Năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh Lai Châu có 368 trường, với tổng số 146.900 học sinh; trong đó có 226 trường mầm non, tiểu học, phổ thông dân tộc bán trú, nội trú, liên cấp Tiểu học – Trung học cơ sở tổ chức cho học sinh ăn bán trú tại trường.
Xã Mù Sang một trong 6 xã của huyện Phong Thổ đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Kể từ khi công bố dịch và triển khai các biện pháp dập dịch cũng như ngăn chặn dịch lây lan ra các vùng khác, lượng thịt lợn tiêu thụ trên địa bàn đã giảm đáng kể. Điều này ảnh hưởng đến việc duy trì chất lượng và chế độ ăn cho học sinh bán trú tại các đơn vị trường học trên địa bàn xã.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mù Sang có 216/388 em học sinh đang ăn, ở bán trú tại trường. Từ khi trên địa bàn xã xảy ra dịch tả lợn châu Phi, lượng thịt lợn được sử dụng trong bữa ăn cho các em ít đi do nguồn cung cấp bị thiếu. Do đó, để duy trì chất lượng bữa ăn cho các em, nhà trường đã bố trí các thực phẩm khác để thay thế như thịt gà, thịt bò, cá...
Thầy giáo Phạm Duy Thinh, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mù Sang cho biết, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã xác định việc đảm bảo, nâng cao chất lượng bữa ăn cho học sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, tạo lòng tin của phụ huynh khi gửi gắm con em mình.
Đặc biệt, sau khi trên địa bàn xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, nhà trường đã báo cáo với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Thổ nhằm thay đổi khẩu phần ăn cho các em được đảm bảo nhất. Đồng thời nhà trường luôn chú trọng đến việc chọn thực phẩm, cơ sở uy tín để ký hợp đồng cung ứng. Việc lưu trữ mẫu phẩm, kiểm tra quy trình sơ chế, chế biến cũng được cán bộ y tế thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình và có sự giám sát của Ban giám hiệu nhà trường. Đồng thời, nhà trường cũng công khai bảng kê nguồn thực phẩm hàng ngày tại bảng thông tin của nhà trường để phụ huynh nắm bắt, yên tâm về chất lượng bữa ăn của con.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Thổ đã có văn bản chỉ đạo 52 đơn vị trường có học sinh ăn ở bán trú tại trường tăng cường tuyên truyền, ồn định tâm lý phụ huynh; kiểm soát chặt chẽ thực phẩm đầu vào và quy trình chế biến…, nhằm đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng bữa ăn cho học sinh.
Thảo bà Vương Đào Tiên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Thổ, việc chỉ đạo các đơn vị trường thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm và đảm bảo chất lượng bữa ăn cho học sinh là nhiệm vụ thường xuyên, chứ không phải khi có dịch mới chỉ đạo. Ngày từ đầu năm học, Phòng đã chỉ đạo các đơn vị trường phải lựa chọn nhà thầu cung ứng thực phẩm phải đủ tiêu chuẩn, đủ điều kiện; thực phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, tươi ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm chất lượng. Đối với các đơn vị nhà trường phải thực hiện nghiêm túc việc lưu mẫu thực phẩm; công tác quản lý bếp ăn bán trú và công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh truyền qua thực phẩm…
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ở các bếp ăn bán trú trong nhà trường có vai trò rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, phát triển về trí lực và thể lực của học sinh. Chính vì vậy, đây là một nội dung thường xuyên được ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Lai Châu quan tâm chỉ đạo.
Ông Lưu Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu cho biết, trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây, Sở Giáo dục và Đào tạo đã kịp thời ban hành văn bản số 329/SGDĐT-CTTT, trong đó yêu cầu các đơn vị nhà trường tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên và học sinh nhận thức đúng mức độ và nguy cơ lây lan của dịch bệnh, nhất là các trường có nuôi ăn bán trú. Yêu cầu các nhà trường phải tuyên truyền rộng, rõ đến các cán bộ và học sinh hiểu dịch tả lợn châu Phi chỉ lây qua lợn chứ không lây sang người. Nếu biết rõ về nguồn gốc thực phẩm và chế biến đúng theo yêu cầu thì vẫn đảm bảo, cho nên các trường vẫn có thể cho học sinh ăn thịt lợn.
“Do các đơn vị trường đã chủ động thực hiện tốt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm như: Lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm uy tín, đảm bảo chất lượng; công tác kiểm thực được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy trình 3 bước của Bộ Y tế; không sử dụng thực phẩm giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ… Cho nên dịch tả lợn châu Phi hầu như không ảnh hưởng đến công tác nuôi dưỡng học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh”, ông Lưu Hồng Phương khẳng định.