Theo các chuyên gia tâm lý, sức khỏe; vận động, trải nghiệm thế giới bên ngoài là điều kiện cần thiết trong quá trình phát triển trí lực, thể lực của trẻ.
Tháng 4, tháng 5 vừa qua, nhiều trẻ em, học sinh ở Hà Nội đã có chuyến trải nghiệm ở rừng Cúc Phương lý thú. Ảnh: Kim Oanh |
Đưa trẻ ra ngoài chơi không phải là các chuyến đi xa, cần chi phí cao và điều kiện tốt; mà có khi chỉ cần một chuyến đi bằng xe buýt, thăm vườn cây, vườn hoa, trang trại giáo dục, rừng quốc gia cách trung tâm Hà Nội từ 10- 20km... cha mẹ cũng đã có thể mang thiên đường thiên nhiên đến cho trẻ.
Anh Phạm Hoàng Anh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) có hai con ở độ tuổi 4 tuổi và 5 tuổi cho biết: “ Tôi thường đưa hai con ra ngoài chơi khi có thời gian rảnh; các ngày nghỉ lễ, chủ nhật. Địa điểm đến thường là các công viên, trang trại, bảo tàng, có khi là bãi giữa sông Hồng…”, anh Hoàng Anh nói.
Rất nhiều phụ huynh như anh Hoàng Anh đã tham gia lập nhóm để đi chơi. Địa điểm có thể là rất gần hoặc có thể xa Hà Nội, tùy theo mùa. Trang facebook “Cho trẻ ra ngoài chơi” với gần 60.000 thành viên hay "Picnic cùng cong" đang là nơi trao đổi thông tin cho nhiều phụ huynh có cùng mục đích này.
Tại đây, phụ huynh có thể tự đưa ra địa điểm, kêu gọi các phụ huynh khác cùng tham gia. Có thể là thăm một vườn táo ở Hà Đông; cùng thu hoạch cà chua với nông dân ở Đông Anh (Hà Nội). Chị Thu Ngân (Quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Ý định cho con đi thăm, thu hoạch cà chua là do một lần đi làm việc nhìn thấy. Từ đó, tôi hỏi người dân thời điểm thu hoạch để thu xếp đến. Chúng tôi đã có cả buổi sáng để thu hoạch cà chua cùng nông dân. Bọn trẻ thì vô cùng vui thích”.
Không chỉ tổ chức đi chơi, khi đi về, nhiều phụ huynh thường viết cảm nhận về chuyến đi, chia sẻ kinh nghiệm để các phụ huynh khác cùng biết.
Cái được không đếm xuể
Anh Lê Sơn (một phóng viên ảnh tại Hà Nội) mỗi năm có hàng chục chuyến đi đến các vùng miền cho con trai cho biết: “Những chuyến đi này trẻ sẽ trực tiếp làm các công việc như dựng lều trại, tự làm một số công việc đơn giản trong nấu nướng, phục vụ những nhu cầu thiết yếu của bản thân trong điều kiện thiếu thốn ở bên ngoài”.
Bức tranh về rừng Cúc Phương được con gái 5 tuổi của anh Phạm Hoàng Anh (Hoàng Mai) vẽ về chuyến đi. Ảnh: Hoàng Anh. |
Còn anh Hoàng Anh cho biết: “Đối với gia đình tôi, đi chơi là một phần hoạt động trong chuỗi phát triển của hai con. Sau những lần đi chơi, hai con tôi tỏ ra khá vui vẻ và có cái nhìn với thế giới xung quanh rất thực tế thông qua việc vẽ tranh, cắt mô hình giấy, nấu ăn- trò chơi mà bố con tôi thường thực hiện khi có thời gian rảnh ở nhà. Đôi khi nghe phản hồi của cô giáo về các hoạt động này của các con trên lớp luôn đứng đầu hoặc "khá sinh động", "sáng tạo" tôi cũng thấy mình được khích lệ. Cha mẹ phải thật sự cùng suy nghĩ và cùng chơi với trẻ mới đạt được hiệu quả cao”.
Đánh giá về tầm quan trọng của việc cho trẻ học thông qua thiên nhiên, cô Lưu Thị Thu Hằng, Khoa Sư phạm Tiểu học – Mầm non, ĐH Hà Tĩnh cho biết: “Giáo dục mầm non nhiều nước trên thế giới luôn hướng đến việc tạo nhiều cơ hội để cho trẻ tự cảm nhận, tự khám phá và có trách nhiệm với những hành động của chúng. Đưa trẻ đến với thiên nhiên và để trẻ học cách cùng sống với thiên nhiên là những trải nghiệm lý thú, hấp dẫn nhất để trẻ có những cảm xúc thẩm mỹ sâu sắc và những hiểu biết về cuộc sống đa dạng xung quanh mình”.
Dẫn chứng về điều này, cô Lưu Thị Thu Hằng cho hay: “Ví dụ chương trình giáo dục mầm non Nhật Bản rất đề cao việc trẻ khám phá sự phát triển của thực vật qua các hoạt động cụ thể như chăm sóc khu vườn, gieo hạt, trồng cây …. hay trẻ được ăn khoai lang nướng vừa mới thu hoạch ngoài vườn. Khoai được nướng trong chính đống lá mà trẻ nhặt về. Trẻ cảm nhận mùi của khói, âm thanh của những chiếc lá cháy, không khí của bữa tiệc ngoài trời… Đây là một trải nghiệm tuyệt vời kích thích mọi giác quan của trẻ”.