Khối ngành khoa học xã hội và nhân văn như: Văn học, Văn hóa học, Việt Nam học, Lịch sử học, Triết học, Tâm lý học, Xã hội học, Nhân học, Báo chí, Quan hệ công chúng, Báo chí, Hàn Quốc học, Luật… luôn có mức điểm chuẩn khá cao trong những năm gần đây.
Một số trường đại học có đào tạo nhóm ngành này đã đưa ra dự báo mức điểm chuẩn như sau:
TS. Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cho biết, theo đánh giá của các chuyên gia, phổ điểm khối D - khối tuyển sinh vào tất cả các ngành đào tạo của trường, có xu hướng ổn định. Do đó, dự đoán điểm chuẩn vào các ngành của Trường Đại học Hà Nội năm nay có khả năng không biến động nhiều so với năm ngoái.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Tiến Dũng cho biết, số lượng nguyện vọng đăng ký vào trường năm nay cao hơn so với năm ngoái. Kết hợp với phổ điểm khối D ổn định trong khi chỉ tiêu không đổi, có thể một số ngành hot như Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Nhật, Marketing... điểm chuẩn dự kiến có thể tăng từ 0,5 đến 1 điểm. Điểm chuẩn các ngành này năm ngoái dao động từ 35 - 37 điểm trên thang điểm 40.
Với các ngành còn lại, theo TS. Nguyễn Tiến Dũng dự đoán điểm chuẩn ổn định so với năm ngoái. Điểm chuẩn nếu có giảm, mức giảm khoảng 0,5 điểm so với năm 2022.
Đại diện Trường Đại học Luật Hà Nội dự báo chuẩn xét tuyển vào trường bằng phương thức xét kết quả thi THPT năm 2023 sẽ giảm nhẹ so với năm 2022 ở một số ngành, tổ hợp. Do chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học Luật Hà Nội năm 2023 tăng so với năm 2022 (năm 2023 chỉ tiêu là 2.500, tăng 135 chỉ tiêu; số chỉ tiêu tăng dành cho chỉ tiêu của ngành Luật kinh tế tại trụ sở chính và ngành Luật tại Phân hiệu của Trường tại Đắk Lắk).
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh dự kiến điểm chuẩn năm 2023 của các ngành xét tuyển 2 tổ hợp C00 và D01 giữ ổn định, nếu có thay đổi có thể ở mức tăng hoặc giảm 0,5 điểm đến 1 điểm so với năm 2022.
Năm ngoái, điểm chuẩn xét tuyển bằng phương thức dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vào Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) dao động từ 20 đến 28,25 điểm. Ngành Báo chí (tổ hợp C00) có điểm trúng tuyển cao nhất với 28,25 điểm.
PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) dự báo điểm chuẩn vào trường năm nay thấp hơn so với năm ngoái.
Năm 2022, ngành có điểm chuẩn cao nhất gồm: Hàn Quốc học, Đông phương học; Quan hệ công chúng, cùng lấy 29,95 điểm. Các ngành Quốc tế học, quản trị văn phòng (khối C00) cùng lấy 29 điểm. Các trường đào tạo nhóm ngành Khoa học xã hội và nhân văn thường xét tuyển bằng các tổ hợp khối C, D.
Theo phân tích phổ điểm khối C (Văn, Sử, Địa) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, nhiều chuyên gia dự báo điểm chuẩn một số ngành xét tuyển khối C sẽ giảm.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dự báo điểm chuẩn vào các ngành, trong đó có ngành Báo chí, Truyền thông đa phương tiện. Theo đó, ngành Truyền thông đa phương tiện, điểm chuẩn dự kiến dao động từ 25,5 - 26,5. Ngành Báo chí, điểm chuẩn có thể nằm trong khoảng 24 - 25 điểm.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 12/8 đến 17 giờ ngày 20/8, các cơ sở đào tạo phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát dữ liệu trên hệ thống, sau đó tải dữ liệu, thông tin xét tuyển để tổ chức xét tuyển nguyện vọng của thí sinh đã đăng ký.
Việc lọc ảo, xử lý nguyện vọng của thí sinh sẽ được thực hiện 6 lần trên hệ thống và kết thúc vào chiều 20/8.
Trước 17 giờ ngày 22/8, các trường đại học sẽ công bố điểm chuẩn đại học 2023 và kết quả xét tuyển. Thí sinh cần lưu ý để nhận kết quả trúng tuyển và nhập học trên hệ thống theo đúng thời gian quy định.