Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội đã công bố phương án tuyển sinh vào các lớp đầu cấp. Phải đến đầu tháng 7 các trường mới nhận hồ sơ. Nhưng thời điểm hiện tại, một cuộc đua giữa các phụ huynh để con được vào học ở các trường mầm non công lập đã “nóng”.
Trường công lập: Hết chỗ
Gần một tháng nay, chị Ngô Thị Thu (nhà ở Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) thấp thỏm khi biết cô con gái hai tuổi rưỡi của mình đến tuổi đi học nhưng sẽ không được vào trường mầm non công lập. Mặc dù, vợ chồng anh chị đôi lần “vận động hành lang” nhưng vẫn chưa có kết quả. Chị Thu giải thích: “Do trường ưu tiên nhóm trẻ 5 tuổi ra lớp hết nên những nhóm trẻ 4, 3, 2 tuổi đều chỉ nhận với số lượng có hạn”. Bên cạnh đó còn có một nguyên nhân khách quan nữa là trên địa bàn phường Ngọc Thụy có hai trường mầm non trực thuộc Học viện Hậu cần phải giải thể. Vì vậy, số trẻ từ hai trường này sẽ dồn về trường mầm non Ngọc Thụy. Đây đang là nỗi lo của không ít phụ huynh có con trong độ tuổi đi học mầm non ở địa bàn phường này - một nơi tình trạng tuyển sinh khá dễ chịu so với các quận nội thành Hà Nội trong những năm trước đây.
Theo ghi nhận, trên địa bàn phường Ngọc Thụy cũng có khá nhiều trường mầm non ngoài công lập, tư thục như: Trường mầm non Việt Đức, trường mầm non Ánh Dương, trường mầm Nắng mới, Tuổi thơ hoàn hảo… nhưng đa số phụ huynh đều muốn cho con học trường công bởi kinh phí rẻ hơn so với trường tư thục. Thêm vào đó, cơ sở vật chất của trường mầm non Ngọc Thụy khang trang hơn, lớp học rộng rãi hơn…
Để con được vào học những trường mầm non công lập có tiếng, nhiều phụ huynh phải ngược xuôi 'chạy' trường. Ảnh: internet |
Chia sẻ về những khó khăn trường sẽ gặp phải trong mùa tuyển sinh năm nay, cô Lê Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng trường mầm non Ngọc Thụy cho biết: Thực hiện chủ trương của Sở GD-ĐT, năm nay trường tiếp tục ưu tiên cho 100% số trẻ 5 tuổi đến trường, kể cả những trẻ không có hộ khẩu, tạm trú trên địa bàn phường. Trường đang gặp khó khi hai trường mầm non khác trực thuộc Học viện Hậu cần với khoảng 200 trẻ ở các nhóm tuổi phải giải thể, trong khi đó do trường có cơ sở vật chất tốt nên rất nhiều phụ huynh muốn gửi gắm con mình ở đây.
Theo điều tra của trường mầm non Ngọc Thụy thì số trẻ trong độ tuổi đi học ở nhóm bốn tuổi là: 526, nhóm ba tuổi là: 531, nhóm hai tuổi là: 528. Trong khi trường chỉ nhận 415 trẻ bốn tuổi, 350 trẻ ba tuổi và 100 trẻ hai tuổi. Như vậy, có tới 428 trẻ hai tuổi, 181 trẻ ba tuổi và 111 trẻ bốn tuổi sẽ phải đi học nơi khác hoặc ở nhà. “Điều này đang gây căng thẳng cho mùa tuyển sinh của trường trong năm nay. Đặc biệt là những nhóm trẻ ít tuổi”, cô Ngọc cho hay.
Còn chị Thu Hà (khu tập thể Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, năm nay con của chị được 3 tuổi và bắt đầu đi học. Ở khu vực này có hai trường công lập là: Mầm non Hoa sữa và Mầm non Đống Đa. Tuy nhiên việc tuyển sinh năm nào cũng căng thẳng, do nhu cầu học cao. “Tôi đã vài lần đến hỏi trường nhưng cũng chỉ được giải thích là: chờ đến đầu tháng 7 có đợt mua hồ sơ. Tôi biết, năm nào cũng sẽ có cảnh xếp hàng nhưng vẫn cố tìm cho con mình một chỗ chắc chân” - chị Hà tâm sự.
Lựa chọn khu vực trường công lập vẫn là ưu tiên hàng đầu của đa số người dân. Mặc dù sĩ số lớp luôn đông nhưng ở các trường công lập, học phí rẻ hơn so với hệ thống tư thục và môi trường học tốt nên các phụ huynh rất tin tưởng. Thậm chí có phụ huynh sẵn sàng nhập hộ khẩu người quen từ những năm trước để khi con đến tuổi đi học được học đúng tuyến. Tuy nhiên, có những quận việc tuyển sinh luôn trong tình trạng “cung không đủ cầu”. Cảnh xếp hàng trắng đêm xin cho con học luôn là nỗi âu lo của đa số phụ huynh ở Thủ đô mỗi khi mùa tuyển sinh về.
Nếu quá “căng” sẽ bốc thăm
Theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT Hà Nội, công tác tuyển sinh phải đảm bảo: Giảm trái tuyến và tạo sự đồng đều hơn về chất lượng giữa các trường; bảo đảm đủ chỗ học cho trẻ mầm non. Số trẻ mầm non dự kiến được tuyển là 68.500 bé (đối với lứa tuổi nhà trẻ) và 327.500 bé (lứa tuổi mẫu giáo). Thời gian tuyển sinh bắt đầu từ ngày 2 đến ngày 16/7/2012. Sau khi đã nhận đủ số trẻ trong độ tuổi, số học sinh theo tuyến tuyển sinh, nếu còn chỉ tiêu, các trường có thể tiếp nhận trẻ hoặc học sinh cho đủ chỉ tiêu được giao.
Nhiệm vụ năm học 2012 - 2013 mà Hà Nội đặt ra là sẽ huy động 32% số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, 90% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo đến trường, đặc biệt ưu tiên nhận trẻ 5 tuổi vào các trường mầm non, thực hiện phổ cập mầm non 5 tuổi mà Bộ GD - ĐT đã đặt ra.
Tại những địa bàn nóng về tuyển sinh mầm non, nhiều trường đã phải áp dụng phương án bốc thăm nhằm giải quyết nhu cầu của phụ huynh. Năm học 2011 - 2012, trường mầm non Bách Khoa do ưu tiên trẻ 5 tuổi ra lớp, những nhóm trẻ dưới 5 tuổi phải bốc thăm để được vào học.
Tuy nhiên, một nguyên nhân được lãnh đạo các ngành, địa phương chỉ ra là việc thiếu quỹ đất xây trường mầm non. Việc xây thêm mỗi quận vài trường mầm non công lập là một vấn đề đã hiển hiện nhưng chưa được hiện thực hóa. Đại diện những địa bàn như quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm đều bày tỏ, quận không thiếu tiền xây trường mà vấn đề là quỹ đất lấy ở đâu ra. Một cán bộ phòng giáo dục quận Đống Đa chia sẻ: “Việc thu hồi đất những doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả trên địa bàn phường rất chậm. Thay vì trả đất lại cho chính quyền quản lý, thì doanh nghiệp lại muốn xây nhà để bán”.
Lê Vân