Đánh giá học sinh - bước đệm đổi mới phương pháp dạy học

Theo Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đánh giá là hoạt động quan sát, theo dõi, nhận xét và kiểm tra của giáo viên, học sinh và phụ huynh nhằm tác động thường xuyên lên quá trình học tập, rèn luyện của học sinh, giúp các em tự tin, phấn khởi và tiến bộ thường xuyên. Bởi vậy, đánh giá không chỉ xác định mức độ đạt được theo chuẩn kiến thức kỹ năng các môn học sau mỗi giai đoạn học tập mà quan trọng hơn giúp học sinh tiến bộ hàng ngày, đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh.


Một giờ học tại trường tiểu học Nậm Cắn, huyện vùng cao biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Đây là xã vùng cao xa nhất tỉnh, giáp biên giới Việt Lào, 100% học sinh của trường là người dân tộc thiểu số (Mông, Thái, Khơ Mú).


Sau giờ tan học, mỗi lần đón con ở cổng trường, chị Nguyễn Thanh Hải, phường Lê Mao, thành phố Vinh không còn hỏi câu quen thuộc: “Hôm nay con được mấy điểm?” mà thay vào đó chị hỏi về tâm trạng của con, về những kiến thức mới con học ở trên lớp và những lời nhận xét của cô giáo. “Việc không chấm điểm học sinh sẽ không gây áp lực về điểm số và các con sẽ không bị so sánh kết quả học tập của mình với bạn bè. Hơn nữa, qua nhận xét của giáo viên, phụ huynh sẽ biết điểm mạnh, điểm yếu của con em mình, từ đó phối hợp với nhà trường để giúp học sinh đạt được kết quả học tập tốt nhất”, chị Hải bày tỏ quan điểm.



Là năm thứ 3 thực hiện chương trình giáo dục mới VNEN và là năm thứ 2 học chương trình công nghệ Tiếng Việt nên khi triển khai thực hiện Thông tư 30, Nghệ An thuận lợi hơn so với nhiều địa phương khác. Qua một năm thực hiện bằng cách đánh giá đối với học sinh lớp 1, đội ngũ giáo viên, học sinh cũng như phụ huynh không còn quá bỡ ngỡ. “Thay đổi cách đánh giá là một chuỗi trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học, phát triển năng lực người học. Thông qua cách đánh giá để khuyến khích sự cố gắng, động viên sự thành công, hướng dẫn các em vượt qua những khó khăn trong quá trình học tập, tạo niềm vui mỗi ngày tới trường. Đối với học sinh tiểu học, đội ngũ giáo viên càng phải cẩn trọng trong mỗi lời khen, chê. Chê nhưng dưới hình thức khen để động viên các cháu là chủ yếu”, cô Nguyễn Thị Lan Anh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thu Thủy, thị xã Cửa Lò cho biết.


Đồng quan điểm trên, cô Nguyễn Thị Phúc, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nghi Thu, thị xã Cửa Lò là những giáo viênđã thực hiện chủ trương đánh giá học sinh tiểu học mới này từ 3 năm qua khẳng định: “Đây thực sự là một cách làm tốt, tạo được sự công bằng cho học sinh lớp 1, để các em có điều kiện phát huy cao nhất năng lực của mình và cũng là cách để giáo viên tiểu học dần thích nghi với việc đổi mới giáo dục”.



Tuy nhiên, khi thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư 30, đội ngũ giáo viên gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật đánh giá. Muốn đánh giá sát học sinh, giáo viên phải nắm chắc, nắm chuẩn kiến thức của từng môn học, từng bài học, nắm chắc yêu cầu kỹ năng về sự hình thành và phát triển về phẩm chất, năng lực của học sinh tiểu học ở từng độ tuổi, từ đó quan sát từng học sinh để đưa ra được nhận định đúng hoặc lời khuyên về cá nhân một học sinh tiểu học. Bên cạnh đó, khi thực hiện Thông tư 30, giáo viên khó thay đổi thói quen từ đánh giá bằng điểm sang đánh giá bằng nhận xét. Giáo viên chưa được làm quen với kỹ thuật đánh giá mới nên lúng túng. Để đánh giá sát, đúng, giáo viên phải mất khá nhiều thời gian để chỉ ra chỗ nào đúng, chỗ nào sai, sau đó lựa lời để phê cho học sinh.


Quả thực, muốn nhận xét, đánh giá học sinh một cách chính xác, đòi hỏi giáo viên phải thật sự công tâm và có trách nhiệm, không cảm tính. Để giảm tải những áp lực về thời gian và khó khăn về kỹ thuật đánh giá, theo những người làm công tác quản lý giáo dục ở Nghệ An thay vì nhận xét chung chung, dàn trải tất cả học sinh trong lớp, giáo viên nên phân nhóm học sinh, thậm chí phân theo tổ để theo dõi, đánh giá. Cụ thể, ở tiết học Tiếng Việt hoặc Toán, giáo viên sẽ chú ý hơn đến nhóm học sinh có học lực trung bình và yếu rồi tập trung nhận xét, đánh giá, khuyến khích những bài làm tốt và chỉ rõ những bài chưa làm được hoặc làm sai, đồng thời đưa ra lời khuyên cho từng em học sinh trong nhóm đó.


Thực hiện Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã ban hành hai văn bản quan trọng là công văn số 1747 và công văn số 2050 về việc hướng dẫn thực hiện Thông tư. Mới đây, Sở đã chỉ đạo 3 đoàn công tác xuống các trường Tiểu học trên địa bàn để nắm tình hình, hỗ trợ kỹ thuật cho cán bộ quản lý, giáo viên từ đó tổ chức hội thảo, rút kinh nghiệm vào học kỳ I.



Để hạn chế tiêu cực trong đánh giá định kỳ kiểm tra ở mỗi lớp học, trường học, theo ông Trần Thế Sơn - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo phải có cơ chế kiểm soát tốt. Đó là bàn giao chất lượng giữa các giáo viên với nhau trong trường, tức là giáo viên kiểm soát lẫn nhau, (giáo viên lớp 3 kiểm soát giáo viên lớp 2, giáo viên lớp 4 kiểm soát giáo viên lớp 3) để nghiệm thu và bàn giao chất lượng dạy học.


Bên cạnh đó cần tăng cường khảo sát chất lượng bằng đánh giá ngoài do Phòng Giáo dục và Đào tạo đảm nhiệm để đánh giá đúng thực trạng chất lượng dạy học ở từng trường. Phòng sẽ đến bất kỳ một trường nào, bốc thăm ở bất kỳ một lớp nào, sau đó ra đề để học sinh tự làm bài tập, lấy kết quả làm bài của học sinh để đánh giá chất lượng dạy và học của chính trường đó. Việc làm này sẽ tác động lớn đến giáo viên, bản thân mỗi giáo viên sẽ tự học, tự bồi dưỡng kiến thức, đổi mới phương pháp dạy học linh hoạt để nâng cao chất lượng dạy học phù hợp với đối tượng học sinh. Từ đó, phải tăng cường trách nhiệm của quản lý nhà trường đối với công tác đánh giá của giáo viên để có điều chỉnh kịp thời. Bên cạnh đó là tăng cường giám sát của xã hội qua phụ huynh thông qua Sổ liên lạc giữa giáo viên và cha mẹ học sinh để giúp đỡ học sinh tiến bộ.


Đối với giáo viên bộ môn hoặc giáo viên 2, để giảm thời gian ghi hồ sơ, dành thời gian cho giáo viên nghiên cứu bài dạy và giáo dục học sinh, trong Sổ theo dõi chất lượng, giáo viên chỉ cần ghi những thông tin thực sự cần thiết. Nếu học sinh không có gì đặc biệt cần khuyến khích hoặc giúp đỡ, giáo viên chỉ cần ghi “Hoàn thành” đối với nội dung đánh giá về quá trình và kết quả học tập; “Đạt yêu cầu” đối với nội dung đánh giá về năng lực, phẩm chất.



Tin, ảnh: Bích Huệ

Mô hình trường học mới ở TP. HCM
Mô hình trường học mới ở TP. HCM

Tại thành phố Hồ Chí Minh, trong năm học mới 2014 – 2015 có 51 trường tiểu học thực hiện mô hình trường học mới VNEN và 104 trường tiểu học sẽ thí điểm từng phần mô hình này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN