Năm đầu tiên thực hiện đổi mới thi cử, theo đánh giá chung của các chuyên gia giáo dục cũng như các giáo viên, học sinh…, cách tổ chức thi, ra đề thi đã đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Đặc biệt, đề thi có tính phân loại tốt, đáp ứng được định hướng kiểm tra năng lực của thí sinh.
Cuộc họp báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) chiều 10/7, sau khi kết thúc hai đợt thi đại học - cao đẳng đầu tiên, cũng tập trung khẳng định những nội dung này.
Đánh giá đúng năng lực
Đánh giá chung, nội dung đề thi của các môn đều nằm trong chương trình trung học phổ thông, chủ yếu là lớp 12, bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, vừa sức với đa số thí sinh và phù hợp với thời gian làm bài.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD - ĐT cho biết, “điểm sàn” năm nay có 3 mức cho đại học và 1 mức cho cao đẳng. Mức điểm sàn được xây dựng trên cơ sở phổ điểm các môn thi, chỉ tiêu tuyển sinh và phù hợp với chất lượng đề thi. |
“Đề thi đã ra theo hướng đánh giá năng lực, kiểm tra khả năng vận dụng kiến thức đã học để xử lý những vấn đề thực tiễn, đồng thời có khả năng phân hóa được trình độ thí sinh. Đặc biệt, đề thi các môn lịch sử, địa lý, tiếng Anh được đánh giá cao ở chỗ lồng ghép các nội dung có tính thời sự liên quan đến chủ quyền biển đảo, giải pháp tạo công ăn việc làm cho giới trẻ”, đại diện Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.
Về phía mình, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cũng nhấn mạnh: Đề thi của các môn thi có nội dung nằm trong chương trình THPT, có khả năng phân loại thí sinh nên đáp ứng được định hướng kiểm tra năng lực thí sinh. Cũng theo Thứ trưởng, đề thi không có sai sót cả về nội dung và hình thức, được bảo mật an toàn tuyệt đối trong tất cả các khâu từ soạn thảo, in sao đến vận chuyển tới các hội đồng thi, các điểm thi, phòng thi.
Trước những ý kiến về đề thi có tính bất ngờ và “lạ”, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD - ĐT nhấn mạnh, trong những năm học vừa qua, các trường phổ thông đã thực hiện đổi mới dạy học cũng như thực hiện phương pháp kiểm tra, đánh giá mới. Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua và hai đợt thi đại học đã thể hiện rõ sự đổi mới đó.
Ông Mai Văn Trinh chỉ rõ, định hướng đổi mới thể hiện trước hết ở chỗ tính phân hóa cao, đó cũng chính là lý do đề bài có những câu hỏi “bất ngờ, khó, lạ”. Ông Trinh nhấn mạnh: “Yêu cầu của kỳ thi đại học là lựa chọn học sinh có năng lực để tuyển sinh vào ĐH, vì vậy mức độ phân hóa phải cao hơn”.
Tuy nhiên, cũng theo ông Mai Văn Trinh, do đề thi theo cách ra câu hỏi mở, nên đáp án cũng sẽ mở và chấm thi cũng theo hướng “mở”, ví như sẽ chấm theo những tiêu chí: Bài thi truyền tải được thông điệp, ý tưởng phù hợp với thuần phong mỹ tục, pháp luật Việt Nam; thể hiện sự sáng tạo của thí sinh trong cách lập luận, logic của bài thi…
Kiểm soát chặt tuyển sinh riêng
Bộ GD - ĐT cho biết, năm nay có 62 đề án tuyển sinh riêng của các trường được xác nhận phù hợp với quy chế và các trường này đã triển khai đề án tuyển sinh riêng theo kế hoạch. “Quy định tuyển sinh riêng đã phát huy hiệu quả tích cực, một số ngành tuyển sinh riêng đã thu hút được số lượng lớn thí sinh đăng ký xét tuyển”, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết.
Trước những băn khoăn về vấn đề chất lượng sinh viên của các trường, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, trong mỗi đề án tuyển sinh riêng, Bộ GD - ĐT đều yêu cầu các trường phải công bố ngưỡng tối thiểu để xét tuyển. Ví dụ, với trường ĐH, điểm trung bình là 6,0 trở lên; cao đẳng là 5,5 trở lên và các trường không thể lấy thấp hơn mức đó. Song song với đó, Bộ GD- ĐT đã tiến hành kiểm tra và kiểm soát chặt chẽ việc tuyển sinh riêng của các trường dựa trên đề án đã công bố.
Theo quy định, các trường tuyển sinh riêng sẽ được tổ chức 2 đợt tuyển sinh/năm. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, năm nay, trong 62 trường tuyển sinh riêng, không có trường nào thực hiện tuyển sinh 2 lần, mà chỉ xét theo nhiều đợt và kết thúc theo lịch tuyển sinh chung. “Sau này, nếu trường nào có kế hoạch tuyển sinh 2 lần trong năm, thì Bộ sẽ có quy định về thời gian tuyển sinh cụ thể, chứ không để các trường tự do”, Thứ trưởng Ga nhấn mạnh.
Vẫn nhiều thí sinh vi phạm quy chế
Ngày 10/7, thí sinh cả nước kết thúc đợt 2 của kỳ thi CĐ - ĐH năm 2014. Theo đánh giá chung của Bộ GD - ĐT, trong đợt 2, tỷ lệ thí sinh vi phạm quy chế thi cao hơn đợt 1. Cụ thể trong đợt 2 trên cả nước có 153 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật, trong đó khiển trách 28, cảnh cáo 2, đình chỉ 123 và có 6 thí sinh đến muộn không được dự thi.
Ông Hà Hữu Phúc - Vụ trưởng, Giám đốc cơ quan Bộ GD-ĐT tại TP Hồ Chí Minh, cho biết riêng ở khu vực phía Nam trong ngày thi thứ 2 có thêm 15 thí sinh bị kỷ luật, trong đó 14 thí sinh bị đình chỉ và 1 thí sinh bị cảnh cáo. Trường có thí sinh bị đình chỉ nhiều nhất là trường ĐH Cảnh sát nhân dân có 3 thí sinh bị phát hiện mang tài liệu và 1 trường hợp mang điện thoại di động vào phòng thi ở môn thi cuối. Như vậy, cả 2 ngày thi, trường này đã có 25 thí sinh bị đình chỉ thi vì mang điện thoại di động (ĐTDĐ) và tài liệu vào phòng thi.
Còn tại trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, trong buổi thi sáng 10/7 cũng có 4 thí sinh bị đình chỉ do mang ĐTDĐ vào phòng thi và một thí sinh bị cảnh cáo vì cố tình làm bài thi trước. Bên cạnh đó, các trường ĐH Y Dược Cần Thơ, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, ĐH Kiến trúc… đều có thí sinh bị đình chỉ do mang ĐTDĐ vào phòng thi.
Bên cạnh các thí sinh bị vi phạm, còn có 1 cán bộ nữ coi thi của Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh bị xử lý. Cán bộ này bị giám sát hội đồng thi phát hiện đang gọi điện thoại trong nhà vệ sinh của trường trong giờ làm bài. Cán bộ nữ giải thích, do con bị ốm rất nặng ở nhà nên gọi điện về gia đình hỏi thăm để yên tâm coi thi. Hội đồng thi đã đình chỉ cán bộ này và xử lý theo quy chế của Bộ GD- ĐT.
Nhóm PV