Đào tạo song ngành: Xu thế tất yếu trong các chương trình đào tạo đại học

Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, thị trường lao động đòi hỏi người lao động phải có kiến thức liên ngành, đa ngành và có khả năng thích ứng cao. Theo đó, việc đào tạo song ngành tại các cơ sở giáo dục đại học sẽ trở thành một xu thế tất yếu.

Sức hút từ chương trình đào tạo song ngành

Học hai bằng đại học đang trở thành xu hướng, bởi nó mang lại lợi ích rõ rệt trong việc mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho người lao động. Tuy nhiên, trước đây, để có được hai bằng đại học, người học phải trải qua 8 năm, còn với chương trình đào tạo song ngành đang triển khai tại một số trường đại học hiện nay, thời gian rút xuống còn 4 năm, lại còn tiết kiệm chi phí học tập.

Chú thích ảnh
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) tư vấn cho thí sinh vào các ngành đào tạo tại trường.

Thạc sĩ Hoàng Ngọc Hiếu, Trưởng phòng Truyền thông Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho biết, chương trình đào tạo song ngành là sinh viên có thể học cùng lúc hai ngành học khác nhau trong cùng một trường đại học, hoặc khác trường. Cụ thể, sinh viên đang học ngành Quản trị Kinh doanh tại Trường Đại học Kinh tế - Luật thì có thể đăng ký học thêm một ngành về kỹ thuật tại Trường Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh.

“Nếu sắp xếp được thời gian học tập phù hợp, sinh viên theo học chương trình song ngành có thể cùng lúc tốt nghiệp và nhận được hai bằng đại học. Sinh viên theo học chương trình song ngành không chỉ rút ngắn thời gian học tập, có kiến thức liên ngành, tạo sự đa năng hơn, mà cơ hội việc làm cũng như vị trí việc làm cũng được mở rộng hơn”, Thạc sĩ Hoàng Ngọc Hiếu nhận định.

Với thế mạnh có 7 trường đại học thành viên, từ năm 2020, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) trở thành đơn vị tiên phong trong triển khai chương trình đào tạo song ngành. Theo TS. Dương Tôn Thái Dương, Phó trưởng Ban Đào tạo ĐHQG-HCM, chương trình đào tạo song ngành tại trường là phương thức kết nối và tổ chức học cùng lúc hai chương trình đào tạo thuộc hai ngành đào tạo khác nhau giữa các trường đại học thành viên, trên cơ sở đảm bảo chuẩn đầu ra của người học sau khi tốt nghiệp của cả hai chương trình đào tạo và phù hợp với khung trình độ quốc gia Việt Nam hiện hành.

Chương trình đào tạo song ngành gồm hai phần: Chương trình đào tạo ngành thứ nhất có khối lượng kiến thức theo quy định của khung trình độ quốc gia Việt Nam và ngành thứ hai có khối lượng kiến thức tối thiểu là 30 tín chỉ, tối đa là 80 tín chỉ và tổng khối lượng kiến thức (bao gồm các tín chỉ trùng nhau và được công nhận tương đương giữa hai chương trình) phù hợp với quy định hiện hành.

Chú thích ảnh
Dự kiến, năm 2023, ĐHQG-HCM sẽ mở thêm 5 chương trình đào tạo song ngành tại các trường đại học thành viên. Ảnh: UEL

Ban Đào tạo ĐHQG-HCM cho biết, việc công nhận và chuyển đổi tín chỉ phải đảm bảo kết quả đối sánh chuẩn đầu ra môn học, nhóm môn học, chương trình đào tạo. Khối kiến thức giáo dục đại cương, kiến thức bổ trợ, thực tập, khóa luận hay luận văn tốt nghiệp có thể được các đơn vị xem xét công nhận chuyển đổi giữa các chương trình đào tạo.

Mở rộng thêm chương trình đào tạo song ngành

Theo Ban Đào tạo ĐHQG-HCM, chương trình đào tạo song ngành đã được triển khai tại hai trường là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh với 5 ngành gồm: Báo chí, Quan hệ quốc tế, Tâm lý học, Ngôn ngữ Anh, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Trường ĐH Kinh tế - Luật có ba chương trình đào tạo song ngành gồm: Kinh tế đối ngoại, Quản trị kinh doanh và Luật kinh doanh.

Theo TS. Dương Tôn Thái Dương, sau 3 năm triển khai, ĐHQG-HCM đã đạt được những kết quả bước đầu trong việc xác lập cách thức triển khai và đáp ứng phần nào nhu cầu của sinh viên trong bối cảnh thay đổi liên tục của khoa học công nghệ dẫn đến xu hướng liên ngành, liên lĩnh vực trong nhu cầu từ thị trường lao động.

“Với những yêu cầu mới đối với nguồn nhân lực về chất lượng, kiến thức liên ngành, đa ngành và khả năng thích ứng với những thay đổi liên tục của cuộc cách mạng 4.0; cùng với đó là phương thức tổ chức đào tạo kết hợp, góp phần tạo điều kiện giúp người học linh hoạt và tham gia chương trình học, chương trình đào tạo song ngành chắc chắn sẽ là một xu thế tất yếu không chỉ đối với ĐHQG-HCM mà còn đối với giáo dục đại học tại Việt Nam trong việc triển khai các chương trình đào tạo”, TS Dương Tôn Thái Dương nhận định.

Theo đại diện Ban Đào tạo ĐHQG-HCM, dự kiến năm 2023, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai thêm ít nhất 5 chương trình đào tạo song ngành tại các trường đại học thành viên nhằm mở rộng phạm vi, quy mô và tăng cường hiệu quả hoạt động liên thông, liên kết chương trình đào tạo trong toàn hệ thống; đồng thời hình thành một cổng thông tin kết nối và hỗ trợ đào tạo song ngành giữa các đơn vị thành viên nhằm cung cấp đồng bộ một nền tảng chung trong triển khai hoạt động đào tạo song ngành.

Điều kiện để sinh viên theo học chương trình song ngành: Phương thức tuyển sinh xét tuyển dựa trên kết quả học tập ngành thứ nhất. Sinh viên có trình độ đại học chính quy đang học tại các trường đại học thành viên của ĐHQG-HCM được đăng ký học thêm một chương trình đào tạo thứ hai nếu đồng thời thỏa mãn các điều kiện tối thiểu sau: Ngành thứ hai sinh viên đăng ký học phải khác ngành thứ nhất mà sinh viên đang theo học; đã hoàn thành năm học đầu tiên của chương trình đào tạo ngành thứ nhất và xếp loại học lực từ trung bình khá trở lên.
Bài và ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
Phát triển các Đại học Quốc gia trở thành trung tâm đào tạo hàng đầu của cả nước, hội nhập ngang tầm quốc tế
Phát triển các Đại học Quốc gia trở thành trung tâm đào tạo hàng đầu của cả nước, hội nhập ngang tầm quốc tế

Ngày 6/7, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 261/TB-VPCP truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Đại học Quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN