* Cụ thể, trẻ Mầm non đến trường đạt 39,43% do phụ huynh có tâm lý cho con nghỉ hết dịp lễ 30/4 và 1/5. Học sinh Tiểu học đi học đạt 83,80%, học sinh Trung học Cơ sở đạt 69,37% do các nhà trường bố trí học xen kẽ sáng chiều hoặc học cách ngày. Khối học sinh Trung học Phổ thông đạt 95,83%, học sinh Giáo dục thường xuyên đạt 90,75%.
Ghi nhận nhanh của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Hải Phòng, ngày 27/4, các trường học đều chuẩn bị tốt điều kiện vệ sinh phòng dịch như phun khử khuẩn, trang bị dung dịch sát khuẩn, phát khẩu trang cho từng học sinh. Để đảm bảo việc kiểm tra thân nhiệt và tránh tình trạng học sinh đồng loạt đến trường, một số trường đã điều chỉnh giờ vào lớp của các khối chênh nhau từ 5- 10 phút.
Hai nội dung được quan tâm nhất khi học sinh Hải Phòng quay trở lại trường học là đảm bảo an toàn cho trẻ Mầm non và đảm bảo giãn cách cho học sinh các khối còn lại. Với khối Mầm non, các trường đều hướng dẫn cha mẹ học sinh đo thân nhiệt cho con ở nhà, thấy sức khỏe của con đảm bảo mới đưa đi học. Tại nhà trường, sàn nhà, đồ chơi đều được khử khuẩn. Tuy nhiên, việc giãn cách rất khó khăn do cơ sở vật chất khó đáp ứng.
Đối với các khối lớn hơn, việc đảm bảo giãn cách trong thời gian đầu là tạm khả thi do các trường đều bố trí học theo hướng chia mỗi lớp thành hai ca học sáng - chiều hoặc khối học ngày lẻ, khối học ngày chẵn.
Thầy Trần Văn Nhường, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông An Lão, huyện An Lão cho biết, các thầy, cô giáo của trường đều rất nỗ lực đảm bảo giờ dạy cho học sinh. Dù chia lớp học theo ngày lẻ, chẵn hoặc ca sáng, ca chiều, các thầy cô đều phải tăng sức giảng dạy lên gấp đôi. Tình trạng này kéo dài, giáo viên sẽ không có đủ sức khỏe để làm việc, nhất là giáo viên phải đảm nhiệm nhiều lớp học. Trường chỉ có duy nhất thầy giáo dạy môn giáo dục công dân, nếu không bố trí hợp lý, thầy dạy môn này sẽ phải dạy triền miên mới đáp ứng được yêu cầu về đảm bảo chương trình học và giãn cách trong lớp học. Đây cũng là phản ánh của thầy, cô giáo nhiều trường học khác tại Hải Phòng.
* Ngày 27/4, gần 23.000/28.000 học sinh khối 9 và 12 tại tỉnh Sơn La đã quay lại trường để tiếp tục chương trình học tập. Công tác đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch COVID-19, nhất là đối với học sinh tại các trường bán trú được ngành giáo dục tỉnh Sơn La đặc biệt chú trọng.
Trường Trung học Phổ thông Chu Văn Thịnh là một trong những trường đóng ở địa bàn vùng cao, số lượng học sinh ăn, ở bán trú lớn với gần 500 em. Học sinh khối 12 đã có gần 130 em học sinh bán trú. Chính vì vậy, đây là một vấn đề được nhà trường hết sức chú trọng nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh khi quay trở lại trường.
Ông Tòng Văn Toại, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chu Văn Thịnh cho biết, trong đợt này, nhà trường đã chia các lớp khối 12 thành 14 lớp, bố trí vị trí ngồi theo đúng quy định học sinh cách nhau 1,5 m. Đối với công tác tổ chức ăn và ở bán trú, nhà trường tổ chức chia theo khay, mỗi em một vị trí, đảm bảo khoảng cách 2m khi ngồi trong nhà ăn. Đối với các em không đủ khoảng cách, nhà trường bố trí phương án đưa suất ăn về tại phòng ở.
