảng hỗ trợ sinh viên trực tuyến cần được đẩy mạnh như: Cổng thanh toán điện tử, cổng giao dịch dịch vụ công trực tuyến, cổng thông tin việc làm...
Lãnh đạo thành phố Cần Thơ luôn quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để Trường Đại học Cần Thơ phát triển thành Đại học Cần Thơ với mô hình “Đại học thông minh. Thành phố Cần Thơ và Trường Đại học Cần Thơ tiếp tục tăng cường mở rộng hợp tác, phát huy lợi thế, tiềm năng, cùng nhau phát triển. Từ đó góp phần lan tỏa và tác động mạnh mẽ đối với sự phát triển kinh tế, xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, ông Trần Việt Trường nhấn mạnh.