* Tại tỉnh Tuyên Quang, từ ngày 27/4-11/5, hơn 200.000 học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã đi học trở lại sau thời gian nghỉ dài do ảnh hưởng dịch COVID-19. Để đảm bảo đúng yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo các trường tiếp tục chủ động phối hợp với cơ sở y tế, chính quyền địa phương làm tốt công tác phòng, chống dịch; nắm chắc tình hình, đảm bảo an toàn, yên tâm cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và gia đình học sinh; chủ động xây dựng các phương án khi học sinh có các biểu hiện ho, sốt, khó thở..., báo ngay cho cơ sở y tế địa phương và gia đình học sinh để thăm khám kịp thời.
Đối với các trường mầm non phải căn cứ điều kiện thực tế của từng trường, điểm trường để có kế hoạch đi học trở lại; ưu tiên nguồn lực để huy động và tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi để chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng vào lớp 1. Các trường tổ chức bán trú cho trẻ khi đảm bảo các điều kiện an toàn phòng bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, tuyệt đối an toàn cho trẻ. Các cơ sở giáo dục điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp; lựa chọn những nội dung giáo dục cốt lõi, cần thiết giúp trẻ đạt được mục tiêu, kết quả theo chương trình giáo dục mầm non.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang yêu cầu học sinh cấp tiểu học đi học 1 buổi/ngày. Các cơ sở giáo dục duy trì nề nếp, kỷ cương trường, lớp học, tổ chức ôn tập lại nội dung kiến thức đã học; rà soát, phân loại học sinh để có kế hoạch dạy bù kiến thức còn thiếu cho học sinh; kiểm tra, đánh giá kết quả học tập phải chính xác, khách quan, trung thực, phản ánh đúng trình độ nhận thức của học sinh; tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh học kỳ 2 năm học 2019-2020 theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo. Trường Phổ thông Dân tộc bán trú, bố trí thời gian ăn cho học sinh lệch nhau; làm tốt công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm; thường xuyên vệ sinh nơi ăn, ở.
* Tại tỉnh Vĩnh Long, ngày 11/5, hơn 36.000 học sinh ở độ tuổi mầm non quay trở lại trường sau kỳ nghỉ dài để phòng, chống dịch COVID-19. Theo ghi nhận, trong ngày đầu trở lại trường, có hơn 60% trẻ đến lớp do đa số các trường chưa tổ chức dạy bán trú, nhiều phụ huynh không có điều kiện đưa đón con một buổi nên chưa cho trẻ đi học. Để đảm bảo các điều kiện an toàn khi trẻ đến trường, các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh tích cực thực hiện nhiều biện pháp phòng chống bệnh như: Vệ sinh khuôn viên trường, tổ chức đón trẻ ở cổng trường để đo thân nhiệt, tăng cường hướng dẫn trẻ vệ sinh cá nhân…
Tại Trường mầm non thị trấn Cái Nhum, huyện Mang Thít, sáng 11/5, có gần 50% học sinh quay lại trường học. Ngay từ sáng sớm, giáo viên đã có mặt ở cổng trường để đón học sinh, đo thân nhiệt và hướng dẫn trẻ cách rửa tay. Ngay trong tiết học đầu tiên, các giáo viên cho các em thực hành rửa tay theo hướng dẫn của ngành y tế, tổ chức các hoạt động vui chơi, thể dục để nâng cao thể chất cho trẻ.
Cô Nguyễn Thị Mộng Em, giáo viên Trường mầm non thị trấn Cái Nhum cho biết, trong những ngày nghỉ học, giáo viên thường xuyên liên hệ, trao đổi với phụ huynh về tình hình dinh dưỡng, sức khỏe và nuôi dạy trẻ ở nhà. Khi chuẩn bị cho trẻ đến lớp, giáo viên cũng thông báo phụ huynh những việc cần làm và những dụng cụ cá nhân cần mang để trẻ sử dụng riêng, hạn chế dùng chung đồ dùng. Trong quá trình ở lớp, giáo viên sẽ hướng dẫn trẻ các kỹ năng về phòng chống dịch bệnh như rửa tay, đeo khẩu trang nơi đông người, ăn thức ăn giàu dinh dưỡng... dần dần hình thành thói quen tự vệ sinh cá nhân cho các em.
Theo Hiệu trưởng Trường mầm non thị trấn Cái Nhum Nguyễn Trúc Chi, những ngày qua, trường tăng cường các hoạt động vệ sinh môi trường để chuẩn bị đón trẻ và tập huấn cho giáo viên phương pháp phòng dịch để hướng dẫn trẻ thực hiện; yêu cầu giáo viên theo dõi sát tình hình sức khỏe của trẻ để kịp thời xử lý khi trẻ có biểu hiện bệnh.
Còn tại Trường mầm non Tư thục Hoa Sen, xã An Phước, huyện Mang Thít, để đảm bảo công tác bán trú được tổ chức tốt, nhà trường đã vệ sinh khuôn viên trường, tăng cường vệ sinh ở bếp ăn, các dụng cụ ăn uống của trẻ nhằm đảm bảo sức khỏe cho các em khi học cả ngày tại trường. Ngoài ra, giáo viên cũng thường xuyên nhắc nhở trẻ giữ vệ sinh cá nhân, hướng dẫn rửa tay trước và sau khi đi ăn, hạn chế đưa tay lên mắt, miệng...
Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long Trương Thanh Nhuận, để chuẩn bị đón trẻ mầm non trở lại trường, Sở đã sớm có công văn hướng dẫn cụ thể những việc cần làm để phòng, chống dịch COVID-19 và đảm bảo an toàn cho trẻ. Trong tuần đầu nhập học, tùy theo tình hình thực tế, các trường tham khảo ý kiến phụ huynh về việc tổ chức học bán trú lại cho trẻ. Đối với các cháu 5 tuổi, bên cạnh đảm bảo an toàn, vệ sinh cần rèn luyện kỹ năng để trẻ tự tin bước vào lớp 1. Tuy nhiên, để đảm bảo các điều kiện tốt nhất và an toàn cho trẻ khi đến trường, Sở sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát việc thực hiện; tăng cường phối hợp với ngành y tế để hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm...
* Tại tỉnh Long An, ngày 11/5, học sinh cấp tiểu học và mầm non đã đi học trở lại sau thời gian tạm nghỉ phòng, chống dịch COVID-19. Đến thời điểm này, tất cả sinh viên, học sinh các cấp toàn tỉnh đã đi học trở lại. Ghi nhận trong ngày đầu, học sinh mầm non đến trường đạt tỉ lệ không cao (với gần 60%), trong khi đó cấp tiểu học đạt trên 89%.
Trường Tiểu học Mai Thị Non, huyện Bến Lức có 30 lớp, mỗi khối 6 lớp, các lớp chỉ học buổi sáng. Tại cổng trường, các thầy cô giáo dùng máy đo thân nhiệt cho tất cả các em trước khi vào lớp. Để đón học sinh đi học trở lại, trường lớp đã được lau dọn sạch sẽ và tiến hành các biện pháp khử khuẩn.
Bên cạnh đó, nhà trường đặc biệt lưu ý phụ huynh theo dõi điện thoại để giáo viên chủ nhiệm tiện liên hệ khi có việc cần. Nhà trường cũng thông báo phụ huynh nghiêm túc thực hiện các quy định phòng, chống dịch như: Phụ huynh đưa đón học sinh ngoài cổng trường, không tự do đi lại trong trường, giữ khoảng cách với mọi người xung quanh; trang bị cho con em đầy đủ khẩu trang để đeo từ nhà đến trường và từ trường về nhà, không bắt buộc đeo khẩu trang trong lớp; mỗi em chuẩn bị 1 bình nước riêng. Ngoài ra, nếu học sinh có biểu hiện sốt thì nên cho trẻ đi khám và báo ngay cho giáo viên biết...
Các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn tỉnh cũng trang bị nước sát khuẩn khô trong lớp và ngoài hành lang. Thầy cô giáo nhắc nhở học sinh thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch. Đối với các lớp nhỏ, giáo viên trực tiếp phun khử khuẩn và hướng dẫn các em vệ sinh tay mỗi ngày đến lớp. Tạm thời để chuẩn bị cho công tác bán trú được ổn định nên các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn đều không chia ca và học một buổi sáng.
Thống kê trong ngày 11/5 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An cho biết, học sinh các cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông đến trường đạt tỉ lệ lần lượt 98,58% và 98,35%. Thực hiện chỉ đạo không áp dụng giãn cách trong lớp học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở đang làm văn bản dự kiến chuẩn bị cho học sinh các cấp học 2 buổi và học bán trú trở lại.
* Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Hòa Bình, từ ngày 11/5, học sinh tiểu học và trẻ mầm non sẽ đi học trở lại với tổng số 142 nghìn học sinh. Trong đó, tiểu học là 85 nghìn học sinh, mầm non 57 nghìn học sinh đã đi học trở lại bình thường.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình, bà Bùi Thị Kim Tuyến cho biết: Mặc dù không còn phải thực hiện việc giãn cách xã hội nhưng để tiếp tục đảm bảo an toàn sức khỏe cho cán bộ, giáo viên và học sinh, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh hòa Bình tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, trường học thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế và tỉnh Hòa Bình về phòng, chống dịch COVID-19; tuyệt đối không chủ quan, thiếu trách nhiệm, có các giải pháp phù hợp nhằm ứng phó với mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình, toàn tỉnh hiện có 541 đơn vị, trường học thuộc các khối mầm non, tiểu học-trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, cao đẳng, trung cấp với tổng số 223 nghìn học sinh đi học trở lại. Các trang thiết bị y tế như: Máy đo thân nhiệt, nhiệt kế, nước rửa tay sát khuẩn và khẩu trang cơ bản được trang bị đầy đủ. Các đơn vị trường học đã tuân thủ các điều kiện tuyệt đối an toàn, thực hiện các biện pháp khử trùng, vệ sinh lớp học phòng bệnh cho học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tại các điểm Trường Phổ thông Dân tộc nội trú được UBND huyện, thành phố sử dụng làm khu cách ly tập trung đã triển khai thực hiện các biện pháp khử trùng, đảm bảo an toàn cho sinh trở lại học tập. Trong đó, các hoạt động bán trú tại các trường đảm bảo nghiêm việc thực hiện ăn chín, uống sôi, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn nhà trường được thực hiện nghiêm túc. Tại các bếp ăn tập thể của trường đều tổ chức chia suất cho học sinh, mỗi học sinh có một cốc uống nước dùng riêng, được vệ sinh hằng ngày bằng nước khử trùng.
Để tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch cho học sinh theo đúng hướng dẫn ngành giáo dục và y tế, ngay đầu giờ mỗi buổi học, cán bộ, giáo viên, nhân viên các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh Hòa Bình tiếp tục truyên truyền, phổ biến trên hệ thống loa nhà trường về các quy định đảm bảo an toàn phòng chống dịch như: đeo khẩu trang trong suốt thời gian đến lớp, sử dụng nước uống riêng, sát khuẩn tay và đo thân nhiệt...