Sơn La là tỉnh có địa bàn rộng, học sinh ở xa, do đó hầu hết các trường học phải tổ chức cho học sinh ăn và ở bán trú. Trong thời điểm bình thường, đây đã là một vấn đề khiến các giáo viên phải hết sức vất vả. Trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay, việc quản lý học sinh lại càng khó khăn hơn.
Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn, ngày đầu quay lại đi học có gần 150 học sinh khối 9 đã đến trường. Việc giãn cách học sinh trên lớp và khu vực bán trú được tiến hành khá thuận lợi. Tuy vậy, thời gian tới, từ ngày 4/5, tất cả các khối lớp đến trường trở lại, số lượng học sinh tăng lên sẽ dẫn đến không ít khó khăn cho việc tổ chức dạy và học ở nơi đây.
Ông Đào Hồng Quân, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, trường đã thực hiện việc giãn cách cho học sinh học 2 ca/ngày. Đối với học sinh bán trú, trường thực hiện bố trí 6 em ở một phòng. Khi đến giờ ăn sẽ tổ chức theo đợt, mỗi đợt không quá 20 em.
“Trong thời gian này, học sinh lớp 9 đến học có thể thực hiện các biện pháp giãn cách học sinh. Tuy nhiên, trong thời gian sắp tới, khi học sinh tất cả các khối đi học trở lại sẽ rất khó khăn cho nhà trường vì thiếu phòng ở để giãn cách cho học sinh”, thầy Quân cho biết.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La Nguyễn Duy Hoàng, để chuẩn bị cho học sinh quay lại trường, ngành Giáo dục đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng phương án theo khung còn lại của năm học. Các trường rà soát toàn bộ nội dung chương trình dạy học chính khóa để xây dựng, điều chỉnh kế hoạch dài hạn, phù hợp với khung thời gian còn lại. Qua rà soát và báo cáo của các đơn vị liên quan, một trong những khó khăn lớn nhất đối với ngành Giáo dục tỉnh Sơn La trong việc triển khai đảm bảo an toàn cho học sinh quay trở lại trường là đảm bảo khoảng cách, giãn cách. Ước tính khi tất cả các cấp học quay trở lại hoạt động bình thường sẽ có trên 360.000 học sinh đi học.
* Ngày đầu tiên đi học lại sau kỳ nghỉ dài phòng, chống đại dịch COVID-19, hai bậc học Trung học Phổ thông, Trung học Cơ sở tại tỉnh Bình Định đều có trên 99% học sinh đi học (bậc Trung học Phổ thông có 51.244 học sinh, Trung học Cơ sở có 91.612 học sinh).
Ngày 27/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh thông tin, tình hình học tập của hai bậc học này diễn ra thuận lợi. Tất cả các trường tổ chức học lại đều thực hiện nghiêm túc những chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Bình Định về đảm bảo an toàn cao nhất cho học sinh, sinh viên, giáo viên…
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định Đào Đức Tuấn cho hay: Tất cả các học sinh, giáo viên đều phải mang khẩu trang và kê bàn cách xa nhau để thực hiện giãn cách. Khi tan học, tất cả các trường đều chia thời gian ra về theo khối, cách nhau 5 - 10 phút. Những trường học có đủ điều kiện cơ sở vật chất sẽ được chia đôi lớp thành hai ca học. Các trường học nội trú được chia giờ ăn làm ba ca nhằm đảm bảo về các yếu tố giãn cách.
Theo ông Đào Đức Tuấn, sau 3 ngày học lại sẽ vào kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nếu diễn biến dịch bệnh không phức tạp hơn, ngành Giáo dục tỉnh Bình Định sẽ tổ chức học lại tất cả các cấp học.
Trước đó, vào ngày 24 và 25/4, ngành Giáo dục Bình Định phối hợp cùng các địa phương, đoàn thể đã tiến hành phun thuốc tiêu độc, khử trùng, làm vệ sinh toàn bộ các trường học trên địa bàn tỉnh. Ngay sau ngày học lại đầu tiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh đã yêu cầu ngành Giáo dục tỉnh Bình Định tiếp tục theo dõi sát, thực hiện đầy đủ các yêu cầu đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.