Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh cho biết, toàn tỉnh hiện có 36.154 cán bộ, giáo viên và nhân viên công tác trong ngành Giáo dục. Quy mô học sinh, các loại hình trường lớp phát triển ổn định, đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế. Đến nay, 100% thôn, buôn có trường lớp mầm non độc lập; 100% xã, phường có trường tiểu học, trung học cơ sở độc lập; mỗi huyện, thị xã có 2 trường trung học phổ thông trở lên; 100% huyện, thị xã, thành phố có trường phổ thông dân tộc nội trú cấp trung học cơ sở…
Giai đoạn 2010 - 2022, tỉnh đã chỉ đạo mua sắm, bổ sung thiết bị dạy học với kinh phí hơn 200 tỷ đồng. Chất lượng giáo dục đại trà được nâng lên, giáo dục mũi nhọn phát triển mạnh qua các năm về chất lượng lẫn số lượng. 5 năm qua, Đắk Lắk dẫn đầu 10 tỉnh duyên hải miền Trung - Tây Nguyên về số học sinh giỏi cấp quốc gia. Các chính sách phát triển nguồn nhân lực, xóa mù chữ, thực hiện các mục tiêu về giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đẩy mạnh. Quy mô các cơ sở giáo dục trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học có những bước phát triển, đạt được nhiều thành tựu. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 4 trường trung cấp, 8 trường cao đẳng, 2 trường đại học và 2 phân hiệu trường đại học.
Tuy nhiên, công tác giáo dục và đào tạo tại Đắk Lắk còn gặp một số khó khăn, hạn chế như tỷ lệ trường học kiên cố hóa còn thấp so với mặt bằng chung cả nước; việc sắp xếp, xóa bỏ các điểm trường còn gặp khó khăn; chất lượng giáo dục đại trà chưa đồng đều; giáo dục ở vùng xa còn nhiều khó khăn dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học; thiếu giáo viên, nhất là giáo viên tin học, giáo viên ngoại ngữ. Ngoài ra, việc phân bổ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn; chất lượng dạy nghề chưa toàn diện, cơ cấu về trình độ đào tạo chưa cân đối...
Tại buổi làm việc, tỉnh Đắk Lắk đề xuất, kiến nghị đoàn công tác xem xét điều chỉnh, sửa đổi quy định tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non để phù hợp với đặc thù công việc; tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác phát triển giáo dục ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có dân số ít. Bên cạnh đó, tỉnh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tham mưu Chính phủ triển khai Chương trình kiên cố hóa trường học, nhà công vụ giáo viên; quy hoạch, sắp xếp lại các trường sư phạm…
Theo Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung, thời gian qua, công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn khá tốt. Tỉnh cũng nâng tỷ lệ đầu tư cho giáo dục. Bám sát Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về nội dung xây dựng, phát triển Đắk Lắk trở thành trung tâm về giáo dục và đào tạo của khu vực Tây Nguyên, tỉnh sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng cho giáo dục và đào tạo một cách đồng bộ. Đồng thời, tỉnh nâng cấp, phát triển các trường đại học, cao đẳng đạt chuẩn quốc gia, trong đó ưu tiên phát triển trường Đại học Tây Nguyên. Tỉnh đề nghị Bộ đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo cho trường Đại học Tây Nguyên và tiếp tục quan tâm tình hình giáo dục đào tạo tại tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề nghị, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung cao độ cho việc triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất tập huấn và bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên đảm bảo đổi mới giáo dục hiệu quả.
Về vấn đề giáo dục dân tộc, theo Bộ trưởng, cần trách nhiệm lớn của địa phương và nhiều chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao khả năng phổ biến tiếng phổ thông, dạy tiếng dân tộc, ngoại ngữ theo nhu cầu cho học sinh dân tộc thiểu số.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thống nhất định hướng sáp nhập trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk vào trường Đại học Tây Nguyên; đề nghị tỉnh quan tâm, hỗ trợ các hoạt động của trường Đại học Tây Nguyên như xây dựng các khu ký túc xá, nhà ở cho giảng viên, huy động và thu hút nhân lực nhà khoa học chất lượng cao…
Cùng ngày, Đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo thăm và làm việc với trường Đại học Tây Nguyên, phân hiệu Đại học Đông Á tại tỉnh Đắk Lắk và trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Hoàng Việt.