Đề án kiên cố hóa trường lớp học : Cần nhưng chưa đủ

"Cần lắm nhưng chưa đủ" - Đó là nhận xét chung của rất nhiều thầy cô, bà con và cán bộ lãnh đạo các địa phương, nhất là tại những địa bàn khó khăn nhất của cả nước về Đề án Kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên (KCHTLH và NCVGV).




Trường Tiểu học Yên Na II thuộc xã Yên Na, huyện Tương Dương
(Nghệ An) mới được đưa vào sử dụng. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN


Đến thăm Trường Dân tộc nội trú (DTNT) Đắk Tô, Kon Tum ngày đầu tuần, không khí thật vui vẻ. Giờ giải lao, các cô bé, cậu bé, người dân tộc Giẻ Chiêng, Rơ Ngao,… náo nức xúm quanh tấm bảng thông tin của Trường vừa được thay mới bằng các bức ảnh về liên hoan nghệ thuật, thể thao chào mừng ngày 20/11. Tấm bảng được treo ngay sảnh chân cầu thang dãy phòng học hai tầng khá khang trang. Cô hiệu trưởng Đặng Thị Quế tâm sự với chúng tôi: Trường mới tổ chức được bảng thông tin này gần đây thôi. Các em rất thích vì đó là những bức ảnh về các hoạt động tập thể của mình do chính các em thực hiện mỗi tuần. Trước đây trường không làm được vì không có chỗ treo bảng, phải treo ở nơi đông đúc mà không bị mưa nắng. Dãy phòng học hai tầng mới được xây dựng từ chương trình kiên cố hóa trường học của huyện thay thế cho dãy nhà cấp bốn 5 phòng lợp tôn xuống cấp. Có phòng học mới, trường đã tuyển thêm được 1 lớp, tăng quy mô lên 30 em so với năm học 2009 - 2010.

Từ dãy phòng học KCH này, đã có 30 trẻ em dân tộc Xê Đăng, Rơ Ngao… từ những xã cách xa trung tâm huyện 15-25 km được bước vào môi trường học tập mới, không phải cơm đùm cơm nắm và chắc chắn là có tương lai sáng lạn hơn. Năm học 2009-2010, trường có 100% học sinh tốt nghiệp THPT và 25% thi đỗ đại học nguyện vọng 1 vào ĐH Đà Lạt, ĐHSP Quy Nhơn,… số còn lại theo học các hệ cao đẳng, trung cấp, cử tuyển. "Nếu có thêm phòng học, chúng em sẽ tuyển thêm nhiều học sinh vì còn rất nhiều đồng bào ở xa muốn con em vào học tại trường" - cô Quế bày tỏ. Thêm vào đó, từ đề án kiên cố hóa này, trường có thêm điều kiện tổ chức phòng thiết bị và phòng học bộ môn, nâng cao chất lượng dạy học cho học sinh DTNT sánh ngang các vùng thuận lợi.

Niềm vui giản dị và chân thành khi có thêm phòng học mới của cô và trò trường DTNT Đắk Tô cũng chính là nguyện vọng bức thiết thay thế các phòng học tạm, xuống cấp, có được cơ ngơi kiên cố, khang trang của người đứng đầu ngành giáo dục Kon Tum. Ông Nguyễn Sỹ Thư, Giám đốc Sở GD-ĐT Kon Tum cho biết: Cả tỉnh cần tới 1.176 phòng học và 753 NCVGV. Số vốn được giao cả giai đoạn 2008 - 2012 là 212,06 tỷ đồng, trong đó vốn từ trái phiếu chính phủ (TPCP) là 169,648 tỷ đồng. Năm 2010, vốn TPCP đã cấp 72%, vốn đối ứng địa phương cũng đạt 70%, tổng số là 151,982/212,06 tỷ đồng. Nếu năm 2011 cấp đủ 212,06 tỷ đồng, dù đã áp dụng mẫu thiết kế đơn giản nhất, Kon Tum chỉ đủ để xây dựng khoảng 800 phòng học và 500 nhà công vụ, bằng 60% nhu cầu. Đến nay, Kon Tum đã hoàn thành 519 phòng học và 275 NCVGV, so với nhu cầu thực tế chỉ bằng 1/3.

Không chỉ với Kon Tum, qua khảo sát toàn diện về nhu cầu trường lớp của bà con, Gia Lai cần phải xây mới, kiên cố hóa 1.572 phòng học và 1.407 nhưng đến nay, nguồn vốn mà Đề án chương trình kiên cố hóa phân bổ cho tỉnh giai đoạn 2008-2012 là 290.216 triệu đồng không đủ để Gia Lai hoàn thành số phòng học và NCVGV trên.

Đến nay, Gia Lai mới hoàn thành 236 phòng học và 207 nhà công vụ, chỉ bằng khoảng 1/5 so với nhu cầu thực tế. Do sự bức thiết cần phải đủ phòng học và NCVGV nên tại các huyện, thị xã trong tỉnh, chủ đầu tư đã triển khai thi công nhiều công trình trong đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng chưa có vốn bố trí. Hiện Gia Lai còn nợ các nhà thầu 70 tỉ đồng đang xây dựng dở dang với hy vọng sẽ trang trải được nếu năm 2011, Trung ương cấp đủ nguồn vốn đã quyết định phân bổ.

Hoàng Hoa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN