Mô hình trường học mới ở TP. HCM

Xóa bỏ những bất cập của cách dạy truyền thống, mô hình trường học mới mà Bộ GD&ĐT đang thí điểm ở 63 tỉnh thành đang phát huy được những thế mạnh tích cực. Tại thành phố Hồ Chí Minh, trong năm học mới 2014 – 2015 có 51 trường tiểu học thực hiện mô hình trường học mới VNEN và 104 trường tiểu học sẽ thí điểm từng phần mô hình này. 



Đến trường tiểu học Tân Thông, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, nơi đã áp dụng mô hình trường học mới từ cách đây 2 năm có thể cảm nhận rõ sự hào hứng của cả thầy và trò nơi đây với mô hình này. Không khí sôi nổi, thậm chí ồn ào là đặc trưng tại ngôi trường ở vùng ngoại thành này. Mỗi lớp trong trường đều tự bầu ra Hội đồng tự quản lớp vào đầu mỗi năm học. Cũng tương tự Ban cán sự lớp, nhưng ở đây các em học sinh được lựa chọn cho mình vào các Ban phù hợp như ban học tập, ban văn nghệ, ban đối ngoại hay ban trật tự.


Việc bố trí trong phòng học cũng đặc biệt hơn so với các lớp học thông thường. Lớp học có khoảng từ 6 đến 7 nhóm, mỗi nhóm gồm từ 5 đến 8 học sinh. Điều này nằm trong các đặc điểm nổi bật của mô hình trường học mới (VNEN) mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa vào thí điểm 2 năm qua. Bước đầu phương pháp này đã tạo ra những thay đổi trong nhận thức của các em.


Một giờ học của mô hình trường học mới.


Cô Lương Thị Dung, Trường TH Tân Thông, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh cho biết: “ Theo học mô hình VNEN này, các em được rèn nhiều cái kĩ năng lắm: kĩ năng tự quản này, kỹ năng trình bày trước đám đông,… nên các em tự tin hơn. Các kiến thức có được là do các em tự lĩnh hội chứ không phải do giáo viên truyền giảng như trước. Đối với mỗi giáo viên, dạy theo mô hình này không cần soạn giáo án mà cần hơn là phải theo dõi, định hướng cho các em học theo sách, tự học mở mang bài học”.


Cô Võ Thị Giang Thanh,Trường TH Tân Thông, huyện Củ Chi cũng hào hứng bày tỏ: “Mới đầu các bé rất là bỡ ngỡ nhưng mà khi qua 1 tháng, 2 tháng thì các bé rất là tự nhiên, tự hoạt động khi mà không có giáo viên. Tự mở bài ra, các nhóm tự thực hiện theo các hoạt động trong sách. Mô hình này có ưu điểm là làm cho học sinh mạnh dạn, gần gũi với thầy cô. Nếu cách dạy truyền thống làm học sinh luôn sợ sệt thì nay các em rất thân mật. Các em tự học là chính nên cũng rất vui vẻ tiếp xúc với thầy cô”.


Với Mô hình trường học mới VNEN sách giáo khoa bao gồm nội dung “ 3 trong 1”, nghĩa là cùng một quyển sách dành cho cả giáo viên, phụ huynh và học sinh. Trong đó, học sinh là trung tâm. Đối với mỗi bài học, học sinh phải tự tiếp cận kiến thức theo cách của mình. Sau đó làm việc nhóm 2 người hoặc nhóm nhiều người. Nếu có phần nào học sinh chưa hiểu, mới nhờ đến sự trợ giúp của giáo viên.


Phương pháp học tập này không chỉ giúp các em tạo lập kỹ năng làm việc nhóm, mà còn giúp học sinh nhớ sâu hơn bài học của mình. Điều quan trọng là là mô hình này đã tạo cho các em sự hào hứng với việc học tập.


Bên cạnh việc phát huy những tính tích cực, thì mô hình này còn gây khó khăn cho các trường khi mới làm quen và áp dụng. Đặc biệt là ở những nơi sĩ số học sinh trong một lớp học đông, diện tích phòng học chật hẹp, thì việc bố trí phòng học theo nhóm là vấn đề nan giải. Tuy nhiên, với tinh thần nếu kêu ca thì sẽ không đổi mới được, các trường đã luôn chủ động tìm tòi, sáng tạo để khắc phục khó khăn.


Ông Nguyễn Tuấn Lê, Hiệu trưởng trường TH Tân Thông, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Để triển khai mô hình dạy học mới này, chúng tôi chủ động trao đổi kinh nghiệm với các trường ở các tỉnh lân cận như là trường TH Phước Sang ở tỉnh Bình Dương, và trường TH Ngô Quyền ở tỉnh Tây Ninh, từ đó các giáo viên cùng nhau tháo gỡ khó khăn với các tình huống xảy ra trong thực tế”.


Trong năm học 2013-2014, thành phố Hồ Chí Minh có duy nhất một trường tiểu học Tân Thông đã áp dụng toàn bộ mô hình trường học mới. Nhưng có đến 82 trường tiểu học đã áp dụng từng phần và nhiều trường đã vận dụng tinh thần của mô hình này vào trong việc dạy và học. Với những dấu hiệu tích cực mà mô hình này mang lại, năm học này, thành phố Hồ Chí Minh có thêm nhiều trường đã tự nguyện đăng kí triển khai mô hình.


Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Tiểu học, Sở GD&ĐT Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Đến năm học 2014-2015 này, chúng tôi mở rộng ra thêm 51 trường sẽ áp dụng toàn phần và hơn 100 trường sẽ áp dụng từng phần và các trường khác sẽ áp dụng theo điều kiện của từng trường. Dự kiến năm học 2015-2016 chúng tôi sẽ mở rộng mô hình trường học mới VNEN ra các quận, huyện còn lại với điều kiện là các trường tự nguyện thực hiện và các trường phải đảm bảo học 2 buổi/ ngày”.


Với mô hình VNEN, thành phố Hồ Chí Minh đã sẵn sàng cho một lộ trình đổi mới toàn diện giáo dục. Bằng việc thay đổi quan điểm từ chỗ giáo viên dạy, sang phương thức giáo viên hướng dẫn, học sinh tự học, tiến tới thay đổi trong việc đánh giá, xếp loại trình độ của người học một cách đầy đủ, chính xác, giáo dục tiểu học thành phố Hồ Chí Minh đang chuyển động gần hơn tới mục tiêu cao nhất là hình thành và phát huy phẩm chất và năng lực của từng học sinh.



Thanh Hà

Bộ Giáo dục đề nghị các tỉnh cùng chống lạm thu trong trường học
Bộ Giáo dục đề nghị các tỉnh cùng chống lạm thu trong trường học

Năm 2011, Bộ Giáo dục và Đạo đã ra thông tư cấm Ban đại diện cha mẹ học sinh thu các khoản không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện như bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN