Địa phương đồng loạt muốn “nhận lại” kỳ thi tốt nghiệp

Sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2016; các Sở Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) đã gửi góp ý cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2017 về Bộ GD - ĐT. Đa số các ý kiến đều muốn tổ chức 2 kỳ thi, trong đó kỳ thi tốt nghiệp được trả về địa phương, nhằm tiết kiệm chi phí cho xã hội và đảm bảo phân cấp cho địa phương; còn đề thi và hướng dẫn chấm do Bộ GD - ĐT thực hiện.

Quay về 2 kỳ thi?

Theo ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD - ĐT Đà Nẵng, Sở kiến nghị giao việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp về cho địa phương, còn kỳ thi tuyển sinh Đại học (ĐH) sẽ do các trường ĐH tổ chức. Điều này cũng phù hợp với Luật Giáo dục Đại học và phân cấp của địa phương. “Đề thi, hướng dẫn chấm thi là do Bộ ban hành để đảm bảo sự thống nhất. Để giám sát kỳ thi này, Bộ có thể cử một đoàn thanh tra từ các trường ĐH tới giám sát, nhưng với số lượng vừa phải, không quá cồng kềnh như mọi năm. Như năm vừa qua, mặc dù kỳ thi đã được đảm bảo tiết kiệm, gọn nhẹ, nhưng việc nhiều tỉnh có tới hai cụm thi vẫn chưa hợp lý. Hãy tin địa phương có năng lực tổ chức cũng như đảm bảo sự công bằng cho thí sinh”, ông Nguyễn Đình Vĩnh nhấn mạnh.

Phương án thi THPT 2017 sẽ được công bố vào đầu năm học mới. Ảnh: QT

Cùng quan điểm này, ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Nghệ An cho biết: “Trong bản góp ý gửi đến Bộ GD - ĐT, Sở cũng đề xuất nên để kỳ thi tốt nghiệp THPT cho Sở GD - ĐT tổ chức, kỳ thi xét tuyển ĐH, CĐ giao cho các trường tự thực hiện”.

Phân tích về lựa chọn này, ông Vinh cho rằng, mặc dù với những biện pháp nhằm giản tiện những khâu không đáng có trong kỳ thi, nhưng như năm vừa qua các trường ĐH rất vất vả để lựa chọn được thí sinh. Bên cạnh đó, tính chất của hai kỳ thi này cũng khác nhau hoàn toàn; kỳ thi tốt nghiệp chỉ để xét công nhận tốt nghiệp, còn kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ là lựa chọn học sinh phù hợp với ngành nghề đào tạo.

Một lý do nữa được các đại diện ngành giáo dục địa phương đưa ra để lý giải cho việc không nên tổ chức gộp 2 kỳ thi là yếu tố đề thi. “Một đề thi để xét hai mục đích dường như không phù hợp, vì dẫn tới có những môn thi khá khó với thí sinh thi tốt nghiệp”, ông Lương Văn Việt, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Hải Dương cho biết.

Phù hợp với tình hình hiện nay

Một số chuyên gia giáo dục cũng đã đưa ra quan điểm về vấn đề này. Theo GS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương mại, nên nhìn nhận kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi để xét công nhận tốt nghiệp cho thí sinh và là điều kiện để thí sinh dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ. “Dù kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia qua hai năm tổ chức đã có những kết quả nhất định; nhưng nếu bỏ kỳ thi này thì Chính phủ, địa phương, các trường đại học, phụ huynh học sinh... tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Bỏ kỳ thi THPT quốc gia sẽ góp phần giảm áp lực thi cử cho học sinh, giảm phong trào dạy thêm, học thêm, luyện thi... đang tràn lan như hiện nay”.

Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng ĐH Thủy lợi Hà Nội chia sẻ, việc tổ chức thi theo cụm thi vừa qua kinh phí hoàn toàn của Chính phủ và khá là tốn kém.

Ngay sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia kết thúc, GS. TSKH Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng Bộ GD - ĐT, cũng đã có những chia sẻ về định hướng đổi mới thi năm 2017. GS Bành Tiến Long cho rằng, việc đưa kỳ thi tốt nghiệp THPT về địa phương là đúng chức năng nhiệm vụ của các sở GD - ĐT là làm công tác quản lý nhà nước về giáo dục phổ thông thống nhất từ năm đầu cấp đến năm cuối cấp (lớp 12). Việc làm này vừa khả thi và nhẹ nhàng, vừa đúng với hiện trạng giáo dục. Bằng tốt nghiệp của học sinh là kết thúc giai đoạn giáo dục phổ thông, đồng thời làm giấy thông hành cho các em trước khi thi đại học, đi học nghề, đi lao động hoặc làm các công việc khác trong xã hội.

Điều mà dư luận quan tâm nhất là tính công bằng khi kỳ thi này được trả về địa phương vẫn là câu hỏi khiến Bộ GD - ĐT cũng chưa có quyết định chính thức. Chia sẻ điều này, GS Bành Tiến Long cho biết, lo ngại này là không có cơ sở. Trách nhiệm của các Sở GD - ĐT và lãnh đạo các tỉnh về kỳ thi này là rất lớn, nhưng đều trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, GS Bành Tiến Long vẫn đặt ra băn khoăn rằng đề thi có nên thống nhất toàn quốc hay được phân loại khác nhau theo từng địa phương, từng vùng kinh tế và công tác ra đề nên như thế nào, giao cho ai làm. Đây là câu hỏi sẽ được các địa phương cũng như Bộ GD - ĐT cùng bàn luận trong thời gian tới.

Chị Hoàng Diệu Huyền (phố Linh Lang, quận Ba Đình, Hà Nội):

Gia đình tôi có hai cháu cách nhau 3 tuổi. Một cháu đã vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia vừa qua. Tôi nhận thấy rằng, 3 năm vừa qua, ngành giáo dục liên tục có những thay đổi về tổ chức thi cũng như đề thi để thực hiện đổi mới. Nhưng thường cách kỳ thi 2, 3 tháng mới công bố những thay đổi này. Điều này cực kỳ ảnh hưởng đến tâm lý học sinh. Nếu có những đổi mới, nên từ đầu năm học để nhà trường định hướng cho học sinh. Phụ huynh còn biết cách nhờ tư vấn. Tôi mong rằng, đến cháu thứ hai bước vào kỳ thi quan trọng như tốt nghiệp hoặc đại học thì những kỳ thi này sẽ được giữ ổn định, để học sinh và phụ huynh không hoang mang.

Chị Nguyễn Thu Anh, ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội:

Năm vừa qua, toàn bộ cán bộ coi thi của trường đã về Bắc Giang. Việc di chuyển này thuận lợi cho thí sinh, nhưng trường ĐH khá vất vả và tốn kém. Nên căn cứ vào tình hình địa phương, có thể trả kỳ thi tốt nghiệp về địa phương. Nếu cần thiết thì có thể cử một số cán bộ xuống các điểm thi để giám sát các quy trình địa phương thực hiện, như thế sẽ phù hợp hơn.



Lê Vân
Công bố phương án thi Quốc gia ngay đầu năm học
Công bố phương án thi Quốc gia ngay đầu năm học

Theo Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga (ảnh), sau khi nhận được những kiến nghị từ phía sở GD - ĐT, Bộ đã thành lập Tổ công tác để nghiên cứu, đánh giá, xây dựng phương án tối ưu nhất và sẽ sớm công bố vào đầu năm học tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN