Đây là tiền đề đặc biệt quan trọng để toàn ngành Giáo dục, toàn xã hội cùng tiếp tục chung tay thực hiện nhiệm vụ lớn này trong bối cảnh, tình hình mới để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về những công việc sẽ được triển khai trong thời gian tới, với tinh thần, toàn ngành Giáo dục đề cao kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, ra sức phấn đấu để hoàn thành tốt hơn và hoàn thành tốt nhất các mục tiêu đề ra.
Chuẩn bị từ sớm cho những đổi mới của năm 2025
Thưa Bộ trưởng, năm học 2024-2025, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bước vào năm cuối của hành trình đầu tiên. Đây cũng là năm đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông theo phương án mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có sự chuẩn bị như thế nào cho năm học quan trọng này?
Sau 4 năm học triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo từng lớp, từng cấp học, giáo viên, học sinh đã hoàn toàn bắt nhịp với đổi mới. Các địa phương cũng đã dành nhiều quan tâm, đầu tư và ưu tiên cho triển khai đổi mới với phương châm “đầu tư, quan tâm dành cho giáo dục đúng thời điểm, hiệu quả sẽ lớn hơn, ý nghĩa sẽ cao hơn”.
Năm học 2024-2025, quá trình triển khai sẽ hoàn tất chu trình với các lớp cuối cùng của các cấp học. Đây cũng là năm học đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông được tổ chức theo phương án mới.
Chặng đường đổi mới giáo dục phổ thông vừa qua mặc dù có nhiều khó khăn, song cũng cho thấy quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và toàn ngành Giáo dục để từng bước hình thành tư duy đổi mới trong chính những người thực hiện, thụ hưởng đổi mới và thuyết phục xã hội về kết quả tích cực của đổi mới.
Xác định đây là năm học quan trọng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có sự chuẩn bị từ những năm học trước. Ví dụ, phương án thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông từ năm 2025 đã được xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi và nhận được sự đồng thuận rất cao từ xã hội. Ngay sau khi phương án được ban hành, Bộ đã bắt tay vào chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông 2025. Dự kiến Quy chế thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025 sẽ được ban hành vào tháng 11/2024. Tính ổn định lâu dài của quy chế thi cũng đã được tính đến trong quá trình dự thảo để thuận lợi cho học sinh, giáo viên, nhà trường và địa phương trong thực hiện.
Ngoài ra, quá trình chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025 cần triển khai thử trên phạm vi khá rộng để đánh giá. Do đó, các Sở Giáo dục và Đào tạo đã sẵn sàng phương án cho công tác này, đồng thời tập dượt, tránh những rủi ro khi triển khai kỳ thi chính thức.
Năm nay, kế hoạch thời gian năm học và các hướng dẫn năm học mới của từng cấp học đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành từ rất sớm, trong đó đề cập cụ thể tới từng nhiệm vụ, công việc cần làm và phải làm; bao gồm 2 nhiệm vụ quan trọng là chỉ đạo triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các lớp cuối cùng của các cấp học, chuẩn bị các điều kiện tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025.
Tại các hội nghị, cuộc họp của toàn ngành như Hội nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, hội nghị tổng kết năm học của từng cấp học, hội nghị tổng kết năm học toàn ngành…, các nội dung công việc đều đã được lãnh đạo Bộ, đại diện các Sở, cơ sở giáo dục trao đổi, thảo luận trên tinh thần chia sẻ kinh nghiệm, nắm bắt khó khăn và đề xuất, tìm giải pháp tháo gỡ, giải quyết.
Cùng với chỉ đạo, hướng dẫn, các đơn vị chuyên môn, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã và đang sát sao nắm bắt, có kế hoạch hỗ trợ, đồng hành với địa phương trong triển khai từng nhiệm vụ, công việc quan trọng của năm học mới 2024-2025.
Những chuyển động quan trọng giải quyết vấn đề thiếu giáo viên
Thiếu giáo viên là khó khăn chung của các địa phương khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 những năm vừa qua. Bước sang năm học mới, vấn đề này có chuyển biến tích cực hơn không, thưa Bộ trưởng?
Cả nước hiện có khoảng 1,6 triệu nhà giáo. Năm học 2023-2024, toàn ngành đã tuyển dụng được 19.474 giáo viên, tuy nhiên số học sinh không ngừng tăng dẫn đến số lớp tăng. Năm học 2023-2024, số lớp của cấp Trung học Cơ sở tăng 7.198 lớp (tương đương số giáo viên tăng 13.676), số lớp cấp Trung học Phổ thông tăng 1.213 lớp (tương đương số giáo viên tăng 2.729) so với năm học 2022-2023, dẫn đến số giáo viên còn thiếu vẫn còn nhiều và ở hầu hết các địa phương.
Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, năm học 2024-2025, số giáo viên còn thiếu so với năm học 2023-2024 tăng 19.856 giáo viên (giáo viên mầm non còn thiếu tăng 6.000 người, giáo viên phổ thông còn thiếu tăng 13.856 người).
