Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh, cho rằng trẻ em nam hay nữ, dù ở độ tuổi nào cũng đều có nguy cơ bị xâm hại. Cơ thể là của các em, không ai được phép xâm hại, do đó nếu trẻ bị bất kì ai đụng vào khi không được cho phép đều được xem là tội ác. Trăn trở về những vụ án xâm hại trẻ em, luật sư Nữ cho biết, vấn đề chứng cứ là điều cần được lưu tâm. “Các em phải hiểu rằng, việc nói ra vấn đề này, không chỉ giúp đỡ chính bản thân các em, mà còn là giúp đỡ những người khác”, luật sư Nữ nhấn mạnh.
Thiếu tá Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên Trường ĐH An ninh Nhân dân (Bộ Công an) cho biết, nhiều vụ việc xâm hại trẻ đã xảy ra cho thấy có thể do gia đình sợ bị ảnh hưởng nên tội ác đã không được đưa ra ánh sáng. Thậm chí có vụ án cha đã dâm ô, hiếp con ruột, song vì sợ bị tai tiếng, dị nghị của hàng xóm, xã hội, nhiều người mẹ đã cam chịu, chấp nhận che giấu. Câu chuyện xảy ra trong thang máy của một chung cư ở quận 4 vừa qua cho thấy, nếu ban quản lý chung cư không làm tốt và không có trách nhiệm khi phát hiện thì vụ việc có thể bị “ém” khi đối tượng thực hiện hành vi đã tìm cách tiếp cận với gia đình nạn nhân để thỏa thuận.
“Chúng ta đang có hành lang pháp lý, hành lang bảo vệ đầy đủ, nhưng vì chúng ta đang thờ ơ với thói hư tật xấu nên các vụ việc về xâm hại tình dục trẻ chưa được giải quyết triệt để”, ông Phạm Anh Thắng, Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB-XH tại TP Hồ Chí Minh nói.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em cũng cho rằng, hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục còn có tư tưởng cổ hủ, e ngại khi cho rằng không nên nói những chuyện liên quan đến tình dục với trẻ em. Ở các cơ sở giáo dục hiện nay, đặc biệt là trong môi trường giáo dục phổ thông, hầu như không có bất cứ một người nào chuyên về tư vấn tâm lý hay trang bị kỹ năng sống cho học sinh. Nếu tổ chức, các trường đều mời chuyên gia bên ngoài.
Trong thời gian qua, hàng loạt các vụ dâm ô trẻ em diễn ra trên cả nước đã gây nhiều bức xúc trong cộng đồng. Nổi lên gần đây, một bé gái ở chung cư quận 4 (TP Hồ Chí Minh) bị dâm ô trong thang máy gây bức xúc trong xã hội khi đối tượng có hành vi dâm ô cho rằng đó chỉ là cưng nựng. Hay như một thầy giáo Trường THCS thị trấn Thới Bình (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) bị tố “sàm sỡ” nhiều nữ sinh trong lúc dạy thêm tại nhà riêng, tuy nhiên trong bản tường trình, thầy giáo này thừa nhận là có hành vi vuốt tóc, sờ tay các em và cho rằng đó là hành vi thân thiện, chứ không nhận hành vi đó là "sàm sỡ".
"Những tổn thương về tinh thần từ hành vi dâm ô không cân đong đo đếm được, có người mang theo suốt đời nhưng có người vượt qua và tiếp tục sống tốt. Đau khổ về mặt tinh thần có thể gây ra bệnh stress, gây ra trầm cảm, phải điều trị lâu dài. Trong thời gian qua, tại khoa Tâm thể tiếp nhận và tư vấn cho nhiều bệnh nhân bị sang chấn tâm lý do bị dâm ô từ nhỏ. Không chỉ người bị dâm ô cần được hỗ trợ tâm lý, mà ngay cả những người có hành vi lệch lạc về mặt tình dục cũng cần được hỗ trợ tâm lý, để không lặp lại những hành động trên", chuyên gia tâm lý Phan Thị Hoài Yến, khoa Tâm thể Bệnh viện quận Thủ Đức, cho biết.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để ngăn chặn nạn xâm hại tình dục, dâm ô... mỗi cơ sở giáo dục, trường học cần có người chuyên trách về giáo dục giới tính, giáo dục đạo đức và nhân cách. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần phải quan tâm và chia sẻ với con em mình nhiều hơn, làm chỗ tâm sự cho trẻ khi có sự cố xảy ra.