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các địa phương tuyển hết số chỉ tiêu, đặt hàng đào tạo giáo viên; các trường đại học tích cực tổ chức đào tạo gắn với các môn học mới, giáo viên dạy tiếng dân tộc…
Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nâng cao vị thế của nhà giáo; trong đó có Luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội, tạo hành lang pháp lý cho việc ban hành các chính sách đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng, quản lý, tôn vinh, khen thưởng... và trao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong việc tuyển dụng, điều động, bố trí giáo viên.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu cấp có thẩm quyền phân bổ số chỉ tiêu biên chế còn lại theo Quyết định 72-QĐ/TW của Trung ương; quyết liệt đôn đốc các địa phương tuyển hết số biên chế được giao từ các năm trước và giao bổ sung. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương trong phạm vi thẩm quyền và điều kiện cụ thể về kinh tế - xã hội, có các chính sách hỗ trợ phù hợp đối với đội ngũ giáo viên của địa phương, tạo niềm tin và sự an tâm cho giáo viên trong quá trình công tác.
Thời gian qua, các chính sách ưu tiên dành cho sinh viên sư phạm, các thay đổi về tiền lương cơ bản… đã tác động tích cực đến việc lựa chọn theo học ngành Sư phạm của học sinh. Nhiều địa phương đã ban hành và thực hiện được các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo động lực để thu hút, “giữ chân” giáo viên; Luật Nhà giáo đang được xây dựng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn... Tất cả cho thấy đã có những chuyển động quan trọng để giải quyết được những khó khăn đặt ra đối với vấn đề đội ngũ.
Cần bảo đảm chi ngân sách tối thiểu cho giáo dục 20%
Bên cạnh thiếu giáo viên, việc đảm bảo đủ trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng đang gặp nhiều thách thức như quá tải về sĩ số ở các thành phố lớn; tỷ lệ trường lớp chưa kiên cố hóa cao ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa… Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương có những giải pháp gì để khắc phục?
Triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và đổi mới giáo dục phổ thông, thời gian qua, các địa phương đã quan tâm tăng cường đầu tư mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
Tuy nhiên, thực tế số phòng học chưa được kiên cố hóa vẫn còn cao, trung bình, cả nước còn khoảng 15,5% số phòng học chưa được kiên cố hóa. Vẫn có hiện tượng thiếu phòng học tại các khu vực có mật độ dân cư cao, các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; tỷ lệ đáp ứng về thiết bị dạy học theo chuẩn quy định trên phạm vi cả nước còn thấp, mới chỉ đạt 50,63%...
Để thực hiện được mục tiêu đến năm 2030 kiên cố hóa 100% cơ sở giáo dục và khắc phục được khó khăn về cơ sở vật chất, trường lớp hiện nay cần sự nỗ lực rất lớn từ các địa phương, trong đó có vai trò tham mưu của các Sở Giáo dục và Đào tạo.
Năm học 2024-2025 sẽ là năm chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm nên các Sở Giáo dục và Đào tạo cần lưu ý tham mưu xây dựng kế hoạch 5 năm 2025-2030 để địa phương chủ động đầu tư cho giáo dục. Cùng với đó, các địa phương cần bảo đảm chi ngân sách tối thiểu cho giáo dục 20%.
Ngoài ra, các địa phương cũng lưu ý khai thác chính sách đặc thù, chính sách ưu đãi đối với các tỉnh, thành phố. Tuy mức độ chính sách đặc thù của mỗi địa phương khác nhau nhưng đều có thể khai thác được những điểm có lợi để đầu tư phát triển giáo dục. Thời gian qua, nhiều địa phương đã làm tốt việc này và tạo được nguồn lực, động lực cho phát triển giáo dục địa phương.
Một trong những mục tiêu trọng tâm sẽ được ngành Giáo dục tập trung thực hiện trong năm học 2024-2025 là sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Đồng thời, tiếp tục kiên cố hóa trường lớp học, xóa phòng học tạm; phát triển trường lớp học ở các khu vực có dân số tăng nhanh, khu vực đông dân cư. Bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông và quản lý, sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học.
Vậy nhân dịp khai giảng năm học mới, Bộ trưởng có điều gì muốn nhắn nhủ tới cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên?
Kinh tế - xã hội của đất nước càng phát triển, càng đặt ra yêu cầu ngày càng cao với Giáo dục và Đào tạo. Chưa bao giờ ngành Giáo dục được giao trọng trách, niềm vinh dự lớn và thách thức cũng lớn như hiện nay. Năm học vừa qua, toàn ngành đã nỗ lực rất lớn để vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.
Năm học 2023-2024 đã kết thúc với nhiều kết quả tốt đẹp, năm học mới sắp bắt đầu, thay mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi ghi nhận, biểu dương và cảm ơn sự nỗ lực vượt bậc của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành, của các em học sinh, sinh viên trong năm học vừa qua.
Trước thềm năm học mới, tôi mong mỗi cán bộ quản lý, mỗi thầy giáo, cô giáo và nhân viên toàn ngành tiếp tục nỗ lực với cố gắng mới, quyết tâm mới, giải pháp mới, phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành để đưa giáo dục Việt Nam tiếp tục phát triển đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó. Chúc các thầy cô sẽ thêm niềm vui, động lực để công tác và cống hiến. Chúc cho các em học sinh, sinh viên sẽ có một năm học mới với nhiều sáng tạo và tiến bộ./.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!